Tajikistan - mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa khủng bố

Ngày 23/3/2024, một ngày sau khi xảy ra vụ xả súng tại phòng hòa nhạc 'Crocus City Hall' ở Moscow, Tổng cục An ninh Liên bang Nga – FSB tuyên bố đã bắt giữ 11 nghi phạm trong đó có 7 nghi phạm gốc Tajikistan: 4 nghi phạm trực tiếp tham gia vụ khủng bố và 3 kẻ tòng phạm. Để tìm hiểu vì sao lại xuất hiện nhiều nghi phạm là người Tajikistan như vậy, chúng tôi xin giới thiệu một số nét về chủ nghĩa khủng bố và các tổ chức khủng bố ở Tajikistan.

Những lời khai ban đầu

Trả lời thẩm vấn của cơ quan điều tra, một kẻ bị bắt giữ nói rằng một số tên trong bọn chúng đến Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ, còn việc bàn bạc về vụ khủng bố được thực hiện qua kênh điện tín với một “nhà thuyết giáo” nào đó, kẻ này xác định mục tiêu của vụ khủng bố và ra lệnh giết chết tất cả mọi người ở đấy. Các nghi phạm cũng khai rằng chúng nhận vũ khí qua một nguồn bí mật. Khi mua chiếc xe Renault trắng, chúng dường như định làm xe taxi. Một kẻ bị bắt giữ khác đang làm việc tại một hiệu cắt tóc trong thời gian chuẩn bị vụ khủng bố.

Theo những kẻ bị bắt giữ, chúng được hứa trả tiền để thực hiện vụ khủng bố, một kẻ trong số đó nói rằng y được hứa trả 500.000 rúp (hơn 5.000 USD). Không ai trong bọn chúng tự nhận mình là thành viên của ISIS (Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo).

Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon.

Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp các công dân Tajikistan bị nghi ngờ liên quan đến các vụ khủng bố ở Nga. Tháng 9/2022, Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin có sáng kiến tiếp nhận những người lao động nhập cư tình nguyện tham gia chiến sự ở Ukraine. Sau khi ký hợp đồng một năm, họ được hứa hẹn “nhập quốc tịch Nga mà không phải chờ đợi lâu và gặp những trở ngại hành chính khác”.

Một tháng sau, ông Sergey Sobyanin buộc phải hủy bỏ sáng kiến này - ngày 15/10/2022, tại một thao trường ở làng Soloti, quận Valuysky của tỉnh Belgorod, hai công dân Tajikistan đã dùng súng máy bắn các đồng đội của mình. 11 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Những kẻ khủng bố bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Các cơ quan tình báo coi đây là một vụ khủng bố đã được lên kế hoạch. Không có xác nhận chính thức về kẻ đã thực hiện vụ tấn công này.

Nhà báo Tajikistan Muhiddin Olimpur bị bọn khủng bố sát hại.

Những kẻ khủng bố xuất hiện ở Tajikistan như thế nào?

Các nhóm khủng bố xuất hiện ở Tajikistan vào năm 1992, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Trước năm 1997, ở Tajikistan, xảy ra một cuộc nội chiến, trong bối cảnh đó, khủng bố là phương pháp phổ biến để đấu tranh chống lại các đối thủ chính trị, còn sau năm 1994, nó trở thành phương pháp chính chống lại việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Bọn khủng bố đã giết các thẩm phán, công tố viên, các nhà định hướng dư luận xã hội, các bộ trưởng, các quân nhân Nga đang thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Chúng thường sử dụng súng thay bom. Ví dụ, chúng đã bắn chết nhà triết học Muhammad Osimi 76 tuổi, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Tajikistan, một người rất có thế lực và được kính trọng ở Tajikistan. Chúng dùng súng lục ám sát nhà báo Tajikistan Muhiddin Olimpur, người đã viết về cuộc xung đột trong nước. Thông thường, bọn tội phạm không bị phát hiện, nhưng trong vụ ám sát nhà báo Olimpur, kẻ sát nhân Nasrullo Sharifov và ba đồng phạm thuộc tổ chức đối lập Eshoni Nozim đã bị bắt. Sharifov lãnh án 15 năm tù.

Nhà triết học Muhammad Osimi bị bọn khủng bố sát hại.

Phong trào Hồi giáo Uzbekistan cũng tham gia tích cực vào cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Dưới áp lực của các cơ quan tình báo, phong trào này đã chuyển sang nước láng giềng Tajikistan.

