Tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhà nước: Muốn lớn, phải có quyết tâm chính trị

Năm 2017, Đề án Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ. Với đề án này, khối ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiếp tục lột xác mạnh mẽ.

“Khám sức khỏe” các ngân hàng thương mại nhà nước lớn

Theo Dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng đến năm 2020 là sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Riêng với các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị liên quan trình Đề án Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các ngân hàng này.

Thực tế, là trụ cột của hệ thống ngân hàng, song đã có lúc, khối ngân hàng thương mại nhà nước bị khối ngân hàng cổ phần lấn lướt. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tái cơ cấu, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đang dần lấy lại được vị thế của mình.

Ngân hàng Agribank đang mong sớm được cổ phần hóa. Ảnh: Đức Thanh

Trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất này, trước tái cơ cấu, Agribank là ngân hàng “cồng kềnh” nhất và hoạt động kém hiệu quả nhất. Thế nhưng, sau hơn 3 năm tái cơ cấu, thay máu toàn bộ nhân sự cấp cao, xốc lại bộ máy hoạt động, hiện ngân hàng này đang trở lại đường đua, tiếp tục dẫn đầu hệ thống về tổng tài sản, huy động vốn và hệ thống mạng lưới.

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng tài sản của Agribank đã đạt tới 980.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 882.640 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 665.513 tỷ đồng. Đặc biệt, với tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70%, Agribank vẫn là ngân hàng chưa có đối thủ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nợ xấu của Agribank tính đến ngày 31/7/2016 chỉ còn 2,28%, thấp hơn cả mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho hay, để đạt được những kết quả khả quan trên, Agribank đã thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện, bắt đầu từ việc lấy lại tinh thần cho hàng vạn cán bộ - công nhân viên, lấy lại lòng tin của hàng chục triệu khách hàng.

Ngoài Agribank, thời gian qua, cả 3 “ông lớn” quốc doanh còn lại (gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank) cũng đều vừa tham gia tái cơ cấu hệ thống, vừa tái cơ cấu chính mình, giúp tăng quy mô và tầm ảnh hưởng. Trong đó, BIDV mua lại MHB, VietinBank đang xúc tiến sáp nhập PGBank. Còn Vietcombank cũng tích cực hỗ trợ thanh khoản, nhân sự, công nghệ… cho các ngân hàng nhỏ tái cơ cấu.

Xét về tổng tài sản, sau vụ sáp nhập thần tốc MHB, BIDV đã vươn lên vị trí dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần, chỉ đứng sau Agribank, với tổng tài sản 930.000 tỷ đồng. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 876.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 680.000 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 2%. BIDV cũng là ngân hàng duy nhất hiện nay chủ động xây dựng ban hành Đề án Hội nhập quốc tế BIDV giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu trở thành “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN” (QABs).

Trong khi đó, xét về hiệu quả hoạt động, Vietcombank và VietinBank dường như đang có phần nổi trội. Đây cũng là 2 ngân hàng có mã cổ phiếu và lợi nhuận cao nhất hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay và đang được Ngân hàng Nhà nước định hướng xây dựng ngân hàng có quy mô khu vực.

Muốn lớn mạnh, phải có quyết tâm chính trị để thoái vốn nhà nước

Sự lớn mạnh khá nhanh chóng của khối ngân hàng thương mại nhà nước có thể cho thấy, quyết tâm chính trị của các ngân hàng này thời qua là rất lớn, trong đó, quyết tâm của những người đứng đầu, đặc biệt tổ chức Đảng đóng vai trò quyết định.

Chẳng hạn, tại Agribank, khi bắt tay tái cơ cấu, Đảng ủy ngân hàng này đã ban hành hàng loạt nghị quyết để chỉ đạo triển khai. Đồng thời, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành của Ngân hàng xây dựng tới 8 đề án nhỏ để thực hiện tái cơ cấu. Quyết tâm chính trị đến từ cấp cao nhất chính là động lực khiến guồng máy Agribank chuyển động mạnh mẽ trong 2 năm qua.

Còn tại Vietcombank, từ kinh nghiệm tái cơ cấu của Ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, thống nhất của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo là nhân tố quyết định, là yếu tố cốt lõi tạo dựng mục tiêu và chiến lược lâu dài, tạo dựng năng lực và thành công cho quá trình phát triển của cả hệ thống. Bên cạnh đó, phải phát huy mạnh mẽ nội lực của cả hệ thống bởi sự đổi mới cần phải được bắt đầu từ chính mỗi cán bộ, Đảng viên, người lao động.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới, ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là trụ cột của hệ thống. Tuy nhiên, để cạnh tranh, các ngân hàng này cần tăng mạnh vốn. Muốn vậy, cần có quyết tâm chính trị lớn để thoái bớt vốn nhà nước tại nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất.

Thực tế, thời gian qua, VietinBank, Vietcombank và BIDV đều kiến nghị Chính phủ nới room mạnh cho khối ngoại hơn nữa, trong khi Agribank cũng mong sớm được cổ phần hóa.

Ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị, Chính phủ cần xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước xuống 51% để các ngân hàng thương mại chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường. Đồng thời, xây dựng 1 - 2 ngân hàng thương mại trụ cột, có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột cho cả hệ thống, tạo điều kiện để các ngân hàng này tham gia mua bán, sáp nhập với các tổ chức tín dụng phù hợp, tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành riêng lẻ...

Được biết, trong Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giải pháp là, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần về mức trên 65%, cổ phần hóa Agribank…

Trần Mạnh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/tai-co-cau-ngan-hang-thuong-mai-nha-nuoc-muon-lon-phai-co-quyet-tam-chinh-tri-d51272.html