Tài sản Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Điện Quang: 'Cần truy lại quá trình thâu tóm'

“Cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang của các cổ đông lớn trong đó có bà Hồ Thị Kim Thoa”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI cho biết.

Làm rõ thông tin liên quan đến tài sản Thứ trưởng Công Thương

Như BizLIVE đã đưa tin, ngày 16/2, Văn phòng trung ương Đảng đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian gần đây.

Theo đó, thông báo nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Chiều cùng ngày, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan hữu quan để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về việc làm rõ thông tin liên quan đến tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ năm 2000 và kiêm nhiệm chức Chủ tịch của CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC ) trong 5 năm từ 2005-2010.

Mặc dù, rời CTCP Bóng đèn Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu cổ phần với giá trị tương đối lớn tại doanh nghiệp này.

Không chỉ vậy, những thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và các con gái của Thứ trưởng hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang. Với việc nắm giữ hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC, bà Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang.

Bóng đèn Điện Quang vốn xuất thân là các doanh nghiệp Nhà nước, chính thức cổ phần hóa hoàn toàn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC ) thoái vốn vào tháng 9/2014.

"Truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu DQC"

Về “khối” tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, trong phát ngôn trước đó, Bộ Công Thương từng cho biết, số cổ phần của CTCP Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng.

Bình luận về nội dung trên, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Fulbright cho biết, Bộ Công Thương mới đề cập đến nội dung tài sản của bà Thoa có trước khi làm thứ trưởng, chưa cung cấp thông tin đầy đủ, tài sản bà Thoa được hình thành trong thời kỳ lãnh đạo Điện Quang như thế nào.

Ông Tuấn đặt giả thiết rằng, có nhiều điểm không minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, và không riêng trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, tình huống này cho thấy lỗ hổng trong chủ trương, chính sách cổ phần hóa.

“Xem xét gia đình Thứ trưởng có trực tiếp thâu gom lại từ các giao dịch thỏa thuận hoặc thậm chí đặt lệnh mua trên thị trường để thu gom lại hay không? Tuy nhiên tôi cho rằng, với quá trình công tác, với thâm niên, vị trí đó thì tỷ lệ sở hữu được mua không thể lớn đến mức như bây giờ. Chắc hẳn phải có cả quá trình thâu gom cổ phần thì mới tạo lên tỷ lệ sở hữu lớn như thế”, ông Tuấn nói.

Thực tế, trong khoảng thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Bóng đèn Điện Quang, Bà Thoa đã liên tục gia tăng số cổ phiếu nắm giữ tại đây bằng việc đăng ký mua thêm hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn cổ phiếu DQC.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, cần làm rõ từ khi giữ chức Thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Cùng đó, cần có các quy định cụ thể tránh để xảy ra những trường hợp có thể lợi dụng để tư lợi.

“Việc xem xét lại các quyết định của bà Thoa là cần thiết đặc biệt liên quan đến những quyết định trong chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên dùng hàng Việt”, ông Hải nói. Bởi, theo ông Hải, chỉ cần các doanh nghiệp ngành công thương được yêu cầu ưu tiên mua hàng của Điện Quang cũng có thể tạo sự không bình đẳng trong cạnh tranh.

Ông Hải cũng cho biết, cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu DQC của các cổ đông lớn trong đó có bà Thoa. “Khi bán vốn Nhà nước, sẽ có các đối tác chiến lược và thực hiện bán. Nhưng với thoái vốn của SCIC tại Điện Quang thì người mua lại là người thân của bà Thoa”, ông Hải cho hay.

Nguyễn Thảo

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/tai-san-thu-truong-ho-thi-kim-thoa-tai-dien-quang-can-truy-lai-qua-trinh-thau-tom-2476706.html