Những chi nhánh đầu tiên của các tổ chức cực đoan xuất hiện ở Tajikistan vào đầu những năm 2000 tại thung lũng Fergana, phía bắc đất nước, nơi dân cư rất bảo thủ. Tổ chức khủng bố Al-Qaeda mà theo Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, có chi nhánh ở nước này vào đầu những năm 2000, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với những kẻ cực đoan.

Trong những năm 2014-2016, số lượng người Tajikistan gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tăng lên rõ rệt. Việc tuyển mộ chủ yếu diễn ra trong số những người lao động nhập cư. Những kẻ tuyển mộ sử dụng các mạng xã hội.

Tổng cộng ở Tajikistan hiện có 28 tổ chức và nhóm khủng bố chính thức bị cấm. Theo Tổng thống Emomali Rahmon, trong ba năm gần đây, các công dân nước này đã thực hiện 24 vụ khủng bố ở 10 quốc gia.

Suhrob Zafar, thủ lĩnh “Nhóm 24”.

Các nhóm khủng bố có thế lực nhất ở Tajikistan

- “Đảng Phục hưng Hồi giáo Tajikistan” là nhóm Hồi giáo có nguồn gốc từ năm 1973. Ở Liên Xô, nó hoạt động bí mật, các thành viên trong nhóm bị KGB “săn lùng”. Vào cuối thời Liên Xô, tháng 10/1991, nhóm này tổ chức Đại hội thành lập đầu tiên. Nhóm này tích cực tham gia vào cuộc nội chiến ở Tajikistan, sau đó vào các cuộc đàm phán hòa bình. Vào tháng 6 năm 2003, nhóm này phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho phép Emomali Rahmon tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa và dự định tổ chức một cuộc đảo chính vũ trang, nhưng thất bại, từ đó bị cấm hoạt động. Một số thủ lĩnh của nhóm chạy sang Ba Lan thành lập Liên minh Dân tộc Tajikistan. Ở Nga, nhóm này bị coi là tổ chức khủng bố.

- “Nhóm 24” được Trung tâm Quan hệ công chúng của Ủy ban An ninh quốc gia Tajikistan gọi là nhóm đặc biệt nguy hiểm. Nhóm này từng tham gia các vụ đảo chính, cũng như chuẩn bị tấn công vào một số cơ quan nhà nước. Thực chất, đây là phong trào chính trị, được thành lập năm 2012 tại Moscow bởi doanh nhân kiêm chính khách đối lập người Tajikistan Umarali Kuvvatov. Tổ chức này hợp nhất các lực lượng đối lập với Tổng thống Rahmon ở nhiều nước châu Âu.

Ba năm sau, Kuvvatov bị bắn vào đầu ở Istanbul. Sulaymon Kayumov, công dân Tajikistan, bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Bốn nghi phạm khác đã kịp rời khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, tổ chức này do Suhrob Zafar đứng đầu. “Nhóm 24” bị cấm và được coi là tổ chức khủng bố ở Tajikistan, nhưng không phải ở Nga. Tại đây, những kẻ ủng hộ tổ chức này tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chính quyền Tajikistan.

Mahdi Arsalan, thủ lĩnh nhóm “Jamaat Ansarullah”.

- ISIS (Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo) bị cấm cả ở Tajikistan và Nga. Tổ chức này có nhiều chi nhánh ở Tajikistan. Tháng 2/2024, ông Andrey Serdyukov, Tham mưu trưởng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, tuyên bố rằng số lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã tăng lên đáng kể ở khu vực biên giới phía nam Tajikistan.

“Tại biên giới phía nam của Tajikistan, người ta ghi nhận sự gia tăng quân số của “Wilayat Khorasan” (ISIS-K), một chi nhánh Nhà nước Hồi giáo, và phong trào Taliban của Pakistan. Trong khi đó, đội ngũ phiến quân nước ngoài chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía bắc Afghanistan”, - ông Andrey Serdyukov nói.

IS-Khorasan hy vọng thành lập vương quốc Hồi giáo ở khu vực Đại Khorasan (Greater Khorasan). Đây là vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm các tỉnh phía đông bắc Iran và một phần của Afghanistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan. IS-Khorasan có mâu thuẫn với lực lượng Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Quan hệ của hai tổ chức này trở nên thù địch, sau khi Mỹ rút khỏi đất nước này vào tháng 8 năm 2021.

