Tái diễn mua bán "đặc sản" chết người

- Việc chế biến, buôn bán cá nóc đã bị cấm từ lâu, nhưng hiện nay tại cảng cá Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), rất nhiều tàu thuyền khai thác cá nóc ngoài biển rồi bán cho các tiểu thương cá một cách công khai.

Loài cá nóc -“đặc sản” này đã từng gây đau thương cho bao gia đình ngư dân khi ăn phải độc tố của nó dẫn đến tử vong. Nhưng sau một thời gian tạm lắng, người dân lại tiếp tục dửng dưng mua bán loài cá “chết người” này. Cập cảng, cá nóc lên bờ Khoảng 5h đến 8h sáng, những chiếc tàu, thuyền của các ngư dân ở xã Phổ Thạnh và xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ đã về cập cảng Sa Huỳnh sau một đêm khai thác cá. Trong các loại cá bắt được, có loài cá nóc. Cá này được nhiều ngư dân tập trung lại bán cho một số người chuyên thu mua cá nóc tại cảng cá. Đây là cá thịt ăn rất ngon và nhiều đạm. Đó chính là lí do khiến ngư dân không chịu bỏ thói quen ăn cá nóc lâu nay. Cá càng to, người mua càng chuộng. Giá bình quân 15 – 20 ngàn đồng/kg. Một số người dân buôn bán cá cho hay: “Những năm qua không ít người chết vì độc cá nóc. Người mua cá thường xuyên như bọn tui cũng ớn khi trông thấy cá nóc. Nhưng do hàng ngày tiếp xúc quá nhiều nên quen; hơn nữa vì lợi nhuận nên nhiều bà con vẫn mua bán..” Tại cảng Sa Huỳnh có khoảng 3 – 4 người thu mua cá nóc từ các tàu thuyền. Mỗi ngày mỗi người mua lại vài gánh cá, sau đó tập hợp lại đem đến một số chợ bán lén lút. Trước đây, từ khi có quy định cấm buôn bán và sử dụng cá nóc thì các tiểu thương ở các chợ xã và huyện Đức Phổ không bán loại cá này. Thời gian gần đây các tàu thuyền bắt đầu khai thác cá nóc trở lại, nên việc buôn bán cá nóc tại bến cảng rầm rộ hơn. Cũng tại cảng cá Sa Huỳnh, khoảng tầm xế 9 -10h sáng, cá nóc tươi được lột da, sau đó được người dân đem về nhà rải phơi khô. Khoảng 10 - 12 kg cá tươi nguyên con sẽ cho ra 1kg cá khô. Bởi món cá nóc khô rất nhiều người ưa thích món khô cá nóc. Bởi vậy, giá mỗi kilôgam cá nóc khô lên đến hơn 100 ngàn đồng mà nhiều người vẫn tìm mua. Cá nóc cũng được nhiều cơ sở sản xuất nước chấm mua về làm “nước mắm thượng hạng”. Ngư dân Huỳnh Văn Tranh ở xã Phổ Thạnh cho hay, Cá nóc nhiều, được bày bán thường xuyên vì loại cá này dễ đánh bắt, tàu thuyền không phải đi xa. Ngư dân ai cũng biết cá nóc độc, nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng vì là nguồn thu chính, đành phải khai thác. Vẫn ăn khi biết loài cá chết người Biết cá nóc có độc nhưng nhiều người ở Sa Huỳnh vẫn ăn, vì họ tin vào khả năng phân biệt được đâu là con cá có độc và đâu là con không có độc. Thậm chí, có người cho rằng chỉ cần ngâm vào nước muối thì những độc tố trong cá sẽ không còn. Cách đây không lâu, một vụ ngộ độc cá nóc tại một làng chài thuộc huyện Bình Sơn khiến 3 ngư dân chết tại chỗ. Một vụ ngộ độc cá nóc khác xảy ra ở Sa Huỳnh cũng khiến một người tử vong. Những năm trước đây khi chưa có lệnh cấm và những đợt khuyến cáo rầm rộ của ngành y tế về sự nguy hiểm của cá nóc thì mỗi năm trên địa bàn Quảng Ngãi ít nhất cũng xảy ra 2-3 vụ ngộ độc cá nóc, dẫn đến tử vong, khiến Bộ Y tế tổ chức hẳn một cuộc hội thảo với chủ đề “Nói không với cá nóc” tại Quảng Ngãi vào năm 2004. Tuy được khuyến cáo, song do thói quen của một số ngư dân ven biển, việc sử dụng cá nóc làm thực phẩm vẫn chưa chấm dứt. Thực tế cho thấy, biển Việt Nam có 66 loài cá nóc, thuộc 12 giống và 4 họ. Hầu hết các loại cá nóc ở nước ta là cá nóc độc. Độc tố cá nóc rất lớn. Với người, chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ một đến hai miligam độc tố có thể gây chết người. Việc đun sôi nước thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Sở dĩ có những người ăn cá nóc mà không việc gì là bởi, họ đã ăn những con cá mà gan của nó chưa bị vỡ ra, gây nhiễm độc toàn thân. Trước khi giết thịt, toàn bộ phần đầu và gan của cá nóc phải loại bỏ, chỉ sử dụng phần thịt. Thế nhưng nếu con cá nóc ấy bị giập gan-nơi chứa độc tố thì nọc độc sẽ nhiễm ra thân con cá nên dù có loại bỏ gan và đầu cá, thì vẫn bị ngộ độc. Do vậy, khuyến cáo của ngành y tế là tuyệt đối không đánh bắt và sử dụng cá nóc. Điều này, Trạm y tế xã Phổ Thạnh cho biết đã tuyên truyền và nhiều lần tham mưu với chính quyền địa phương ngăn chặn việc mua bán cá nóc nhưng người dân vẫn lén lút khai thác, buôn bán. Thời gian qua chính quyền xã Phổ Thạnh ngăn chặn việc mua bán cá nóc xem ra không mấy hiệu quả. Không ít người dân vẫn mua về chế biến làm thức ăn như những loại cá thông thường khác. Chính quyền xã cần có biện pháp kiên quyết hơn, để không còn xảy ra trường hợp thương tâm chết người do độc cá nóc gây ra. Võ Thành

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1987/201010/Tai-dien-mua-ban-dac-san-chet-nguoi-1770855/