Taliban như con trăn siết chặt vòng vây thủ đô Kabul

Với việc Taliban chiếm giữ 14 thủ phủ của Afghanistan, cán cân quyền lực tại quốc gia Trung Đông đang thay đổi và đặt thủ đô Kabul vào tình trạng báo động.

Muhammad Zadran, một thành viên cấp cao của Taliban ở phía nam tỉnh Paktia, hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bao vây Kabul như con trăn Anaconda. Kiểm soát Kabul và chính quyền Afghanistan là điều chắc chắn xảy ra, có lẽ trong một vài tuần nữa", theo Financial Times.

Các nhà phân tích, nhà ngoại giao và giới chức an ninh cho biết họ đã đánh giá thấp chiến lược quân sự của Taliban. Lực lượng này khiến Afghanistan phải điều động quân đội được trang bị tốt hơn và đông hơn họ ít nhất ba lần.

Faizabad, tiền đồn ở vùng núi Hindu Kush ở phía đông bắc Afghanistan, từ lâu đã là căn cứ chống lại Taliban. Nơi này chưa bao giờ rơi vào tay phiến quân kể từ những năm 1990.

Tuy nhiên, thị trấn này hiện đã nằm trong ít nhất 14 thủ phủ tỉnh của Afghanistan bị Taliban chiếm đóng tính đến tối 13/8.

Cuộc giao tranh đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút khỏi. Taliban đang hiện kiểm soát hơn 1/3 thủ phủ trong vùng, bao gồm Kandahar và Herat - lần lượt là thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 của đất nước, theo Reuters.

Cuộc tiến công như vũ bão của Taliban gần như dập tắt hy vọng lực lượng này sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị khi các tay súng của họ bao vây Kabul. Taliban muốn buộc Tổng thống Ashraf Ghani đầu hàng, hoặc sẽ tiến hành một cuộc tấn công đẫm máu vào thủ đô của khoảng 4,5 triệu dân.

Taliban lợi dụng việc Mỹ rút quân

Lợi dụng sự lộn xộn sau khi Mỹ rút quân, Taliban tiến hành càn quét vùng nông thôn, bao vây Herat và Kandahar ở phía nam và phía tây trước khi tấn công phía bắc.

Quân đội Afghanistan mất nhuệ khí chiến đấu đã đầu hàng hoặc bỏ chạy, bỏ lại vũ khí và vật tư.

Số lượng binh sĩ Taliban được tăng cường bởi một hiệp định phóng thích tù nhân ký với Mỹ, dựa trên thỏa thuận năm 2020 với chính quyền Tổng thống Trump. Thỏa thuận này cũng phớt lờ chính phủ của Tổng thống Ghani.

Taliban đã tận dụng tình hình lộn xộn sau khi Mỹ rút quân, chiếm được hàng chục thủ phủ, trong đó có Puli Khumri. Ảnh: Financial Times.

Ahmed Rashid, một tác giả dõi theo Taliban trong nhiều thập kỷ, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy Taliban xây dựng chiến lược theo cách nhóm này đang làm trong vài tuần qua, nhằm chiếm giữ loạt thành phố”.

Gần 20 năm sau khi Taliban bị Mỹ ép từ bỏ quyền lực, lực lượng này đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Ghani và thiết lập một chế độ Hồi giáo hà khắc.

Giới quan sát cảnh báo rằng Taliban sẽ tước đoạt quyền của phụ nữ, và một lần nữa có thể biến Afghanistan thành thiên đường của khủng bố quốc tế - với các phe phái như al-Qaeda và phiến quân IS đã hiện diện ở nước này.

Một quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ với Financial Times rằng "những nhận định trở nên xấu đi", Kabul đối mặt với nguy cơ bị tấn công trực tiếp.

Các đồng minh phương Tây của Tổng thống Ghani đã phản ứng yếu ớt, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng nhân đạo và di cư quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này đã tái khẳng định cam kết của mình trong việc rút những lĩnh Mỹ còn lại vào cuối tháng này. Ông cho biết đã đến lúc người Afghanistan “chiến đấu vì chính mình".

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc rút quân đã chấm dứt mọi cơ hội hòa bình.

Sức tiến công quyết liệt của Taliban

Một nhà ngoại giao phương Tây đánh giá chiến lược của Taliban trong hai tuần qua rất khôn ngoan.

"Nhóm phiến quân biết chính phủ sẽ chiến đấu đến cùng (để bảo vệ các thành phố phía nam), vì vậy lực lượng này đánh ba thành phố cùng một lúc. Sau khi quân dự bị được điều động, nhóm này đồng thời tấn công toàn bộ miền Bắc", vị này nói.

