Tại sao Đức cần 'Chiến lược cảng quốc gia mới'?

Các mối đe dọa an ninh và nhu cầu tăng cường khả năng cạnh tranh gia tăng đã thúc đẩy Chính phủ Đức bắt đầu thực hiện chiến lược cảng quốc gia.

Cảng Hamburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng Hamburg từng là khu vực sôi động của thành phố phía Bắc nước Đức và là “thỏi nam châm” thu hút du lịch. Mọi người có thể ghé thăm để xem những con tàu cập cảng và rời bến. Tuy nhiên, các mối đe dọa an ninh và nhu cầu thúc đẩy khả năng cạnh tranh gia tăng đã thúc đẩy Chính phủ Đức bắt đầu thực hiện chiến lược cảng quốc gia.

Trước đây, cảng lớn nhất này của Đức được mệnh danh là "cửa ngõ ra thế giới" của đất nước, nhưng điều này cơ bản đã thay đổi. Toàn bộ khu vực hiện đã được phong tỏa và du khách không được vào bên trong.

Kể từ ngày 11/9/2001, khi vụ tấn công khủng bố ở Mỹ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và làm rung chuyển toàn bộ thế giới phương Tây, cơ sở hạ tầng vận tải biển được coi là nhạy cảm về an ninh vì dễ bị tấn công khủng bố. Hơn nữa, các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, xuất nhập khẩu trái phép vũ khí và buôn người hiện đang đặt ra những thách thức không chỉ đối với giới chức hải quan mà còn đối với tất cả các chủ thể an ninh nhà nước.

Trên bình diện quốc tế, vấn đề này đã được giải quyết bằng việc đưa ra Bộ luật ISPS (Bộ luật An ninh Cảng và Tàu quốc tế) được đàm phán vào năm 2002 dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Bộ luật này có hiệu lực ở châu Âu vào năm 2004.

Chính phủ Đức hiện đã đưa ra sáng kiến thay thế Khái niệm Cảng Quốc gia hiện có, có hiệu lực đến năm 2025, bằng một giao thức an ninh mới có tên là “Chiến lược Cảng Quốc gia”. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đức Volker Wissing cho biết, chiến lược cảng mới là một "cuốn sách hướng dẫn bao gồm khoảng 140 biện pháp cụ thể để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của cảng".

* Chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế

Bộ Giao thông Vận tải Đức, cơ quan cũng chịu trách nhiệm về số hóa quốc gia, cho biết trên trang web của mình rằng các cảng là "trung tâm chuyển đổi năng lượng bền vững" đồng thời là "trung tâm đào tạo và việc làm" quan trọng, với hơn 5 triệu việc làm phụ thuộc. Tính cạnh tranh của cảng phải được đảm bảo, khả năng “tự động hóa, số hóa và đổi mới” của các cảng phải được tăng cường và hơn cả là các hải cảng phải được trang bị “cơ sở hạ tầng giao thông và truyền thông hiện đại”.

Bộ Giao thông Vận tải Đức dự kiến sẽ thành lập 5 nhóm làm việc có nhiệm vụ xây dựng “các hướng dẫn và biện pháp cụ thể”.

Bà Alice Kehl, Giám đốc truyền thông tại Duisport - nhà điều hành cảng nội địa lớn nhất nước Đức ở Duisburg, hoan nghênh chính phủ đã đưa ra kế hoạch an ninh cảng mới. Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, bà Alice Kehl cho rằng “Chiến lược cảng quốc gia” sẽ không chỉ giải quyết những thách thức hiện tại mà còn "cải thiện khả năng cạnh tranh của các cảng Đức", vốn thường xuyên "bị cản trở bởi những rào cản quan liêu quá mức làm chậm lại quá trình tăng trưởng".

Ông Daniel Hosseus, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà khai thác cảng biển Đức (ZDS), lặp lại quan điểm này khi nói với DW trong một tuyên bố rằng các biện pháp được lên kế hoạch là “phần lớn hợp lý và phù hợp với các đề xuất của chúng tôi”.

Đối với bà Alice Kehl, Giám đốc truyền thông tại Duisport, chiến lược này sẽ lần đầu tiên thừa nhận vai trò quan trọng của các cảng nội địa của Đức đối với chuỗi cung ứng công nghiệp của đất nước. Bà cho biết, vị trí chiến lược của Duisburg tại ga cuối phía Tây của “Con đường Tơ lụa Mới” của Trung Quốc, sẽ khẳng định tầm quan trọng của thành phố này như “một cửa ngõ” vào các thị trường châu Âu. Định vị này càng làm nổi bật tính liên kết của thương mại toàn cầu và vai trò then chốt của các cảng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế.

Bốc dỡ hàng hóa từ tàu contenơ tại cảng ở Hamburg, miền Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

* Cân bằng an ninh và hiệu quả

Trong khi an ninh vẫn là ưu tiên hàng đầu, các bên liên quan trong ngành nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh tình trạng quan liêu quá mức.

Giám đốc ZDS Hosseus cho hay, các công ty đã đầu tư "đáng kể vào các biện pháp an ninh", đồng thời cảnh báo không nên tạo ra những rào cản không cần thiết có thể cản trở hiệu quả hoạt động. “Chúng ta nên tránh tạo ra cảm giác an toàn sai lầm bằng sự quan liêu quá mức”. Ngay cả trước khi chiến lược cảng được hoàn thiện, quan chức ZDS đã nhận thấy một thiếu sót lớn trong chiến lược mới, đó là nguồn vốn.

Ông Hosseus cho biết: “Chính phủ hiện chỉ cung cấp 38 triệu euro (41 triệu USD) để bảo trì và mở rộng tất cả các cảng của Đức - chỉ 38 triệu euro”. Ông kêu gọi chính phủ "tham gia nhiều hơn" vào việc tài trợ cho các biện pháp đã lên kế hoạch.

Trong khi đó, bà Alice Kehl cũng phàn nàn về việc chính phủ không sẵn sàng tài trợ cho chiến lược an ninh của riêng mình cho các cảng. Bà cho rằng việc tăng cường an ninh cảng sẽ là lợi ích của Đức với tư cách là một quốc gia toàn cầu trong thương mại quốc tế, đây sẽ là “mục tiêu cuối cùng của chiến lược cảng”.

Phương Hoa (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-sao-duc-can-chien-luoc-cang-quoc-gia-moi/329778.html