'Tam giác quyền lực' phía sau chiến lược cứng rắn của Australia đối với Trung Quốc

Những nhân vật chủ chốt giúp định hình chính sách về Trung Quốc của Australia bao gồm Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia Andrew Shearer, Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các Nick Warner cùng Justin Bassi - Chánh văn phòng của Ngoại trưởng Marise Payne.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nhiều lần khẳng định lợi ích quốc gia của nước này là kim chỉ nam duy nhất trong chính sách của ông đối với Trung Quốc. Để xác định những lợi ích đó nằm ở đâu, Thủ tướng Morrison và nội các của ông dựa vào một loạt các cố vấn và những nhân vật chính trị chủ chốt – tạo ra một lực lượng nòng cốt tập trung mạnh mẽ vào an ninh quốc gia và theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Japan Times

Cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Morrison được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của Covid-19 và Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia.

Trong những tuần gần đây, nhiều nhân vật cấp cao của chính phủ Australia, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton đã nhắc đến “bóng ma chiến tranh” khi cảnh báo nguy cơ xung đột giữa hai nước.

Australia đã cấm gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G tại quốc gia này vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cùng với đó, Canberra cũng thông qua luật chống can thiệp từ nước ngoài được cho là nhằm vào Bắc Kinh. Tháng 4 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định hủy bỏ 2 thỏa thuận do bang Victoria ký kết với Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành đai – Con đường và xem xét khả năng buộc tập đoàn Trung Quốc Landbridge dừng thuê cảng Darwin.

Bộ ba định hình chính sách của Australia đối với Trung Quốc

Những nhân vật chủ chốt giúp định hình chính sách về Trung Quốc của Australia bao gồm Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia Andrew Shearer, Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các Nick Warner cùng Justin Bassi - Chánh văn phòng của Ngoại trưởng Marise Payne.

Trước khi trở thành Giám đốc Văn phòng Tình báo quốc gia, ông Andrew Shearer từng là cố vấn an ninh quốc gia của các cựu Thủ tướng Tony Abbott và John Howard. Nhân vật này từ lâu luôn bày tỏ lo ngại về chiến lược của Bắc Kinh và quan điểm của ông hiện giờ đã trở nên phổ biến ở Canberra.

Trong bài phân tích cho Viện nghiên cứu Lowy vào năm 2010, ông Shearer cảnh báo, Australia cần cảnh giác trước động cơ phía sau các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng chiến lược với nước này.

Từng có thời gian dài làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, ông Shearer được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ việc hợp tác với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác để chống lại sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu năm 2017, ông đã chỉ trích cựu Thủ tướng Kevin Rudd về quyết định rút Australia khỏi nhóm Bộ Tứ vào năm 2008.

John Blaxland, cựu sĩ quan tình báo, hiện là chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia nhận xét, Shearer là một "người tin tưởng mạnh mẽ vào liên minh do Mỹ dẫn đầu và ủng hộ các biện pháp nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như vai trò của nhóm Bộ Tứ”.

“Ông ấy là một nhân vật chính trị bảo thủ đáng tin cậy. Những lời nhận xét của ông ấy được đánh giá cao trong nội bộ”, ông John Blaxland cho biết.

Nick Warner, cựu tổng giám đốc Cơ quan tình báo Australia - hiện đảm nhiệm chức Cố vấn Văn phòng Thủ tướng và Nội các, cũng là một nhân tố quan trọng khác trong việc xây dựng chính sách về Trung Quốc. Theo chuyên gia John Blaxland, nhân vật này “mềm mỏng hơn một chút và ít cứng rắn hơn” so với ông Shearer, dù chính trị gia này rất dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo.

Còn Justin Bassi, cựu cố vấn an ninh quốc gia, người từng làm việc tại Văn phòng Tình báo Quốc gia, được cho là nhân vật khá cứng rắn với Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, tiếng nói của Justin Bassi có tầm ảnh hưởng lớn bởi ông có mối quan hệ mật thiết với các nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước.

Một cựu quan chức cấp cao của chính phủ Australia nhận xét rằng, cả Shearer và Bassi đều có “cách tiếp cận rất cứng rắn đối với an ninh quốc gia và ý thức mạnh mẽ về lợi ích quốc gia”.

Theo quan chức này, cả 3 nhân vật nói trên đều có tầm ảnh hưởng lớn và có vai trò quan trọng trong việc định hình lập trường của chính phủ Australia đối với khu vực và đối với những thách thức từ Trung Quốc”.

Không phải là ngoại lệ

Tuy vậy, Andrew Shearer, Nick Warner và Justin Bassi không phải là những “trường hợp ngoại lệ” trong giới hoạch định chính sách đối ngoại của Australia vì hiện đang có một sự “đồng thuận rộng rãi” về cách thức Canberra xử lý quan hệ với Bắc Kinh, một cựu quan chức Australia cho biết.

“Quan điểm chủ đạo tại Australia vẫn là lo ngại thực sự về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, cách nước này thực hiện chính sách đối ngoại và thúc đẩy lợi ích của họ trong khu vực”, quan chức này nhấn mạnh.

Chuyên gia Blaxland đánh giá, lập trường nhất quán này vừa là động lực nhưng lại vừa phản ánh sự thay đổi cách nhìn của Australia đối với Bắc Kinh: “Sự nổi lên của các nhân vật nói trên cho thấy quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ngày càng được củng cố. Họ đã âm thầm xây dựng chiến lược trong nhiều năm. Họ đã theo dõi các báo cáo mật về động cơ và mục đích của Trung Quốc cùng chính sách của nước này đối với đời sống chính trị và kinh tế của Australia. Giờ đây, họ đang đáp trả và họ làm điều đó với một quyết tâm mạnh mẽ”.

Nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa

Ngoài bộ ba kể trên, có rất nhiều tiếng nói nổi bật khác thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh, trong đó có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Mike Pezzullo, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Hastie và Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia.

Tuy vậy, một số chuyên gia lo ngại, Australia đã quá cứng rắn với Trung Quốc và điều này sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ song phương. James Curran, giáo sư lịch sử tại Đại học Sydney cho rằng, Australia đã đi trước các quốc gia khác, trong đó có Mỹ về chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

“Lập trường của Australia xuất phát từ sự pha trộn giữa hoài nghi về cam kết của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương – ngay cả khi Tổng thống Biden sử dụng lời lẽ cứng rắn khi nói về Trung Quốc và sự thổi phồng mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra”, ông James Curran nói.

“Hai yếu tố này luôn song hành. Thủ tướng Morrison đôi khi nhắc đến từ “hòa bình” trong các tuyên bố của ông nhưng điều này đã bị các thành viên trong nội các phản đối”.

Theo chuyên gia Behm của Viện Australia, Australia có lẽ đang nhìn tất cả các hành động của Trung Quốc thông qua lăng kính đe dọa mà không thực sự nhìn vào những yếu tố đang kìm chế Trung Quốc khi nước này muốn tìm cách khẳng định vị thế của mình.

Một số nhà quan sát cho rằng, ưu tiên hàng đầu cho vấn đề an ninh quốc gia không nên trở thành rào cản lớn làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trên thực tế Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn của Australia và do đó, nước này cần phải tìm ra một cách tiếp cận cân bằng hơn trong chiến lược với Bắc Kinh./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tam-giac-quyen-luc-phia-sau-chien-luoc-cung-ran-cua-australia-doi-voi-trung-quoc-864517.vov