Nhà ngoại giao nói thêm: “Đã có một 'màn hỏa mù khổng lồ' về việc lực lượng Taliban muốn hòa bình. Tất cả những gì nhóm phiến quân này muốn là chiến thắng hoàn toàn."

Taliban đã chiếm được Puli Khumri và Ghazni, từ đó chiếm quyền kiểm soát các đường cao tốc dẫn đến vào Kabul từ phía bắc và tây nam. Họ muốn chiếm Kabul trước khi mùa đông giá lạnh kéo đến sẽ làm chậm bước tiến công.

"Các lực lượng Afghanistan phải bảo vệ nhiều thành phố khác nhau, các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng, các tuyến đường trọng yếu”, một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết. “Taliban có thể chiếm hàng loạt nơi họ đã chọn, và lực lượng này đã tiến hành khá hiệu quả".

Quân đội Afghanistan ở tỉnh Herat. Ảnh: Financial Times.

Bất cứ cuộc giao tranh nào vì Kabul đều sẽ khó khăn hơn đối với lực lượng Taliban và nguy hiểm hơn đối với dân thường. Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Afghanistan được dàn trải quá mỏng để bảo vệ các thành phố cấp tỉnh, nhưng sẽ đông đảo tại thủ đô.

Một thành viên của hội đồng lãnh đạo Taliban thừa nhận "đội quân tinh nhuệ của Afghanistan sẽ rời khỏi những địa điểm còn lại của đất nước và tập hợp để chiến đấu vì thủ đô Kabul ”.

Afghanistan phải tự mình đối mặt

Rất nhiều chỉ trích cho sự thất bại đều nhắm đến quân đội của Afghanistan, khi lực lượng này đã rút lui mà không hề đáp trả ở nhiều nơi.

Giới phân tích cho biết khả năng của họ bị tê liệt do nạn hối lộ và quản lý yếu kém, bất chấp hàng tỷ USD mà Mỹ đã bỏ ra để đào tạo và trang bị vũ khí cho quân đội Afghanistan.

Lực lượng Afghanistan đẩy lùi cuộc tấn công của Taliban ở một thủ phủ. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Afghanistan cũng trải qua nhiều xáo trộn. Vào 11/4, chính phủ nước này thay thế tổng tư lệnh quân đội lần thứ ba trong một năm. Bộ trưởng Tài chính cũng nghỉ việc và rời khỏi đất nước.

“Thật khó để tưởng tượng chính phủ của ông Ghani vẫn sẽ còn nắm quyền (trong một thời gian dài nữa)”, Abdul Basit, một nhà ngoại giao Pakistan đã nghỉ hưu, cho biết.

Javid Faisal, một cố vấn của chính phủ Afghanistan, cho biết nước này đang bị các đồng minh bỏ rơi. Ông nhấn mạnh “Afghanistan không thể bị bỏ lại một mình tại thời điểm quan trọng này".

Ông chia sẻ thêm: “Các lực lượng của NATO và Mỹ, với tất cả các trang thiết bị của họ, cũng không thể giành chiến thắng. Làm thế nào họ có thể tin rằng quân đội Afghanistan có thể tự mình làm điều đó?".

Theo ông Faisal, lực lượng của Afghanistan vẫn quyết tâm, họ đã được đào tạo bài bản và sẽ tiếp tục bảo vệ đất nước.

Chính phủ đổ lỗi về sự thành công của Taliban cho nước láng giềng Pakistan. Nước này bị cáo buộc âm thầm cung cấp nơi trú ẩn và hỗ trợ cho phiến quân trong nhiều thập kỷ qua, ngay cả khi đã cam kết hỗ trợ Mỹ.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Pakistan đã bác bỏ những ý kiến cho rằng quốc gia này là "nhân vật phản diện".

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Taliban đang tăng cường sức mạnh sau mỗi chiến thắng, bổ sung những trang thiết bị từ các sở chỉ huy quân sự mà lực lượng này chiếm đóng.

“Người Afghanistan cần các lực lượng chính quy để trụ vững. Đến nay, họ vẫn chưa thể làm được điều đó”, ông cho biết.

Ông Faisal cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu cộng đồng quốc tế không hành động. “Nếu bạo lực tiếp tục và người dân Afghanistan bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, đây sẽ là một mất mát với cả các nước láng giềng, khu vực và thế giới".

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/taliban-nhu-con-tran-siet-chat-vong-vay-thu-do-kabul-post1250769.html