Tái hiện thế đối đầu Nga - Mỹ

Quan hệ Nga - Mỹ ngày một nóng, đến mức Ngoại trưởng Đức F. Steinmeier cảnh báo sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga đang dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga đã được triển khai tới Kaliningrad

Trong một bài viết trên báo Bild (Hình ảnh) của Đức, ông F. Steinmeier nêu rõ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chiến tranh mạng, việc chấm dứt hợp tác liên quan tới vật liệu nguyên tử và cả trong vấn đề Syria đã cho thấy sự xung đột ngày càng gia tăng giữa Nga và Mỹ. Niềm tin giữa hai bên dường như đã suy giảm nghiêm trọng và nếu tiếp tục như vậy có thể quay trở lại thời đối đầu giữa hai cường quốc này.

Cứ nhìn vào các hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây là có thể thấy lời cảnh báo của ông F. Steinmeier thực tế thế nào. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mà Mátxcơva và Washington đạt được ngày 9-9 thất bại, Mỹ thông báo quyết đình ngừng hợp tác với Nga tại Syria, đồng thời chuyển sang thực hiện “Phương án B”, cụ thể là tăng cường số lần không kích, điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực và cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Washington cũng tiếp tục các biện pháp cấm vận với Nga do vấn đề Crimea.

Đáp lại, Nga cũng có nhiều hành động mạnh mẽ như đình chỉ thỏa thuận nghiên cứu năng lượng hạt nhân, trao đổi urani và ngừng thỏa thuận về sử dụng plutoni. Quyết định trên bao gồm việc ngừng hoạt động hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Rosatom của Nga với Bộ Năng lượng Mỹ nhằm nghiên cứu cách chuyển đổi các lò phản ứng của Nga để sử dụng nhiên liệu urani làm giàu ở cấp độ thấp, đồng thời cấm “mọi công dân Mỹ được phép tới các cơ sở hạt nhân của Nga”.

Cũng như thời Chiến tranh Lạnh, công cụ để hai bên khẳng định sức mạnh là các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Trên chiến trường Syria, Nga đã quyết định triển khai cường kích Su-24 và tiêm kích bom Su-34, trong khi máy bay tấn công mặt đất Su-25 cũng đã sẵn sàng tái triển khai đến khu vực. Đặc biệt Nga còn triển khai hàng loạt hệ thống phòng không S-300 và S-400 tại Syria với lý do để bảo vệ các binh lính đồn trú tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.

Trên chiến tuyến cũ của Chiến tranh Lạnh là châu Âu, Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật tới tỉnh Kaliningrad, vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng nằm giữa Ba Lan và Litva. Là loại tên lửa đạn đạo-chiến thuật, tổ hợp tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 500km, có độ chính xác cao và có quỹ đạo chuyển động linh hoạt, đồng thời có khả năng “tàng hình” trước hệ thống định vị vô tuyến của đối phương.

Chưa cần nước Nga giải thích thì các phương tiện truyền thông phương Tây đã chỉ rõ việc Nga đưa các tên lửa Iskander-M tới Kaliningrad là “một động thái mang tính chính trị nhằm phô trương sức mạnh, và nhằm bày tỏ bất bình trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến sát biên giới Nga”. Ngoại trưởng Litva L. Linkevicius cho rằng mục đích của Nga là nhằm “tìm kiếm sự nhượng bộ từ phương Tây” liên quan những bất đồng đang gia tăng giữa Nga với Mỹ và NATO về vấn đề Syria và Crimea.

Bóng dáng Chiến tranh Lạnh trong quan hệ Nga - Mỹ đã hiện rõ. Không những thế, Ngoại trưởng Đức F. Steinmeier còn lo ngại rằng “sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ đây chỉ giống như cuộc Chiến tranh Lạnh, bởi bối cảnh hiện nay khác biệt và còn nguy hiểm hơn thế”. Nguyên nhân là bởi thế giới trước đây chia làm hai phe và cả Matxcova và Washington đều biết và tôn trọng ranh giới.

Còn trong một thế giới hiện nay với biết bao xung đột khu vực và ảnh hưởng của các cường quốc suy giảm thì tình hình không thể lường trước, nếu không tìm được giải pháp “hạ nhiệt” quan hệ Nga - Mỹ.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tai-hien-the-doi-dau-nga-my/704056.antd