Tâm điểm chú ý dồn vào lãnh đạo nước chủ nhà G20

Tổng thống Indonesia, người luôn tập trung vào vấn đề trong nước, đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Bài toán tiếp theo mà ông đối mặt là hội nghị thượng đỉnh G20.

Tuần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20, mà ông từng mô tả với New York Times là hội nghị "khó khăn nhất" trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay.

Trong hầu hết 8 năm cầm quyền, chiến lược chính sách đối ngoại của ông Widodo là mang lại lợi ích cụ thể cho 276 triệu người Indonesia tại quê nhà, chủ yếu tập trung vào các thương vụ đầu tư và du lịch.

Khi ông mới được bầu vào năm 2014, các cố vấn chính sách đối ngoại thậm chí đã phải thuyết phục tổng thống Indonesia xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của ông.

“Ông ấy là người thực tế”, Meidyatama Suryodiningrat, chủ tịch hãng thông tấn quốc gia LKBN Antara, cho biết. “Ông ấy kiểu như: 'Được rồi, tại sao tôi phải tham dự một cuộc họp của 20 nguyên thủ quốc gia khi chúng tôi chỉ ngồi xung quanh và thực sự không làm gì cả?’".

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Times tại đảo Bali của Indonesia, nơi G20 sẽ diễn ra, ông Widodo cho biết các ưu tiên của ông khi đó là ổn định trong nước và phát triển nền kinh tế.

“Chính sách đối ngoại là một phần mở rộng của tình hình trong nước”, ông nói.

Nhưng năm nay, kỳ vọng đã cao hơn. Tổng thống Indonesia lấy tăng trưởng kinh tế làm dấu ấn và nhận thức rõ cuộc xung đột ở Ukraine có thể ảnh hưởng lợi ích của ông, khi ông gần kết thúc nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình.

 Tổng thống Indonesia Joko Widodo có bài phát biểu bế mạc trong Hội nghị thượng đỉnh B20, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, tại Nusa Dua, Bali. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo có bài phát biểu bế mạc trong Hội nghị thượng đỉnh B20, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, tại Nusa Dua, Bali. Ảnh: Reuters.

Từng chỉ ưu tiên vấn đề trong nước

Ông Widodo từng không phải là một tổng thống tập trung chính sách đối ngoại. Là một người ăn nói nhẹ nhàng với phong thái khiêm nhường, ông đã có những bước thăng tiến chính trị ở Indonesia khi được bầu làm tổng thống năm 2014.

Ở ông, tầng lớp trung lưu nhìn thấy sự hứa hẹn về một khởi đầu mới, với vị tổng thống đầu tiên không có mối liên hệ nào với giới tinh hoa Jakarta hay quân đội.

Từng là nhà xuất khẩu đồ nội thất, ông Widodo điều hành công việc quản lý đất nước như một doanh nghiệp.

Trong năm đầu tiên tại nhiệm, ông nói với các nhân viên của mình tập trung vào chính sách ngoại giao "thực tế", hướng dẫn họ tăng cường đầu tư và xuất khẩu.

Các nhà ngoại giao được yêu cầu mở các hội chợ thương mại và thu hút nhiều khách du lịch hơn.

Ông Widodo chưa bao giờ tham dự cuộc họp tại Liên Hợp Quốc. Khi được hỏi tại sao, ông vừa cười vừa trả lời: "Bởi vì tôi thích kết quả thực và cụ thể".

“Đó là một cơ hội mà ông Widodo bỏ lỡ", Dewi Fortuna Anwar, một giáo sư nghiên cứu tại Viện Khoa học Indonesia, cho biết. Nhưng bà nói thêm rằng: “Ông ấy không quan tâm, ông ấy không có tham vọng chơi ở đấu trường toàn cầu”.

Kết quả là Indonesia, dưới thời ông Widodo, trở nên giống một “xứ sở vạn đảo” bị tách biệt.

Trước đó, dưới thời người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, Indonesia từng được coi là nước đứng đầu trên thực tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và đóng vai trò quan trọng trong thiết lập các thể chế, chuẩn mực khác nhau về dân chủ cùng nhân quyền.

Ngược lại, ông Widodo tập trung vào các ưu tiên trong nước.

Ông trở nên sôi nổi khi nói về các khoản đầu tư niken và kế hoạch tái trồng rừng của Indonesia, trong khi các câu trả lời về chính sách đối ngoại của ông thì cố định và theo kịch bản hơn.

Đó cũng là một trong những ưu điểm của ông trước công chúng. Một cuộc khảo sát năm 2021 đối với khoảng 3.000 người Indonesia cho thấy đa số muốn chính phủ tập trung vào công ăn việc làm và nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn cho công dân ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, ông Widodo có tỷ lệ ủng hộ gần 70% và đang trên đà trở thành tổng thống Indonesia được yêu thích nhất từ trước đến nay khi ông rời nhiệm sở.

 Ông Widodo đang kiểm tra công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại khách sạn Apurva Kempinski Bali. Ảnh: New York Times.

Ông Widodo đang kiểm tra công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại khách sạn Apurva Kempinski Bali. Ảnh: New York Times.

