Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khai thác thế mạnh du lịch tâm linh

Với hệ thống các di tích đền, chùa khá đậm đặc, Tam Đảo đã tạo thành tour, tuyến du lịch tâm linh khám phá đặc biệt. Thế mạnh này đang được chính quyền địa phương tập trung khai thác để Tam Đảo có thể mở đón du khách quanh năm, không còn là du lịch một mùa.

Trong sơ đồ Nhà biệt thự Tam Đảo xưa của người Pháp (khi xây dựng khu nghỉ mát Tam Đảo vào những năm 30- 40 của thế kỷ XX), còn nổi bật những điểm di tích như đền Mẫu, đền Chúa. Các di tích đặc biệt, linh thiêng này từ thời Pháp đến nay còn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được giải mã hết.

Đền Trần (thị trấn Tam Đảo) vừa được tôn tạo, xây mới bằng nguồn xã hội hóa đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân và du khách. Ảnh: Thu Thủy

Trải qua các cuộc chiến tranh, khi hòa bình lập lại, nhiều di tích đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng. Với niềm ngưỡng vọng tâm linh, nhân dân và chính quyền địa phương đã cùng khôi phục, tôn tạo và tu bổ lại tạo thành điểm nhấn chuỗi các di tích từ phía chân tới đỉnh núi Tam Đảo, đặc biệt là các đền, chùa: Đền Mẫu Chân Suối, đền Cậu, chùa Vân Sơn, đền Nhị vị Vương Cô, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, đền Mẫu Dao Trì, đền Trần…

Còn nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh những di tích này khiến bất kỳ du khách nào tới thị trấn Tam Đảo cũng muốn khám phá. Chị Phan Thị Bình (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đến khu du lịch Tam Đảo, nhưng trước khi vào mùa hè nghỉ dưỡng thì đầu Xuân tôi đã có lễ dâng, cầu xin cho một năm những điều hạnh phúc, bình an, làm ăn buôn bán thuận lợi.

Chị Bình nói: "Tôi thấy ngọn núi Tam Đảo rất linh thiêng và theo lễ nghi trong tín ngưỡng thì không nên bỏ qua bất kỳ di tích nào khi lên núi, phải đi thứ tự từ đền Mẫu Chân Suối để tri ân công đức của Mẫu rồi mới lên đền Cậu để trình, tiếp đến vào chùa Vân Sơn bái Phật rồi mới lên đền Nhị vị Vương Cô (2 cô công chúa thời nhà Trần), rồi lên đỉnh cao nhất của thị trấn là ngôi đền Bà Chúa Thượng Ngàn".

"Đến đây, du khách có thể tham quan, chiêm bái quần thể khu di tích đã được tu bổ, xây mới như đền Quốc Mẫu Vua Bà, đền Địa Mẫu, chùa Vàng… và ngắm toàn cảnh nên thơ của núi rừng Tam Đảo. Trên đường xuống núi, không thể không ghé vào đền Mẫu Dao Trì và đền Trần. Như vậy là “trình” đủ các “Ngài” và các ban bệ nơi đây trong tuyến du lịch tâm linh”, chị Bình cho biết thêm.

Lối lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn thu hút du khách bởi vẻ đẹp của màu xanh thẳm sâu. Ảnh: Thu Thủy

Thị trấn Tam Đảo không chỉ “hút” khách dịp hè bởi khí hậu mát mẻ, trong lành mà mùa xuân, mùa thu hay mùa đông cũng thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan, hành lễ tại các điểm di tích kết hợp du lịch.

Chị Thanh Hoài (Hà Nội) cho biết: “Tam Đảo là vùng đất linh thiêng đến với Phật, về với Mẫu, vì vậy đầu xuân năm nào gia đình tôi cũng về Tây Thiên lễ Phật, lễ Quốc Mẫu rồi từ đó đi tiếp sang thị trấn Tam Đảo với hành trình các đền, chùa nơi đây. Cuối năm, gia đình tôi lại tới để “tạ lễ” kết hợp chuyến du lịch, nghỉ dưỡng tại thị trấn mờ sương này. Tôi thấy chuyến đi khá thú vị và ý nghĩa mà nhiều du khách không thể bỏ qua như tôi”.

Từ định hướng của huyện - tập trung phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao, khai thác các sản phẩm du lịch có lợi thế của địa phương, ngành du lịch Tam Đảo phấn đấu đến năm 2025 phát triển, tạo được những hình ảnh đặc trưng riêng; phấn đấu đến năm 2030, Tam Đảo trở thành thị xã đặc sắc về du lịch, một trong những trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước, điểm đến hấp dẫn thân thiện của du khách. Đồng thời, việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa lịch sử được UBND thị trấn đặc biệt quan tâm theo sát và chỉ đạo.

Tam Đảm nỗ lực phát huy thế mạnh du lịch tâm linh - Ảnh: Thu Thủy

Trong thời gian qua, các di tích đền Trần, đền Bà Chúa Thượng Ngàn đã được tu bổ khang trang, mang lại vẻ đẹp uy linh cho vùng đất Tam Đảo. Đặc biệt, đền Trần - di tích lịch sử cấp tỉnh mới được tu sửa khá quy mô với nguồn kinh phí gần 7 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân thị trấn và các nhà hảo tâm khắp nơi. Ngôi đền khi tu sửa, xây dựng lại được giữ nguyên sắc thái cũng như kiến trúc đúng với cổ xưa.

Đền Trần cũng tọa lạc ở vị trí đắc địa - nơi đây có phong cảnh núi non hùng vĩ, du khách tới tham quan được trải nghiệm, ngắm cảnh từ trên cao một không gian xanh bao la cùng núi rừng bao quanh và những ngôi nhà rực rỡ sắc màu của du lịch homestay thôn 2.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Tam Đảo Đặng Hoàng Lâm cho biết: “Để phát huy giá trị tiềm năng hiện có, Đảng ủy nghiên cứu sẽ ban hành nghị quyết về du lịch tâm linh trên địa bàn. Cùng với đó, đề xuất huyện quan tâm phát triển du lịch, hình thành chuỗi du lịch tâm linh, kết nối các di tích từ chân núi lên thị trấn.

Hiện nay, các di tích lớn như đền Trần, đền Bà Chúa Thượng Ngàn hay Nhà thờ đá cũng đã được thị trấn đưa vào du lịch thực tế ảo, để du khách dễ dàng tìm kiếm cũng như quảng bá về du lịch tâm linh một cách rộng rãi”.

Bài và ảnh: Thanh Hoài- Thu Thủy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tam-dao-vinh-phuc-khai-thac-the-manh-du-lich-tam-linh-post258732.html