Tại sao băng cướp chặt tay không bị truy tố thêm tội giết người?

Điều khiến nhiều người thắc mắc trong vụ án này là có nhiều nạn nhân bị chém trọng thương, có người bị nguy hiểm tới tính mạng, nhưng các thành viên trong băng cướp chỉ bị truy tố về tội "cướp tài sản" mà không bị truy tố thêm tội giết người.

Trong hai ngày 24, 25.12, Tòa án nhân dân TP.HCM đưa vụ án băng cướp chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ từng gây xôn xao dư luận cuối năm 2012 ra xét xử. Theo đó, từ tháng 6 đến tháng 11.2012, băng cướp này đã gây ra 18 vụ cướp trên địa bàn TP.HCM, chém bị thương 12 người, trong đó người bị thương nhẹ nhất là 2%, nặng nhất 47%.

Cuối cùng, tòa tuyên bị cáo đầu vụ Hồ Duy Trúc mới 20 tuổi mức án tử hình về tội cướp tài sản. Đây là một mức án rất nghiêm khắc khiến dư luận đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn luồng quan điểm thắc mắc: tại sao cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án không điều tra, truy tố, xét xử thêm tội "giết người" theo Điều 93 hay tội "cố ý gây thương tích" theo Điều 104 Bộ luật Hình sự?

Theo Bộ luật Hình sự hiện hành thì Trúc chỉ có thể bị xử một tội (cướp tài sản) mà thôi. Trong vụ án này, Trúc là người cầm đầu băng cướp, bị truy tố ở Khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự, khoản có khung hình phạt cao nhất của tội này. Khoản 4 điều này quy định cướp tài sản nhưng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên… thì bị phạt từ 18 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hành vi của Trúc và đồng phạm gây tổn hại sức khỏe cao nhất cho người bị hại là 47% và không làm chết người. Nhưng hội đồng xét xử tuyên phạt Trúc án tử hình - mức án hiếm có cho tội cướp tài sản - bởi tòa xác định giá trị tài sản mà các bị cáo chiếm đoạt lên tới 610 triệu đồng.

Theo luật sư Đào Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), có ba lý do dẫn đến án tử dành cho Trúc. Thứ nhất, Trúc là kẻ chủ mưu, ngoài việc trực tiếp ra tay thì Trúc còn chỉ đạo đồng bọn gây ra hàng loạt vụ cướp không chỉ ở TP.HCM mà còn ở Ninh Thuận.

Trúc thuộc trường hợp án chồng án khi bị cáo này đang phải thi hành tới ba bản án khác nhau cùng về tội cướp tài sản. Vì thế cho dù Trúc có kháng cáo xin giảm án thì cơ hội thoát án tử của bị cáo gần như không có.

Thứ hai, Trúc và đồng bọn đều dùng thủ đoạn tàn bạo, mất hết tính người khi sử dụng dao, mã tấu chém vào các vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như cổ, vai, lưng, tay... để cướp tài sản. Việc làm này rất nguy hiểm tới tính mạng của người bị hại, nhất là trong khi họ đang chạy xe trên đường. Hành vi của Trúc và đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người khác và gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội.

Thứ ba, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ cướp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, tàn bạo. Do đó, án tử với Trúc ngoài việc trừng trị thích đáng tội ác mà bị cáo này gây ra còn nhằm răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng.

Trúc thuộc trường hợp án chồng án khi bị cáo này đang phải thi hành tới ba bản án khác nhau cùng về tội cướp tài sản. Vì thế cho dù Trúc có kháng cáo xin giảm án thì cơ hội thoát án tử của bị cáo gần như không có.

Vừa qua, có ý kiến đề xuất khi sửa Bộ luật Hình sự, nên bỏ mức án tử hình đối với một số tội, trong đó có tội "cướp tài sản".Thế nhưng nếu so sánh với vụ án tàn độc do băng cướp Hồ Duy Trúc gây nên, chúng ta dễ thấy được hậu quả của việc bỏ án tử hình sẽ khiến bọn cướp trong cả nước như "thả cá vào trong nước", thêm cơ hội để chúng vẫy vùng, cướp bóc.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể bỏ án tử hình đối với tội "cướp tài sản", nhưng phải tách ra như một số nước khác: cướp mà chỉ đe dọa dùng vũ lực để nạn nhân bị tê liệt ý chí mà giao tài sản thì là tội cướp, nhưng nếu có gây thương tích hoặc giết người thì phải xử thêm về tội gây thương tích cho người khác hoặc tội giết người. Chẳng hạn các tên cướp ngân hàng ở Mỹ, chúng rất ý thức được giữa việc cướp tài sản không xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác và nếu có hành động giết người thì sẽ bị thêm tội như thế nào.

Khi đó, giả sử trong vụ án chặt tay để cướp xe SH, Trúc và đồng phạm đều dùng dao, mã tấu… chém nạn nhân. Như vậy rõ ràng đã phạm thêm tội "giết người" hoặc "cố ý gây thương tích". Trong trường hợp chặt tay cô gái chạy xe SH trên cầu Phú Mỹ, có thể xem là thuộc trường hợp phạm tội “đối với phụ nữ không có khả năng tự vệ” mà lại gây thương tích 47%, tức là rơi vào Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 2-7 năm. Hoặc Khoản 1 Điều 93 về tội "giết người": "e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng".

Đương nhiên cho dù có truy tố, xét xử thêm Trúc về tội cố ý gây thương tích hay không thì Trúc cũng vẫn bị tử hình. Nhưng luật thì cần phải được hiểu và áp dụng một cách chuẩn xác để còn mang tính cảnh báo, phòng ngừa cho các trường hợp sau này.

Xin trích dẫn ý kiến của một thẩm phán nước ngoài để thay lời kết: "Sự cảnh báo để mọi người dân hiểu rằng pháp luật sẽ xử lý như thế nào nếu xảy ra vi phạm một quy định nào đó chỉ công bằng khi cảnh báo đó được chuyển tải tới dân chúng bằng một thứ ngôn ngữ mà dân chúng nói chung đều có thể hiểu được”.

Đề xuất bỏ án tử với tội cướp tài sản

Mới đây, tại hội thảo nghiên cứu hoàn thiện Bộ luật Hình sự do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc và Bộ Tư pháp tổ chức, có nhóm ý kiến đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 9 tội, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản… Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì Bộ luật Hình sự chỉ còn lại 13 tội danh tiếp tục duy trì hình phạt tử hình.

Trọng Mạnh

(Ảnh: Liệu hình ảnh gương mặt như khóc của bị cáo Hồ Duy Trúc khi nghe người thân gào khóc sau bị tuyên án tử hình này có làm bọn cướp tàn ác run sợ mà chùn tay hay không, vẫn chưa thể kết luận được)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/tai-sao-bang-cuop-chat-tay-khong-bi-truy-to-them-toi-giet-nguoi-34708.html