Tài xế công nghệ, shipper phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có phù hợp?

Trước đề xuất của Đại biểu Quốc hội đưa nhóm tài xế công nghệ, nhóm lao động trên nền tảng công nghệ vào danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đã có nhiều ý kiến bàn luận quanh vấn đề này.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 23/11, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã góp ý, thống nhất bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác (người lao động trên nền tảng công nghệ như shipper công nghệ, xe ôm – taxi công nghệ - PV) vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.

Mặc dù Bộ Luật Lao động hiện hành chưa quy định nhóm này có giao kết hợp đồng nên không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng.

Đại biểu Trần Diệu Thúy. Ảnh: Media Quốc hội

Hơn nữa, theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, nhóm lao động này bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính sách của công ty công nghệ "bởi chỉ cần nhúc nhích một vài phần trăm tỷ lệ ăn chia là đã phát sinh mối quan hệ lao động".

Đơn cử ở TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối công ty thu tỷ lệ % quá cao. Đây có thể coi là ngừng việc tập thể của người lao động.

Do đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo quy định trong dự thảo luật sửa đổi là nhóm này có thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không.

Liên quan đến đề xuất này, không ít ý kiến cho rằng, không thực sự cần thiết đóng bảo hiểm đối với đối tượng lao động trên nền tảng số. Bởi lao động trên nền tảng công nghệ số như xe ôm, taxi, shipper công nghệ chỉ là phương án lao động tạm thời hoặc song song nhằm tăng thêm thu nhập.

Là một xe ôm công nghệ tại Hà Nội hơn 3 năm nay, anh Nguyễn Anh Tài (SN2003, quê ở Phú Thọ) khẳng định, bản thân xác định làm tài xế công nghệ chỉ để tăng thêm thu nhập trong thời gian ngồi trên giảng đường.

Anh Tài cho biết: "Làm xe ôm công nghệ rất linh động thời gian làm việc, vào mùa Hè, nếu quá nắng nóng, tài xế có thể bật mở ứng dụng để nhận khách vào chiều mát đến đêm. Thời gian để kiếm tiền rất linh hoạt, thậm chí, chỉ một tài khoản, 2 người có thể thay phiên nhau "chạy khách".

Anh Trần Thế Sinh (SN1992, trú tại Cầu Giấy) là một cán bộ văn phòng trong doanh nghiệp Nhà nước lại coi công việc tài xế công nghệ là công việc tăng thêm thu nhập ngoài giờ.

"Nếu sau này tốt nghiệp và tìm được một công việc tốt hơn, thu nhập ổn hơn thì tôi sẽ không làm xe ôm công nghệ nữa nhưng nếu thu nhập không ổn định, tôi vẫn sẽ lựa chọn làm thêm công việc này để tăng thêm thu nhập", anh Tài cho hay.

Anh Trần Thế Sinh (SN1992, trú tại Cầu Giấy) là một cán bộ văn phòng trong doanh nghiệp Nhà nước cũng đang tăng thêm thu nhập ngoài giờ bằng cách làm tài xế công nghệ.

Anh Sinh cho biết, bản thân đã và đang đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm tại công ty, song, do muốn cải thiện thu nhập ngoài thời gian làm việc giờ hành chính, anh Sinh đã lựa chọn làm tài xế công nghệ.

"Nhiều người nói rằng, đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ với chúng tôi là quan hệ "đối tác". Tôi thấy đúng vì trường hợp của tôi, đây là mối quan hệ cộng sinh, cùng có lợi nhưng với những người xác định lựa chọn lao động trên nền tảng công nghệ là phương thức mưu sinh chính thì nên quan tâm vấn đề đóng BHXH.

Bởi khi tài xế chi trả phí nền tảng kết nối, công ty vận hành nền tảng quyết định về giá thì đây rõ ràng là quan hệ lao động. Đã là quan hệ lao động, sử dụng lao động thì người lao động cần được đóng BHXH", anh Sinh cho hay.

Theo anh Sinh, xe công nghệ là một kiểu kinh doanh, có thể pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể về trường hợp này nên Luật về lao động và sử dụng lao động phải ngày càng phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển công nghệ. Bởi trong mọi trường hợp, con người phải là trung tâm và được hưởng đầy đủ quyền lợi của người lao động.

Trong bối cảnh nhiều tài xế chỉ xác định làm xe ôm công nghệ chỉ để tăng thêm thu nhập, đã và đang đóng BHXH ở nơi làm chính thì anh Ngô Triệu Hồng Hà (ở Hà Đông) cho rằng, cần phân loại ra 2 đối tượng lao động công nghệ là tài xế cộng tác và tài xế chuyên nghiệp có nguồn thu nhập chính từ công việc này để từ đó, có sự áp dụng các chế độ khác nhau.

'Múa' gậy golf đe dọa tài xế trên quốc lộ 1A

Huy Khánh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tai-xe-cong-nghe-shipper-phai-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-co-phu-hop-17223112414232196.htm