Tại những nơi hay xảy ra đuối nước, chính quyền đã vào cuộc, người dân vẫn thờ ơ

Thời gian qua, Hải Dương xảy ra một số vụ chết đuối ở cùng hoặc gần một địa điểm. Chính quyền địa phương đã có biện pháp xử lý song một số người dân vẫn thờ ơ.

Người dân vẫn bơi lội ở khu vực hồ điều hòa, thuộc khu biệt thự Đỉnh Long, phường Tân Bình, TP Hải Dương (ảnh chụp lúc 18 giờ ngày 24.5)

Người dân vẫn bơi lội ở khu vực hồ điều hòa, thuộc khu biệt thự Đỉnh Long, phường Tân Bình, TP Hải Dương (ảnh chụp lúc 18 giờ ngày 24.5)

Nhiều biện pháp cảnh báo

Gần đây nhất, ngày 16.5, tại hồ điều hòa trong khu biệt thự Đỉnh Long (khu dân cư số 7, phường Tân Bình, TP Hải Dương) xảy ra vụ cháu bé bị đuối nước. Cháu bé may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Điều đáng nói, tại hồ này đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, trong đó có vụ xảy ra vào cuối tháng 9.2019 khiến 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Hàn tử vong.

Theo ông Nguyễn Tác Lũy, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, hồ thuộc khu đô thị do Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, hiện chưa bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, do hồ nằm trên địa bàn phường nên UBND phường có trách nhiệm, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình huống xấu có thể xảy ra. Phường đã cắm biển thông báo khu vực hồ sâu, nguy hiểm, trên bờ chăng các dây xích ngăn cách với hồ nước. Địa phương cắt cử lực lượng công an, dân quân, quy tắc phường tuyên truyền tại khu vực xung quanh hồ, trên hệ thống truyền thanh của phường. Cán bộ khu dân cư số 7 thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân không được tắm, bơi lội tại đây. UBND phường đã lập một số biên bản nhắc nhở vi phạm và gửi về trường học (đối với học sinh) hoặc khu dân cư (đối với người lớn). Đây là những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng người dân, nhất là các cháu nhỏ xuống tắm tại khu vực hồ. "Để quản lý hiệu quả hơn, trước mắt chúng tôi đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường có những biện pháp bảo đảm an toàn xung quanh khu vực hồ, ngăn chặn người dân xuống tắm. Về lâu dài cần bàn giao khu đô thị cho địa phương quản lý để UBND phường có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn", ông Lũy cho biết.

Tại kênh Bá Nha Thuần ở xã Thanh Cường (Thanh Hà) đầu tháng 5 vừa qua cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 học sinh lớp 8 tử vong. Cách địa điểm này không xa, năm trước cũng có một học sinh bị đuối nước. Khu vực này nằm sâu trong vườn vải của người dân, tách biệt với bên ngoài nên khi xảy ra đuối nước rất khó phát hiện. UBND xã Thanh Cường đã cắm 2 biển cảnh báo khu vực nguy hiểm tại đầu đường xuống khu vực chuyển đổi và gần khu vực xảy ra đuối nước. Đồng thời yêu cầu các nhà trường, Đoàn Thanh niên, Đài Truyền thanh xã tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh sự nguy hiểm khi tắm, đùa nghịch tại những nơi nước sâu, nguy hiểm. Đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường nhắc nhở, quản lý không để con cháu tắm tại những khu vực như vậy.

UBND xã Thanh Cường (Thanh Hà) cắm biển báo ở những nơi nước sâu, nguy hiểm

UBND xã Thanh Cường (Thanh Hà) cắm biển báo ở những nơi nước sâu, nguy hiểm

Người dân chủ quan

Tại những địa điểm đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, dù chính quyền vào cuộc nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, thậm chí không đồng tình với các biện pháp của chính quyền.

Hơn 17 giờ ngày 24.5, tại khu vực hồ điều hòa trong khu biệt thự Đỉnh Long, dù lực lượng chức năng của phường Tân Bình đã nhắc nhở nhưng có nhiều người lớn tuổi vẫn tập trung xung quanh hồ. Khi lực lượng chức năng chưa đi hết thì đã có người xuống tắm, một số người còn cố tình bơi ra giữa hồ. Họ cho rằng chỉ nên cấm trẻ em còn với người lớn thì cán bộ phường chỉ được tuyên truyền, nhắc nhở còn không thể cấm được.

Bà Lê Thị Biểu (ở khu 9, phường Tân Bình) cho biết bà thường xuyên ra đây tập thể dục và thấy nhiều người tắm tại hồ. Trước khi lực lượng chức năng đến cũng đang có nhiều người tắm, cả người lớn và trẻ em. Việc không cho tắm tại hồ là cần thiết để ngăn chặn những trường hợp đau lòng có thể xảy ra.

Do là điểm du lịch nên hồ Côn Sơn (ở phường Cộng Hòa, Chí Linh) cũng thu hút nhiều người đến cắm trại, dã ngoại. Nhiều người chưa ý thức được sự nguy hiểm của hồ, chểnh mảng trong quản lý con cái. "Do được tuyên truyền, nhắc nhở và có biển cảnh báo nguy hiểm được cắm tại một số vị trí xung quanh hồ nên người dân địa phương luôn ý thức được sự nguy hiểm và không tắm, bơi lội ở khu vực này. Những trường hợp thương tâm xảy ra đều từ nơi khác đến. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị được giao quản lý hồ là Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh cắt cử lực lượng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để người dân ở khu vực khác đến ý thức được sự nguy hiểm của khu vực này", ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa nói.

Để ngăn chặn những vụ đuối nước, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con không theo các bạn ra sông, hồ, ao bơi lội, không được tắm, nô đùa tại những khu vực nước sâu. Cần cho trẻ học bơi để đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. "Trong tất cả các biện pháp thì ý thức và nhận thức của từng cá nhân là quan trọng nhất. Sau đó mới đến sự phối hợp tuyên truyền, áp dụng các biện pháp ngăn chặn của chính quyền. Trong những trường hợp này, nếu cá nhân cố tình vi phạm thì chính quyền cũng không thể làm gì được", ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Cường cho biết.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/audio-tai-nhung-noi-hay-xay-ra-duoi-nuoc-chinh-quyen-da-vao-cuoc-nguoi-dan-van-tho-o-235385