Tấm gương từ Huỳnh Quốc Anh

18 tuổi trở thành nhân tố chủ lực giúp bóng đá Đà Nẵng lần đầu tiên vô địch giải U21 toàn quốc-Cúp Báo Thanh Niên, sân chơi vốn được xem là bệ phóng lý tưởng nhất cho cầu thủ trẻ phát triển nghề nghiệp. Đấy là VCK tại An Giang (năm 2003), mà Đà Nẵng của những Quốc Anh, Phước Vĩnh, Thanh Phúc…, đã vượt qua ĐKVĐ SLNA trong trận đấu cuối cùng.

20 tuổi đã là trụ cột của ĐT U23 Việt Nam ở SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines, và U23 Việt Nam dưới thời HLV Alfred Riedl đã đi một mạch đến trận chung kết. Nhưng cũng tại đây, sau scandal rúng động làng bóng đá khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, Quốc Anh có tên trong số những cầu thủ nhúng chàm và phải đón nhận sự trừng phạt của pháp luật.

Quốc Anh (áo trắng) là tấm gương cho nỗ lực vượt khó để vươn lên. Ảnh: Kim Ngọc

Đã có lúc Quốc Anh tính đến chuyện nghỉ hẳn đá bóng để tìm hướng đi mới, bởi Quốc Anh xuất thân từ gia đình cơ bản, lại cũng được ăn học tử tế, cho đến một ngày tháng 4 năm 2008, khi án phạt cấm thi đấu dành cho Quốc Anh và đồng đội được tháo gỡ, Quốc Anh lần đầu tiên tìm về được với bóng đá, sau 3 năm, 5 tháng và 17 ngày xa cách.

Nhưng, lúc này Quốc Anh đã 23 tuổi, quá già để bắt đầu lại một sự nghiệp, vì đời cầu thủ vốn ngắn, ngắn lắm! Ấy thế mà chỉ 5 năm sau, Quốc Anh trở thành ứng viên số một cho danh hiệu QBV Việt Nam.

Không có điều kỳ diệu nào cả, Quốc Anh chỉ có mỗi sự thông minh (sẵn trong người), tinh thần vượt khó, khổ luyện và đam mê với nghề. Tất cả đều không tự nhiên mà đến và sau những va vấp, để được thừa nhận (trở lại) là điều cực khó, nhưng Quốc Anh đã làm được và làm rất tốt!

CCKM
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-trong-nuoc/tam-guong-tu-huynh-quoc-anh-n20130417022258896.htm