Tấm bia cổ ghi Quốc hiệu Đại Việt ở chùa Duyên Khánh

Tấm bia được nói đến mang tên 'Tịnh lập Hậu Thần, Hậu Phật bi ký', có niên đại vào năm 1704 dựng trước cửa chùa Duyên Khánh (thường gọi là chùa Toại An) thuộc xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Thác bản mặt trước và mặt sau tấm bia mang tên “Tịnh lập Hậu Thần, Hậu Phật bi ký” – ghi quốc hiệu Đại Việt đặt tại chùa Duyên Khánh được dập và đưa về Bảo tàng tỉnh để lưu giữ

Bảo vật thiêng

Chùa Duyên Khánh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, mặt tiền quay hướng Bắc. Chùa được xây dựng từ năm nào đến nay vẫn chưa xác định được. Theo bia ký còn ghi chép lại, chùa được trùng tu lớn vào các năm Chính Hòa thứ 25 (1704) và năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sửa nhưng hiện nay chùa vẫn còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật, câu đối, đại tự, cửa võng, chuông đồng và 7 tấm bia đá có giá trị (4 tấm bia thời Hậu Lê và 3 tấm bia thời Nguyễn). Trong số này đặc biệt quý giá là tấm bia cổ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) mang tên “Tịnh lập Hậu Thần, Hậu Phật bi ký” có ghi Quốc hiệu “Đại Việt”.

Tấm bia được tạc theo phong cách tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII), có kích thước (99 x 68 x 15,5) cm, khoảng 500 chữ. Bia hình dẹt, đỉnh vòm. Trán (mặt 1) chạm mặt nhật cách điệu, diềm xung quanh dây vân xoắn cách điệu; trán (mặt 2) chạm lưỡng long chầu nhật, diềm hai bên dây hoa thị cách điệu, tên bia đặt trong ô vuông khuyết góc cách điệu, bia được đặt trên lưng rùa.

Bia có hai mặt khắc chữ Hán theo kiểu chữ chân, nét mảnh, khắc hơi nông với nội dung: Kỳ lão Phạm Giáo Dụng, tên tự là Phúc Thọ, tên thụy Phú Khê, vợ Phạm Thị Thục là người xã Toại An, huyện Tứ Kỳ vậy. Lại có ông tên Khang, tên Ninh, tên Phú, tên Thọ giàu lòng nhân đức đã cùng con cháu phát tâm công đức vô lượng 300 quan dùng để sửa đình và mua cột gỗ lớn, thuê thợ để tu sửa chùa. Lại công đức ruộng 2 mẫu, ao một khẩu để bản canh tác. Công việc hoàn thành, bản xã đồng tình tôn làm Hậu Phật, Hậu Thần rồi khắc bia ghi lại để lưu truyền đến muôn đời sau.

Phần cuối ghi dòng niên hiệu “Đại Việt Chính Hòa nhị thập ngũ niên mạnh đông tiết cốc nhật” có nghĩa (nước) Đại Việt, ngày đẹp tháng 10 mùa đông năm Chính Hòa thứ 25 (1704).

Cần được bảo quản

Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh Hải Dương thì trên địa bàn tỉnh từng có 3 tấm bia có ghi Quốc hiệu “Việt Nam” gồm: “Tường Vân bi ký” khắc dựng vào năm 1656 tại xã Việt Hưng (huyện Kim Thành), “Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký” dựng năm 1599 tại một ngôi chùa của xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) và tấm bia “Việt Nam Gia Long thập bát niên” khắc dựng năm 1819 trên động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn).

Trải qua thời gian, đến nay “Tường Vân bi ký” và “Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký” đã thất lạc chỉ còn thác bản trong “Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam”, chỉ tấm bia tại động Kính Chủ vẫn còn.

Việc phát hiện ra “Tịnh lập Hậu Thần, Hậu Phật bi ký” có ghi danh xưng “Đại Việt” là một bổ sung thú vị về các trường hợp văn bia có ghi Quốc hiệu của nước ta trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đây là những cổ vật quý hiếm cần được bảo quản chu đáo để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lâu dài vì nó có ghi rõ ngày, tháng, năm, địa danh, tên người soạn và viết bia. Đặc biệt là trên văn bia có ghi chữ quốc hiệu “Đại Việt” được viết cao, đặt ở đầu dòng niên hiệu thể hiện sự trân trọng của người viết bia đối với đất nước.

Hiện nay, các bia đá tại chùa Duyên Khánh vẫn được đặt rải rác ngoài trời xung quanh chùa chưa có mái che. Vì vậy cần xây dựng nhà bia, tránh mưa nắng để bảo quản được lâu dài.

HOÀNG PHƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/tam-bia-co-ghi-quoc-hieu-dai-viet-o-chua-duyen-khanh-237395