Tại sao chúng ta nên ăn chay và ăn chay dưới cái nhìn nhân quả

Có nhiều cách ăn chay, nhưng ăn thế nào mới đúng và có lợi cho sức khỏe không phải ai cũng biết. Dưới đây là những chia sẻ rất khoa học và thiết thực của Nhà báo Hoàng Anh Sướng.

Mới đây, nhà báo Hoàng Anh Sướng (người đã có chuyến hoằng hóa đạo Phật dọc trên đất Mỹ suốt 2 tháng cùng với vị thiền sư nổi tiếng nhất thế giới -Thích Nhất Hạnh ) đã có buổi nói chuyện về vấn đề "Vì sao chúng ta nên ăn chay và ăn chay dưới cái nhìn nhân quả" tại chùa Khai Nguyên (Sơn Tây).

Ăn chay xưa nay vốn được các Phật tử trong giới Phật giáo thực hành vì lí do tôn giáo. Thế nhưng ngày nay, người ta ăn chay không phải theo một tôn giáo nào cả, mà còn vì lí do sức khỏe. Ăn chay không còn giới hạn đối tượng tôn giáo mà nó còn được các nhà tri thức, chuyên gia, những người muốn có sự thanh tịnh, lành mạnh trong văn hóa ẩm thực tìm đến.

Ngày nay, người ta ăn chay không chỉ vì tôn giáo nào mà còn vì lí do sức khỏe. (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Vốn là một người có nghiên cứu sâu rộng về lĩnh vực tâm linh, thiền và trà đạo... tại buổi nói chuyện này anh Hoàng Anh Sướng đã có những chia sẻ rất ý nghĩa và khoa học như sau:

"Với sự đa dạng của các loài động vật, con người đang được hưởng thụ rất nhiều vị ngon và hấp dẫn của các món ăn từ thịt. Thế nhưng, hiện nay đang có nhiều người từ bỏ những lạc vị đó để chọn cách ăn uống thanh tịnh và không động vật. Ăn chay đã và đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia.

Ở các nước phương Tây, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 10% dân số Anh và Mỹ ăn chay trường. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einsten, ông hoàng nhạc pop huyền thoại Michael Jachson, vị cựu tổng thống danh tiếng của Hoa Kỳ, Bill Clinton, cựu CEO của hãng hoạt hình trứ danh Walt Disney, Michael Eisner và nhiều bậc hiền triết kiệt xuất khác đều là những người trường chay.

Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần. Tại sao chúng ta nên ăn chay?

Cơ thể con người có cấu tạo hợp với ăn thực vật hơn là thịt động vật

Đó là nhận định của thầy Ngô Dũng Tuấn, giảng viên trường Đại học y Hà Nội, người ăn chay trường đã nhiều năm. Theo thầy Tuấn, trước hết, răng hàm và xương quai hàm của loài người được cấu tạo một cách đặc biệt giống như răng của các loài động vật ăn thảo mộc, giúp nhai theo cử động chiều ngang và qua lại. Ngược lại, loài động vật ăn thịt có răng nanh rất bén nhưng không có răng hàm và xương quai hàm. Do đó, khi ăn thịt, chúng chỉ xé và nuốt trọn luôn chứ không hề nhai. Tương tự, bàn tay của loài người không có móng vuốt sắc bén nên chỉ dùng để nhặt rau và hái quả, trong khi loài động vật ăn thịt có móng vuốt rất sắc, khỏe để vồ mồi và xé thịt. Ngoài ra, đường ruột của loài người và động vật ăn cỏ cũng khác biệt so với loài động vật ăn thịt.

