Tâm điểm cuộc đua kế nhiệm bà Truss

Theo chuyên gia, các ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Liz Truss có thể trải qua quy trình nhanh với hai vòng bỏ phiếu, và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 10.

Việc tìm ra người thay thế Thủ tướng Liz Truss sau khi bà thông báo từ chức hôm 20/10 đang là nhiệm vụ cấp bách của đảng Bảo thủ Anh, nhằm sớm thành lập một chính phủ mới để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện tại ở nước này.

“Ủy ban 1922 và ban lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ thống nhất một quy trình bổ nhiệm một nhà lãnh đạo mới. Điều này sẽ được thực hiện với tốc độ nhanh, vì nước Anh đang cần sự rõ ràng và ổn định”, ông Stephen Clear, giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, trao đổi với Zing về quy trình chọn lựa tân thủ tướng.

Quy trình bổ nhiệm thủ tướng mới

Giải thích với Zing, ông Clear cho biết có hai phần quan trọng của cuộc đua.

Đầu tiên là với ông Graham Brady và Ủy ban năm 1922 - đại diện cho nghị sĩ không phải là bộ trưởng trong chính phủ. Điều này sẽ chứng kiến các nghị sĩ hiện tại ủng hộ người kế nhiệm tiềm năng ưa thích của họ. Quá trình này đã được công bố sẽ kết thúc vào tối 24/10 (giờ địa phương).

Ông Stephen Clear, giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, Anh. Ảnh: Đại học Bangor.

Giả sử có nhiều hơn một ứng cử viên được chọn trong cuộc bỏ phiếu của Ủy ban năm 1922, ban lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu cuối cùng cho các thành viên đảng Bảo thủ rộng rãi hơn. Cuộc bỏ phiếu này sẽ diễn ra vào ngày 28/10.

Để một ứng cử viên có thể tham gia vào giai đoạn hai của quá trình lựa chọn, cá nhân đó cần sự ủng hộ của ít nhất 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ. Điều này có nghĩa là về lý thuyết chỉ có thể có tối đa 3 ứng cử viên, và khả năng cao sẽ chỉ có 2.

Khung thời gian mà đảng đã công bố hôm 20/10 cho thấy rằng phiếu bầu của các thành viên sẽ được chuyển qua Internet thông qua lá phiếu điện tử (do không có đủ thời gian cho các cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện).

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ biết lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ (và cũng là thủ tướng mới) là ai vào cuối tháng 10.

"Trong khi đây vẫn là một bức tranh đang tiến triển, cựu Thủ tướng Boris Johnson, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt có khả năng cao là những người về nhất trong chặng đua đầu tiên", ông Clear dự đoán.

"Nếu đảng Bảo thủ tập hợp lại và chỉ chọn ra một ứng viên và đoàn kết, có thể có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ, hợp lý. Tuy nhiên, việc thống nhất chỉ một ứng viên có vẻ khó xảy ra", vị chuyên gia cho biết thêm.

Ông Clear cũng lưu ý rằng đã có những lời kêu gọi mới cho một cuộc tổng tuyển cử từ các đảng đối lập.

“Điều gì xảy ra tiếp theo (đối với đảng Bảo thủ và môi trường chính trị Anh) phụ thuộc vào số lượng nghị sĩ đảng Bảo thủ hiện đứng trong cuộc đua lãnh đạo”, vị chuyên gia cho hay.

Công chúng mong chờ gì ở tân thủ tướng?

Có hàng loạt thách thức mà tân thủ tướng tương lai sẽ phải đối mặt, theo vị chuyên gia.

“Cụ thể, cần có sự rõ ràng xung quanh chính sách của chính phủ, nhu cầu cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cũng như đáp ứng các lời kêu gọi tổng tuyển cử sớm và giải quyết tình trạng mất đoàn kết giữa các vùng lãnh thổ bên trong nước Anh (bao gồm cả lời kêu gọi độc lập khỏi Anh của Scotland và xứ Wales)”, ông Clear nói rõ.

Các ứng viên tiềm năng kế nhiệm bà Truss. Ảnh: SkyNews.

Ông Clear nhấn mạnh rằng công chúng đang cần một nhà nhà lãnh đạo “có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát và sự mất giá của đồng bảng Anh”.

“Công chúng mong đợi chính phủ khẩn trương giải quyết các mức sống, và khôi phục sự ổn định cho danh tiếng quốc tế bị tổn hại của Anh. Công chúng kỳ vọng vào chính phủ ổn định”.

Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của nhà lãnh đạo mới là tạo ra một chính phủ ổn định và đoàn kết.

Vị chuyên gia cho rằng những sai lầm của bà Truss một phần có liên quan đến cách bổ nhiệm các thành viên trong nội các của bà.

“Trong khi bà Truss bổ nhiệm đồng minh thân cận của mình vào nội các, những chính trị gia cấp cao giàu kinh nghiệm đã bị bỏ sót. Điều này đã tạo điều kiện cho sự bất đồng quan điểm dâng lên”.

Do đó, “thủ tướng mới cần phải có một lực lượng đoàn kết, tập hợp các tài năng từ khắp đảng Bảo thủ (bất chấp những người đó là bạn hay đối thủ)”.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-cuoc-dua-ke-nhiem-ba-truss-post1367450.html