Tại sao bé hay dụi mắt khi mệt mỏi?

Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ sơ sinh dụi mắt là dấu hiệu chúng sẵn sàng đi ngủ. Nhưng tại sao trẻ nhỏ lại dụi mắt khi chúng mệt mỏi? Điều gì gây ra hành vi này và nó có ý nghĩa gì?

Trả lời về vấn đề này, tiến sĩ Rebecca Dudovitz, giáo sư trợ lý chuyên khoa nhi tại Trường Y khoa David Geffen thuộc Đại học UCLA, cho biết: "Thật tiếc là chúng ta không thể hỏi trực tiếp những đứa trẻ vì sao chúng lại dụi mắt."

"Nhưng thông qua kinh nghiệm của con người, chúng ta biết rằng khi mệt mỏi, người ta thường có xu hướng dụi mắt. Chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể liên quan đến cảm giác không thoải mái khi cơ mắt làm việc quá sức và cần nghỉ ngơi," Dudovitz giải thích.

Giống như việc vai bạn cần mát-xa sau khi ngồi làm việc văn phòng cả ngày, dụi mắt sẽ giúp các cơ mắt tập trung tốt hơn. Trẻ nhỏ dành rất nhiều thời gian nhìn mọi vật trong môi trường xung quanh và mắt của chúng sẽ trở nên mệt mỏi.

Nhìn chằm chằm cũng làm mắt khô và nếu xét về việc trẻ sơ sinh chỉ nháy mắt vài lần một phút, không có gì ngạc nhiên khi mắt chúng cũng bị khô.

Trẻ nhỏ dành rất nhiều thời gian nhìn mọi vật xung quanh và mắt của chúng sẽ trở nên mệt mỏi. (Nguồn: Getty Images)

Tiến sĩ Robert W. Arnold, bác sĩ nhãn khoa tại Viện Mắt cho Trẻ em Alaska, nói thêm: "Nước mắt không chỉ đơn giản là nước có vị mặn, mà còn có chất nhầy ở gần bề mặt của mắt, nước mặn ở giữa và một lớp dầu từ tuyến mỡ mí mắt để ngăn bay hơi. Do đó, một giọt nước mắt khỏe mạnh phải có ba lớp. Ba lớp này cần được làm mới và trải ra bề mặt bằng cách nháy mắt."

Khi chúng ta phải tập trung nhìn quá nhiều những hình ảnh có cường độ sáng mạnh, chúng ta không nháy mắt đủ nhiều. Và nếu không nháy mắt đủ nhiều, ba lớp đó có thể bị tách ra và để lại các vùng khô trên bề mặt giác mạc - phần ngoài cùng trong suốt của mắt giúp che lấp mống mắt và đồng tử. Khi điều đó xảy ra, việc dụi mắt có thể chỉ là một lời nhắc nhở để bạn nháy mắt nhiều hơn.

"Điều này tương tự như việc thở, tỷ lệ thở thường tự động và xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, khi chúng ta bị xao nhãng hoặc mệt mỏi, chúng ta không thể thở đủ nhiều hoặc đủ sâu," Arnold nói. "Vì vậy, chúng ta thở dài. Trẻ nhỏ dụi mắt cũng tương tự như việc mắt đang "thở dài".

Tuy nhiên, việc dụi mắt không đặc biệt tốt cho sức khỏe. Dụi mắt quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực.

Trẻ nhỏ dụi mắt cũng tương tự như việc mắt đang "thở dài". (Nguồn: Google)

Một lý do cho việc cảm thấy dễ chịu khi dụi mắt là vì nó giảm huyết áp bằng cách kích thích các dây thần kinh sinh ba, chạy từ não đến mắt, và dây thần kinh phế vị, chạy từ não đến khắp cơ thể. Ở một số người, điều này có thể làm giảm nhịp tim hơn 20%, hiện tượng này còn được gọi là phản xạ mắt-tim.

Tuy nhiên, Arnold đặt ra câu hỏi về lý thuyết này. "Không thể lý giải rõ ràng vì sao một đứa trẻ lại cảm thấy tốt hơn khi nhịp tim của chúng chậm," ông nói.

Thực tế, phản xạ mắt-tim có thể dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm nhịp tim chậm (nhịp tim dưới 60 nhịp/phút) và ngừng tim.

"Chúng tôi không nghĩ rằng sự phản xạ mắt-tim có chủ đích là lý do trẻ em dụi mắt, nhưng nó có thể là kết quả của việc dụi mắt quá nhiều," Arnold cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản là trẻ sơ sinh dụi mắt vì mắt của chúng mệt và khô, và chúng sẵn sàng để đi ngủ - tương tự như người lớn.

Tuy nhiên, em bé liên tục dụi mắt có thể khiến mắt bị nguy cơ nhiễm trùng và cần sự quan tâm của bạn. Hãy cho bé đi ngủ khoảng 12 đến 16 tiếng trong vòng 24 giờ, bao gồm cả ngủ trưa. Hãy chắc chắn rằng bạn đang tạo điều kiện cho trẻ nhỏ được ngủ đủ giấc.

Nếu bạn nghĩ rằng em bé dụi mắt vì những nguyên nhân khác ngoài sự buồn ngủ hoặc mệt mỏi, hãy đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra mắt của bé. Bất kỳ dấu hiệu về vấn đề thị lực ở trẻ nhỏ cũng cần được kiểm tra, đặc biệt là bé sau 6 tháng tuổi.

Đức Anh (Theo LiveScience)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-be-hay-dui-mat-khi-met-moi-169240426114238582.htm