Tạo hóa đã ban đặc ân cho động vật ăn thịt có đường tiêu hóa chỉ dài gấp khoảng ba lần chiều dài cơ thể, trong khi đó đường tiêu hóa của loài người và loài động vật ăn rau quả thì dài gấp khoảng 10 lần. Vì thế, chất cặn bã ở trong ruột của loài thú ăn thịt sẽ được bài tiết ra ngoài nhanh chóng hơn. Chính vì thế, ở những người ăn thịt, độc tố có cơ hội sinh ra nhiều hơn trong quá trình tiêu hóa. Đó cũng là lý do giải thích tại sao khi chúng ta ăn chay, thấy trong mình nhẹ nhàng, trong khi mỗi lần ăn mặn, cơ thể nặng nề, khó chịu bởi thận phải làm việc cật lực để thanh lọc những độc tố cặn bã của thịt đưa ra khỏi máu và đào thải ra ngoài bằng đường bài tiết.

Thịt động vật chứa những độc tố được sản sinh khi giết thịt con vật

Cũng theo thầy Tuấn, các tế bào trong cơ thể động vật luôn diễn ra quá trình trao đổi chất và tiết ra các chất độc cặn bã như acide urique mà thận phải thanh lọc và bài tiết qua đường tiểu tiện. Khi con vật chết, thận ngưng làm việc và các chất độc đó còn nguyên ở trong miếng thịt và sẽ được hấp thụ vào cơ thể người ăn. Thầy Tuấn nhấn mạnh: “Hãy quan sát điều gì xảy ra khi con vật bị giết? Đau đớn, sợ hãi, chết chóc, thống khổ, lo âu, giận dữ… Toàn thân nó trở thành đầy độc tố, chất độc. Và thế rồi bạn ăn thịt, những chất độc đó được mang vào trong thân thể bạn”.

Hơn nữa, ở các cơ thể sống, khi lâm vào tình trạng lo lắng, gặp nguy hiểm, cơ thể tiết ra rất nhiều chất adrenaline (một dạng hóc-môn, một loại thuốc thường được chỉ định trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp với tác dụng chủ yếu là kích thích vận chuyển máu về tim nên thường được dùng làm thuốc trợ tim). Chất này làm tim đập nhanh hơn, áp huyết và lượng đường trong máu cao hơn để giúp cơ thể có thể đương đầu với cơn nguy hiểm đó. Sau cơn nguy hiểm, thận lại bài tiết chất adrenaline dư thừa đó đi và cơ thể lại trở lại bình thường. Ví như khi chúng ta tức tối, lo sợ, tim chúng ta đập nhanh hơn, mặt đỏ gay hoặc tái mét, thân nhiệt tăng cao, gương mặt nhăn nhó hoặc căng thẳng,… giống như một hình thức tự vệ. Chất adrenaline này có rất nhiều trong thịt động vật vì con vật nào trong lò sát sinh cũng đứng trước sự nguy hiểm nhất đời của nó, và sau đó không còn cơ hội để cơ thể nó trở lại bình thường.

Cho nên, khi chúng ta ăn thịt con vật nghĩa là chúng ta đã hấp thụ toàn bộ lượng adrenaline này vào cơ thể, khiến máu chúng ta chảy nhanh hơn, tim đập nhanh hơn, hồi hộp hơn, con người chúng ta vô tình trong trạng thái căng thẳng hơn, gay gắt hơn, tức tối hơn. Do đó, trong điều kiện sống tương đương nhau, người ăn chay không bao giờ bị tiểu đường, áp huyết cao, và những bệnh về tim, thận… như người ăn mặn. Người ăn chay cũng thường có tính tình hiền hòa, ôn tồn hơn người ăn mặn.

Chăn nuôi kiểu công nghiệp, lạm dụng hóa chất

Trước đây, chúng ta chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình, các con vật được nuôi trong vườn nhà, ăn cơm nguội hay thóc gạo. Ngày nay, ngành chăn nuôi được quy hoạch ở quy mô công nghiệp, những con lợn, con bò gần như bị cầm tù trong chuồng trại, không di chuyển, chỉ ăn cỏ vào miệng và để người ta vắt sữa, hoặc nằm thẳng đơ để cho đàn con bú. Những con vật không còn được đối đãi như những cơ thể sống. Những con vật bị kìm kẹp trong các trại chăn nuôi không được đáp ứng nhu cầu vận động tối thiểu, sẽ bị trì trệ, nặng nề, cơ thể sinh nhiều bệnh tật. Khi chúng ta ăn thịt những con vật không khỏe mạnh thì chúng ta không thể khỏe mạnh được.