Tháng 10/2022 và tháng 8/2023, nhóm này thực hiện các cuộc tấn công vào lăng mộ Shah Cheragh (“Vị vua của ánh sáng”) ở thành phố Shiraz của Iran. Theo báo cáo của ủy ban chống khủng bố thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, các tay súng tham gia vụ tấn công khủng bố đều xuất thân từ Tajikistan.

Theo nhật báo Bild của Đức, những kẻ ủng hộ và thành viên của IS ở Tajikistan đến Đức qua Ukraine dưới vỏ bọc người tị nạn Ukraine. Chúng sử dụng hộ chiếu giả mua ở Ukraine và kể cho người Đức những câu chuyện bịa đặt về các vụ tra tấn và đàn áp, và vì người Đức chấp nhận những người tị nạn Ukraine hầu như không có sự kiểm tra nào, nên những kẻ khủng bố đã di chuyển một cách trót lọt.

- Jamaat Ansarullah (còn được gọi là “Taliban Tajikistan”). Nhóm này được thành lập năm 2006 bởi cựu chỉ huy chiến trường phe đối lập Tajikistan, Amriddin Tabarov, người không chấp nhận các điều khoản đình chiến sau cuộc nội chiến. Theo một số nguồn tin, năm 2016, Tabarov bị giết ở Afghanistan, vì vậy hiện nhóm do Mahdi Arsalan chỉ huy, chủ yếu bao gồm các chiến binh Tajikistan.

Ban lãnh đạo của Jamaat Ansarullah có “mối thù truyền kiếp” với chính quyền Tajikistan. Cha và anh trai của thủ lĩnh nhóm hiện nay đã bị các cơ quan tình báo Tadjikistan sát hại vào năm 2011. Nhóm này ủng hộ tư tưởng thánh chiến, nhưng muốn xây dựng một nhà nước Hồi giáo chỉ trong phạm vi Tajikistan. Đây là điểm khác biệt của Jamaat Ansarullah với các nhóm khủng bố khác ở Trung Á.

Năm 2021, nhóm này tự coi là một bộ phận của Taliban Afghanistan. Thực chất, Jamaat Ansarullah và Taliban đã ký kết đồng minh. Trong một cuộc phỏng vấn của đài CNN, Maysam Nazari, người phụ trách bộ phận quan hệ đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan, cho biết, Taliban đã trang bị cho nhóm này vũ khí và thiết bị của NATO do Mỹ để lại sau khi rút quân khỏi Afghanistan.

Hiện nhóm này đang đóng quân tại các trại ở biên giới Afghanistan và Tajikistan.

- Hizb ut-Tahrir al-Islami (Đảng Giải phóng Hồi giáo). Đây là nhóm chính trị-tôn giáo dòng Sunni được thành lập ở Jerusalem vào năm 1953. Tự coi mình là một đảng có mục đích đưa người Hồi giáo trở lại lối sống dựa trên luật Sharia và truyền bá đức tin Hồi giáo trên thế giới thông qua thánh chiến. Theo các chỉ huy của nhóm, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách tái lập một vương quốc duy nhất có thể thống nhất toàn bộ thế giới Hồi giáo.

Hizb ut-Tahrir al-Islami hoạt động tại 40 quốc gia trên thế giới. Theo tạp chí New Statesman của Anh, hiện có khoảng một triệu người ủng hộ nhóm này.

Năm 2018, ông Sergey Smirnov, Phó giám đốc FSB Nga tuyên bố rằng Hizb ut-Tahrir al-Islami là một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất. “Theo quan điểm của chúng tôi, Hizb ut-Tahrir al-Islami nguy hiểm nhất xét về mặt hành động và tuyên truyền của nó, vì vậy nó được đặc biệt chú ý, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến các tổ chức khủng bố khác” - ông Sergey Smirnov nói tại một phiên họp của ủy ban chống khủng thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Hizb ut-Tahrir cũng hoạt động ở Trung Á. Ví dụ, vào năm 2011, thủ lĩnh của một trong những chi nhánh địa phương đã bị bắt ở Tajikistan.

Hizb ut-Tahrir cũng hoạt động ở Nga. Năm 2019, lực lượng an ninh Nga đã ngăn chặn hoạt động của một chi nhánh thuộc nhóm này ở Crimea. Các thành viên nhóm tuyển mộ những người Hồi giáo Tatar ở Crimea tham gia lực lượng của mình. Năm 2015, tại Moscow, cảnh sát đã bắt giữ một công dân Tajikistan cầm đầu một trong các chi nhánh của tổ chức này.

Kim Thanh Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tajikistan-manh-dat-mau-mo-cua-chu-nghia-khung-bo-i728505/