Tạm dừng cấp phép khai thác mỏ để hạn chế xuất quặng thô

SGTT.VN - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản ở tất cả các cấp có thẩm quyền. Quyết định này gây nên nhiều bất ngờ đối với cả các doanh nghiệp và lãnh đạo một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép khai khoáng.

Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về lý do của việc tạm dừng này.

Thưa phó Thủ tướng, việc tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản xuất phát từ nguyên nhân gì?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh:

Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ngừng khai thác mỏ sắt Quý Xa để hợp tác với Trung Quốc đầu tư nhà máy sản xuất thép 500.000 tấn khai thác quặng cung cấp cho chính nhà máy này; đồng thời cũng xuất phát từ khó khăn trong cân đối than cốc cho sản xuất thép trong nước. Từ 2005 – 2006, Chính phủ cho phép xuất khẩu một số quặng sắt để đổi lấy 800.000 tấn than cốc phục vụ nhu cầu sản xuất thép trong nước và mình đã làm được. Nhưng thời gian qua, việc nhập than cốc từ Úc mạnh, nhập từ Trung Quốc không lớn, nhu cầu đối lưu không còn nữa.

Thứ hai là dừng cấp phép dự án titan mới. Titan nước ta có hai loại: sa khoáng ven biển và titan tầng cát đỏ. Loại sa khoáng chiếm nhiều hơn, kéo từ Hà Tĩnh vào Bình Thuận, Ninh Thuận. Sau khi bộ Tài nguyên và môi trường tiến hành điều tra cơ bản, chúng ta đã lập được bản đồ địa chất và xác định trữ lượng titan của ta đạt trên 500 triệu tấn, khác hẳn với đánh giá ban đầu cho rằng trữ lượng thấp, không đáng kể, là nguyên nhân của việc cho phép tận thu.

Trong khi thị trường thế giới một năm chỉ khai thác được 6 – 7 triệu tấn, thì với trữ lượng titan trong nước lớn như thế, việc tập trung khai thác titan… với quy mô lớn, khả năng chuyển giao công nghệ, chế biến sâu sẽ cho hiệu quả hơn. Vì vậy, Thủ tướng quyết định dừng cấp phép titan sa khoáng thông qua việc không cấp dự án mới, dự án cũ dùng hết giấy phép cũ, sau đó hoàn trả môi trường. Một số dự án đầu tư xây dựng trên đất có titan sa khoáng sẽ bị đóng lại. Chủ trương mới của Chính phủ là tập trung đầu tư với quy mô lớn, chế biến sâu có hiệu quả.

Còn việc dừng cấp phép khoáng sản nói chung, thưa phó Thủ tướng, để nhằm thực hiện những yêu cầu mới gì?

Qua đánh giá công tác quản lý khoáng sản, Chính phủ nhận thấy việc xuất khẩu khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu thông tư 08/TT-BCT của bộ Công thương (hướng dẫn các nghị định về khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản của Chính phủ). Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên khoáng sản theo hướng bền vững, Chính phủ đã đề xuất, Quốc hội thông qua luật Khoáng sản sửa đổi, với yêu cầu thứ nhất là thu quyền khai thác: các chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước để được quyền khai thác mỏ. Phải đấu giá quyền khai thác mỏ. Nghị định về đấu giá khai thác mỏ đang hoàn thiện những bước cuối cùng không ngoài mục tiêu tăng thu từ các nguồn khoáng sản và hướng tới những nhà đầu tư có quy mô lớn, chế biến sâu.

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng khai thác để sửa thông tư 08 cũng với mục đích nâng tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản lên, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, buộc các nhà đầu tư đi vào chế biến sâu. Ví dụ, titan phải chiếm hàm lượng từ 52% thì quặng mới được xuất khẩu... Thủ tướng cũng yêu cầu ba bộ có chức năng quản lý khoáng sản phải tổng kết lại và trình Chính phủ các giải pháp quản lý, chế biến khoáng sản.

Như vậy mục đích chính của quyết định tạm dừng khai khoáng nhằm chấn chỉnh tình hình cấp phép, khai khoáng khá lộn xộn trong thời gian qua?

Đúng vậy. Nếu nhìn vào cơ cấu ngành công nghiệp khai khoáng mới thấy đóng góp của khu vực này cho tổng giá trị sản lượng công nghiệp cũng như tỷ trọng sản phẩm khai khoáng đều giảm. Năm 2010, khai khoáng chỉ còn 9,8%, trước đấy là 12 – 15 – 18%. Điều này sẽ được xem xét và điều chỉnh lại.

Điểm nữa là phải gắn việc thăm dò – cấp phép khai thác – chế biến với nhau. Lâu nay, các doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác rồi xin xuất thô. Nhưng nay, nếu doanh nghiệp không đầu tư đúng công nghệ chế biến khoáng sản sẽ không được phép thăm dò và khai thác. Trước đây, giấy phép thăm dò được cấp riêng, sau đó mới cấp giấy phép khai thác rồi đến giấy phép chế biến. Tuy gần đây chúng ta đã nhập hai giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác chế biến, nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn nặng về khai thác chứ không nặng về chế biến.

Dự kiến việc tạm dừng này có thời hạn đến bao giờ thưa phó Thủ tướng? Với việc khai thác, xuất khẩu than rất lớn hàng năm thì nếu dừng có ảnh hưởng lớn đến việc khai thác, cung ứng than ngay cả cho các doanh nghiệp trong nước như các nhà máy điện chạy than?

Thời hạn thế nào cũng chưa biết được, tới đây Thủ tướng nghe các bộ ngành báo cáo mới có giải pháp. Cấp phép khai thác mới với than cũng đang bị dừng. Các mỏ cũ đã cấp thì vẫn tiếp tục khai thác bình thường.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/155119/tam-dung-cap-phep-khai-thac-mo-de-han-che-xuat-quang-tho.html