Điều đáng báo động là vì chạy theo lợi nhuận, các trại chăn nuôi đều dùng hóa chất trộn vào thức ăn cho động vật mau lớn để thu nhiều lợi như thuốc tăng trọng, thuốc tạo nạc, thuốc kích thích vật nuôi ăn nhiều… Ngoài ra, con vật sau khi bị giết thịt thường được ướp bởi chất thuốc Sodium Nitrate và Sodium Nitrite để giữ thịt tươi như mới và lâu hư thối. Người tiêu thụ không thể phân biệt miếng thịt đó là mới được xẻ ra hay nằm ế tại gian hàng đã lâu. Nhờ các chất hóa học này, những người chăn nuôi, giết thịt và buôn bán thịt động vật đã thu số lợi không nhỏ, song cũng gây ra biết bao sự chết choc, bệnh tật mà những khách hàng vô tình gánh chịu. Hiện nay chưa có một quy định rõ ràng nào bắt buộc các nhà chăn nuôi phải ghi rõ thành phần các loại thuốc mà họ đã dùng trong lúc chăn nuôi và bảo quản.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng (bên trái) vốn là một người có nghiên cứu sâu rộng về lĩnh vực tâm linh, thiền và trà đạo

Thịt là thực phẩm mang tính Acid cao nên rất dễ mắc bệnh

Cũng đồng quan điểm với thầy Ngô Dũng Tuấn về việc ăn thịt sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cơ thể, nhà thực dưỡng Ngọc Trâm nhấn mạnh: máu huyết là mạng sống của cơ thể, chỉ khi nào chất kiềm yếu đi thì huyết quản mới có thể phát huy được tác dụng bình thường. Thường thì thực phẩm có thể phân thành hai loại: thực phẩm có tính acid và thực phẩm có tính kiềm. Những thức ăn chính cung cấp nhiệt lượng cơ bản cho cơ thể chúng ta như cơm, bánh mì… đều là nhóm thực phẩm có tính acid, còn đa số rau quả là nhóm thực phẩm mang tính kiềm. Chúng có thể trung hòa được những chất mang tính acid có hại trong cơ thể, khiến cho cơ thể duy trì được sự cân bằng giữa acid và kiềm.

Các loại thịt là những thực phẩm mang tính acid, không thể nào trung hòa được những vật chất mang tính acid sản sinh trong quá trình đào thải và tái tạo của cơ thể. Do vậy, máu huyết của một người lấy việc ăn thịt làm chính sẽ mang tính acid, những vật chất mang tính acid này có đầy đủ tính kích thích mãnh liệt, nhẹ thì phương hại đến cơ năng của các cơ quan trên thân thể, nặng thì dẫn đến các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Tế bào ung thư ăn bẩn, tham, sinh sôi nhanh, thích môi trường acid và ít O2, ngược lại, chúng không chịu được môi trường kiềm và nhiều O2. Cho nên, càng tẩm bổ nhiều, bừa bãi càng làm nội môi acid và chỉ nuôi lớn các khối u. Không những thế, ăn thịt nhiều, mỡ động vật sẽ làm cho ống dẫn máu dần mất tính đàn hồi, lâu dần rất dễ dẫn đến chứng xơ cứng động mạch, từ đó dẫn đến bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Cho nên, tạm thời không bàn đến những việc khác, chỉ nói đến sức khỏe tự thân của con người thì ăn chay là một sự chọn lựa thông minh nhất".

(còn nữa)

Nguồn: FB Hoàng Anh Sướng.

Khôi Nguyên

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/tai-sao-chung-ta-nen-an-chay-va-an-chay-duoi-cai-nhin-nhan-qua-129870/