Tài hoa nét chữ ông đồ

Thưởng ngoạn Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 và Triển lãm thư pháp “Hiếu học” tại hồ Văn, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, công chúng Thủ đô và khách thập phương đặc biệt ấn tượng với nét chữ tài hoa của các ông đồ và thêm hiểu hơn về truyền thống hiếu học của dân tộc.

Tôn vinh giá trị truyền thống

Quy trình tuyển chọn ông đồ viết chữ thư pháp tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 rất nghiêm ngặt. Mỗi thí sinh đăng ký một trong hai loại hình: Thư pháp Hán Nôm hoặc thư pháp Quốc ngữ. Sau đó thí sinh trải qua hai vòng khảo hạch và các bài thi hướng về chủ đề “Hiếu học”. Nếu trúng tuyển, người viết sẽ được trưng bày tác phẩm tại vị trí đối diện gian lều cho chữ của mình và chỉ được viết duy nhất loại hình thư pháp đã đăng ký với Ban tổ chức.

Năm nay, Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều đổi mới về không gian cho chữ, xin chữ. Nếu như trước đây, việc cho chữ diễn ra tại khu vực sân trước của hồ Văn với các gian lều của ông đồ xếp sát nhau theo kiểu bàn cờ thì năm nay trung tâm không gian trưng bày được thiết kế, tạo nên một “con đường chữ” với 9 hàng cột đôi như biểu tượng cho con đường học vấn. Trên 9 hàng cột đôi là 270m giấy viết được dán lên 18 trụ cột, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, tạo nên dấu ấn về nghệ thuật thị giác vô cùng ấn tượng, độc đáo. Trên 18 trụ cột được ghi chép, viết lại các nội dung kinh điển của nho giáo, các bậc danh nhân, khoa cử ngày xưa mà bao đời sĩ tử phải dùi mài mong có ngày ứng thí. Tất cả được các tác giả thời nay viết với nhiều kiểu chữ và phong cách khác nhau, cho thấy sự tiếp nối không ngừng của thế hệ đi sau để mạch nguồn văn hóa chảy mãi. Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, nhận định: “Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã thực hiện tốt vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, làm cho giá trị văn hóa trở nên sống động, hấp dẫn thông qua hình thức trưng bày độc đáo, hiện đại, qua đó góp phần lan tỏa truyền thống hiếu học của dân tộc ta”.

Thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng điều hành, giảng sư thư pháp Nhân Mỹ học đường, chia sẻ: “Đến với Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, người xem được thưởng thức sự công phu của từng đường nét trong chữ. Bên cạnh đó, sự sắp đặt ánh sáng hài hòa cùng mã QR quét nội dung tác phẩm khiến người xem không chỉ ấn tượng về thị giác, mà còn hiểu hàm ý mà tác giả muốn chuyển tải đằng sau những nét chữ, làm đẹp thêm, tôn vinh tinh hoa giá trị di sản mà các bậc tiền nhân để lại”.

">

Ông đồ cho chữ tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024.

Vẻ đẹp của thư pháp

Thông thường, để học viết chữ thư pháp đạt đến độ thuần thục, điêu luyện, các ông đồ phải mất hàng chục năm khổ luyện. Ngay từ khi chập chững vào nghề, người học thư pháp phải chỉn chu, kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị đồ dùng, gọi là “văn phòng tứ bảo”, tức 4 vật quý của một người viết thư pháp, bao gồm: Bút lông, giấy, mực và nghiên. Sau khi sắm sửa vật dụng cần thiết, người viết sẽ học cách cầm bút lông, được gọi là “ngũ chỉ chấp bút”; rồi học cách lấy mực sao cho mực thấm bút ở mức độ vừa phải; nâng bút, ghì bút sao cho tạo được nét thanh, nét đậm như ý muốn.

Ông đồ Nguyễn Văn Sơn (56 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã tham gia viết thư pháp tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ năm 2014, cho biết: “Mỗi ngày tôi đều dành 4 tiếng để luyện chữ. Quá trình tìm tòi, học hỏi, tôi nhận thấy “khải thư” là kiểu chữ khó viết nhất trong 5 kiểu chữ cơ bản. “Thư” tức là chữ, bao gồm: “Triện thư”, “lệ thư”, “khải thư”, “hành thư” và “thảo thư”. “Khải thư” đòi hỏi người học phải viết sao cho vuông vắn, chỉnh tề tựa chữ in”. Về độ khó của “khải thư”, hẳn du khách thưởng ngoạn Triển lãm thư pháp “Hiếu học” cũng cảm nhận được ít nhiều.

Trong không khí hân hoan, nhiều người tới Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám để xin chữ, mang theo bao ước vọng về một năm mới tốt đẹp và an vui. Mỗi chữ đều gắn với ước muốn của con người trong từng giai đoạn của cuộc đời. Chị Vũ Vân Anh (33 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi xin chữ thư pháp tại hồ Văn. Vào dịp đầu xuân năm mới, tôi muốn dành tặng bạn bè và đồng nghiệp một món quà ý nghĩa. Với tôi, trao gửi chữ thư pháp giống như gửi một lời chúc ấm áp đến người mình quý mến và trân trọng”.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 được chuẩn bị chu đáo, nhằm tạo ra một sân chơi để các ông đồ có điều kiện trổ tài, sáng tác và nhân dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/tai-hoa-net-chu-ong-do-766504

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/646831-tai-hoa-net-chu-ong-do.html