Tam Đảo phòng chống thiên tai, sạt lở đất mùa mưa bão

Tam Đảo là huyện miền núi, địa hình có độ dốc cao, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022, huyện đã chủ động các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra, bảo vệ an toàn người và tài sản cho nhân dân.

Lực lượng chức năng huyện Tam Đảo giúp người dân di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ ngày 23/5/2022

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Tam Đảo nói riêng cũng như các địa phương miền núi nói chung có sự khắc nghiệt hơn, mưa bão gây ngập úng và sạt lở đất ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Trong đợt mưa lớn xảy ra từ đêm ngày 22/5/2022, huyện Tam Đảo có hơn 200 nhà bị ngập; hơn 700ha lúa, hoa màu bị úng; hơn 17 ha diện tích thủy sản bị tràn. Nước lũ đã cuốn trôi hàng chục con gia súc, hơn 1.000 gia cầm; hệ thống giao thông nhiều đoạn bị hư hỏng, ngập úng, sạt lở đất gây cản trở giao thông...

Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã được thực hiệu quả, bảo đảm an toàn về người, hạn chế tối đa thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo Chu Văn Sáu cho biết: Nhận định trong mùa mưa năm nay, trên địa bàn huyện tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt mưa bão lớn. Trong khi đó, huyện Tam Đảo có nhiều suối, luồng tiêu phức tạp, lượng nước đổ về nhanh, nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản lớn, bởi vậy, huyện đã và đang chuẩn bị tốt các phương án chủ động phòng ngừa.

Trong đó, huyện yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ( BCH PCTT&TKCN) các cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn, đơn vị và đặc điểm tình hình ở mỗi xã, thị trấn, huyện xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể với phương châm phòng hơn chống.

Trong công tác tuyên truyền, huyện tăng cường trang bị hệ thống loa phát thanh từ huyện tới các thôn, xóm, khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các xã, thị trấn và người dân về tình hình mưa, bão để chủ động phòng, tránh.

BCH PCTT&TKCN huyện trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu BCH PCTT&TKCN các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra các điểm thường bị ngập, các đập tràn, vị trí xung yếu, trọng điểm để phân công lực lượng chức năng trực, canh gác nhằm cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông khi có mưa bão xảy ra.

Huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương rà soát, theo dõi những địa điểm có nguy cơ sạt lở đất như: đoạn QL2B lên thị trấn Tam Đảo và thị trấn Đại Đình, khu vực quanh khu danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và các thôn, bản cách xa trung tâm, dễ bị chia cắt khi có mưa lũ, sạt lở đất ở các xã Đạo Trù, Yên Dương, Minh Quang...

Từ đó, cắm biển cảnh báo, phát loa thông tin cho nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Trên địa bàn huyện có một số hồ như Dộc Chuối (thị trấn Đại Đình), hồ Phân Lân Hạ, các tràn Lục Liễu, Minh Tiến (xã Đạo Trù), tràn Suối Nhội (xã Hồ Sơn) và tràn Trường bắn Cam Lâm (xã Minh Quang)... có mực nước khá cao, nguy cơ vỡ đập, tràn nếu mưa to kéo dài.

Trước thực trạng đó, huyện Tam Đảo cũng chủ động đề xuất UBND tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh có phương án cải tạo, nâng cấp, xây dựng các phai, lái, hồ đập, các luồng tiêu, kênh tiêu, cầu, tràn qua đường, ngăn chặn tình trạng nước chảy tràn gây ngập úng vùng sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, đường giao thông.

Huyện cũng tăng cường nhân lực, bổ sung trang thiết bị, yêu cầu Phòng NN&PTNT và Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Tam Đảo và các cơ quan, đơn vị chuẩn bị chu đáo về người và phương tiện với phương châm “bốn tại chỗ”.

Riêng 3 xã Minh Quang, Đạo Trù, Hồ Sơn là những địa phương có các hồ chứa nước trọng điểm, mỗi xã thành lập đội xung kích gồm 150 người sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần; đồng thời, chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống thiên tai gồm đất, đá, cọc tre, bao tải, áo phao, phao cứu hộ, thuyền, bè sẵn sàng các phương án chống sạt lở đất, sơ tán người, vật nuôi, tài sản đến nơi an toàn khi có mưa lũ.

Các đơn vị, doanh nghiệp và trường học cũng chủ động thành lập lực lượng xung kích, tham gia tập huấn nghiệp vụ, sẵn sàng ra quân ngăn chặn, ứng cứu khi có tình huống mưa bão, lũ lụt xảy ra.

Bên cạnh đó, huyện huy động sự vào cuộc của lực lượng công an, quân đội trực chốt chặn tại các điểm hai bên đầu các tràn, tham gia cứu hộ hồ, đập, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, giải tỏa hành lang, phân luồng, đảm bảo TTATGT trong thời gian mưa lũ...

Bài, ảnh Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/79262/tam-dao-phong-chong-thien-tai-sat-lo-dat-mua-mua-bao.html