Ông Widodo nổi tiếng với phong cách lãnh đạo trực tiếp can dự vào công việc, còn được biết đến với tên gọi là blusukan ở Indonesia. Ông thường được nhìn thấy mặc áo sơ mi trắng xắn tay và đi đôi giày thể thao màu đen, đích thân kiểm tra các cầu, đường thu phí.

Gần đây, ông đã đứng bên đường xe chạy vào một khách sạn ở Bali, xem những chiếc xe lái qua trong một phần của buổi diễn tập trước hội nghị G20. Khi được hỏi tại sao một tổng thống Indonesia như ông phải đích thân đánh giá các nghi thức ngoại giao, ông Widodo cho biết ông quan tâm “không chỉ vĩ mô mà còn cả vi mô”.

Sau đó, ông nói về việc mình kiềm chế lạm phát vào tháng 10 bằng cách nói chuyện với các thị trưởng và thống đốc để hỗ trợ kiểm soát chi phí vận chuyển gạo, ớt từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Điều này có nghĩa là không chỉ vĩ mô, mà còn cả các chi tiết, đều cần được quan tâm khi nhìn nhận vấn đề, ông cho biết.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Widodo đã thể hiện sự chú ý nhiều hơn đến các vấn đề toàn cầu, thông qua các chuyến công du đến những nơi được nước nhà quan tâm.

Vào năm 2018, ông đã đến một trại tị nạn người Rohingya theo đạo Hồi ở Cox Bazaar của Bangladesh.

Ông Widodo cũng thường đánh giá chính sách đối ngoại dưới dạng giao dịch và tìm kiếm các quốc gia có thể giúp ông đạt được mục tiêu của mình.

Cơ sở hạ tầng được ông xem là di sản đặc trưng và tổng thống Indonesia đã tìm thấy đối tác sẵn sàng ở Trung Quốc. Trong suốt thời gian nắm quyền, ông Widodo đã tới Trung Quốc 5 lần.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Indonesia sau Singapore. Nước này đầu tư 5,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ.

Bài toán G20

Tổng thống Indonesia, người luôn tập trung vào vấn đề trong nước, đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

4 tháng sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, ông cố gắng trở thành nhân tố hòa giải.

Ông đến Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, đề nghị mang một thông điệp tới Tổng thống Vladimir Putin. Sau đó, ông bay đến Nga, nơi ông thúc giục ông Putin bắt đầu đối thoại với ông Zelensky.

Mặc dù không tạo được bước đột phá lớn, ở quê nhà, chuyến đi đã được đón nhận nồng nhiệt, với những câu chuyện trên trang nhất ca ngợi ông Widodo là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến Nga và Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Nhiều người ủng hộ thậm chí đề nghị rằng ông nên giành được giải Nobel Hòa bình.

Thế nhưng, bài toán tiếp theo mà ông đối mặt - hội nghị thượng đỉnh G20 - có thể sẽ khó khăn không kém.

 Tổng thống Indonesia, người luôn tập trung vào vấn đề trong nước, đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Indonesia, người luôn tập trung vào vấn đề trong nước, đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Ảnh: Reuters.

Xung đột, lạm phát và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang chia rẽ các nền kinh tế lớn và gây khó khăn trong việc đưa ra phản ứng phối hợp, theo Wall Street Journal.

Politico dẫn nguồn tin cho biết, ông Widodo nhiều lần nói rằng ông sẽ phải chủ trì một hội nghị thượng đỉnh G20 khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, việc có thể đưa ra tuyên bố chung tại thượng đỉnh G20 là “thành công" của ông.

Trước thềm hội nghị G20, tổng thống Indonesia đã bày tỏ sự lo lắng về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nói rằng ông đã chuyển thông điệp này tới Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden. Ông cho biết ông hy vọng cuộc hội đàm giữa cả hai nhà lãnh đạo ở Bali có thể làm giảm căng thẳng.

“Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến xung đột hoặc thậm chí chiến tranh”, ông Widodo nói.

Trước đó, Politico dẫn lời 3 quan chức ngoại giao am hiểu tình hình cho biết quan chức cấp cao Indonesia, bao gồm Tổng thống Joko Widodo, đã kêu gọi lãnh đạo Mỹ, châu Âu, Australia, Canada và Nhật Bản “linh hoạt”, xem xét sử dụng từ ngữ bớt cứng rắn hơn với phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Tổng thống Widodo cũng đang phải dàn xếp để tránh việc hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc mà không có ảnh chụp chung của các lãnh đạo. Theo thông lệ, lãnh đạo G20 thường chụp ảnh chung để thể hiện tinh thần đoàn kết.

Nguồn tin cho rằng ông Widodo đang tìm hiểu quan điểm của các lãnh đạo G20 về việc chụp ảnh kỷ niệm.

Zing từ Indonesia: Mỹ - Trung cố vượt qua khác biệt Tại cuộc gặp với tổng thống Mỹ ở Bali, ông Tập thừa nhận quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại chưa phù hợp với lợi ích 2 nước và chưa đáp ứng được kỳ vọng toàn cầu.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-chu-y-don-vao-lanh-dao-nuoc-chu-nha-g20-post1375150.html