Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa riêng?

Sở dĩ số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta không có được cuộc sống ổn định là vì thiếu hụt mảng văn hóa doanh nghiệp mà họ vô cùng cần thiết.

Một nhận xét chung của tôi là doanh nghiệp nào không có văn hóa đồng nhất, hoặc không tin vào tầm quan trọng của văn hóa, hoặc lãnh đạo không có khả năng tạo nên một văn hóa cho doanh nghiệp của họ, sẽ là một tổ chức thiếu sáng tạo, kém nhịp nhàng, phản ứng rất chậm trước các rủi ro, không giữ được nhân sự tốt, không áp dụng tốt những phương pháp quản lý bài bản và những dự báo cần thiết, nhất là về chiến lược.

Và tất nhiên, doanh nghiệp đó sẽ thụt lùi trước những đối thủ cạnh tranh tráng kiện và nhân văn hơn. Tóm lại, tổ chức đó sẽ không phát triển lâu dài, không có cả khả năng tự vệ cao, nói chi đến chuyện trường tồn. May chăng, họ sẽ tăng trưởng đơn thuần trong một vài quý, một vài năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Karolina Grabowska/Pexels.

Sở dĩ số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta không có được cuộc sống ổn định là vì thiếu hụt mảng văn hóa doanh nghiệp mà họ vô cùng cần thiết. Tương tự, nhiều công cuộc khởi nghiệp do những nhóm trẻ tuổi hăng say cũng vậy: được thành lập trong niềm vui rộn ràng, song lại quên trang bị văn hóa nên rồi cũng chia sẻ cùng chung mẫu số đó.

Hễ không tạo được văn hóa thì sớm hay muộn, doanh nghiệp to hay nhỏ sẽ không thể tránh được nhiều vấn đề nan giải và mất thăng bằng. Lý do đơn giản là chỉ văn hóa mới tạo điều kiện cho con người đối xử tử tế và ngay thẳng với con người, và điều này là nền tảng cơ bản cho cuộc sống chung, thiết tưởng không cần phải nhắc lại.

Nói một cách đơn giản, doanh nghiệp nào cũng có lúc gặp phải những vấn đề không nhất thiết mang tính kỹ thuật, như sự thiếu vắng động lực, hoặc tinh thần tương tác và làm việc nhóm thấp, thậm chí là mâu thuẫn giữa các thành viên, trong đó có cả các lãnh đạo cấp trung và cấp cao.

Chẳng công cụ quản lý nào giúp giải quyết được những vấn đề bắt nguồn từ sự ganh tị, đố kị, thiên vị, hoặc tệ hơn nữa là nạn bè đảng hay tham nhũng nội bộ. Danh sách những tệ đoan trong doanh nghiệp thì dài lắm, một trăm dụng cụ quản lý cũng không thể thay đổi nội trạng nói trên, tuy có khả năng làm thuyên giảm một phần nhờ tính truy sát của mọi dụng cụ quản lý.

Nhưng tôi đã trải nghiệm vai trò ấn tượng của văn hóa trong những tình huống tế nhị này, được chứng kiến những mối quan hệ giữa người với người được thuần hóa nhanh chóng dẫn tới sự hợp lực để phát triển.

Các mô hình quản lý chỉ mang lý luận kỹ thuật cục bộ hạn hẹp và những giải pháp cấu trúc có sẵn cho doanh nghiệp. Chỉ văn hóa mới có khả năng vào sâu một cách uyển chuyển các vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người. Và đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải.

Phan Văn Trường/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-doanh-nghiep-can-xay-dung-van-hoa-rieng-post1462882.html