Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Vấn đề và giải pháp

Mục tiêu của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững, hiệu quả với một hệ thống doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân phát triển lành mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế, góp phần vào việc tái cơ cấu nền kinh tế. Năm 2023, nhiều doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả tích cực. Trong năm 2024 và thời gian tới, tiếp tục đặt ra mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề đang đặt ra

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII năm 1991 đã khẳng định những biện pháp chủ yếu cải cách doanh nghiệp nhà nước như: giao, bán, khoán, cho thuê, giải thể và cổ phần hóa. Từ năm 1992 tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đã thực sự được triển khai. Từ đó đến nay, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước ngày càng được cụ thể hóa, các giải pháp cải cách cũng đã được bổ sung và hoàn thiện như: sáp nhập, giải thể, phá sản, cơ cấu lại các tổng công ty, chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con và tập đoàn kinh tế, công ty cổ phần chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuyển đổi cơ chế quản lý, điều chỉnh lại quan hệ sở hữu giữa Nhà nước với doanh nghiệp nhà nước; đổi mới chế độ chủ quản; thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...

Doanh nghiệp nhà nước đã được cấu trúc lại một bước cơ bản trên cơ sở giải thể các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ, không đủ điều kiện tồn tại. Các bộ, ngành đã thực hiện đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước: sáp nhập các xí nghiệp nhỏ yếu vào các xí nghiệp lớn, thành lập các tổng công ty nhà nước độc lập có quy mô lớn hơn; các liên hiệp xí nghiệp nhà nước được sáp nhập lại và hình thành các tổng công ty 90 trực thuộc Bộ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các tổng công ty 91 nắm những ngành và lĩnh vực rộng hơn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký quyết định thành lập.

Việt Nam tạo môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp. ẢNH: QUANG VINH

Tính từ năm 2001 đến năm 2006, cả nước đã sắp xếp được 3.830 doanh nghiệp nhà nước, bằng gần 68% số doanh nghiệp nhà nước có vào đầu năm 2001, trong đó cổ phần hóa 2472 doanh nghiệp; sáp nhập và hợp nhất 459 doanh nghiệp; giải thể và phá sản 214 doanh nghiệp; các hình thức khác có 371 doanh nghiệp.

Đến năm 2011 cả nước chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tập trung ở những doanh nghiệp quy mô lớn với 11 tập đoàn (tập đoàn dầu khí, tập đoàn bưu chính viễn thông, tập đoàn công nghiệp than - khoảng sản, tập đoàn dệt may, tập đoàn công nghiệp tàu thủy, tập đoàn phát triển nhà và đô thị, tập đoàn xây dựng, tập đoàn điện lực Việt Nam...) và khoảng 97 tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành, tập đoàn.

Năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như: Quốc phòng an ninh, nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi... Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh như bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…

Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước cho đến nay đã có những tác động tích cực trên nhiều mặt.

Thứ nhất, đã giảm được số doanh nghiệp nhà nước từ trên 10 ngàn doanh nghiệp vào năm 1991 xuống chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (10/2011), hiện còn khoảng 478 doanh nghiệp, đồng thời thu hẹp diện hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân gia tăng hoạt động. Kết quả này đã có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình cải cách. Song phải thừa nhận là số doanh nghiệp nhà nước còn lại vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân với tổng giá trị tài sản cố định và mức trang bị tài sản và đầu tư tài chính dài hạn tính bình quân cho một doanh nghiệp nhà nước tăng gấp nhiều lần.

Thứ hai, tạo ra các doanh nghiệp cổ phần hỗn hợp giữa sở hữu nhà nước, người lao động và tư nhân - là một hình thức sở hữu hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận là số doanh nghiệp nhà nước dù được cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối lớn.

Thứ ba, các doanh nghiệp cổ phần đã bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, một kênh huy động vốn quan trọng của kinh tế thị trường.

Thứ tư, giảm bớt được mức độ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước trên nhiều lĩnh vực, số lĩnh vực chỉ có một tập đoàn hay tổng công ty nhà nước kinh doanh đã giảm đi rõ rệt, do vậy đã tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn.

Thứ năm, chế độ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước đã được cải tiến và hoàn thiện, tạo ra những điều kiện để các doanh nghiệp có thể kinh doanh có hiệu quả hơn.

Dù đạt được những kết quả trên đây, song quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, vẫn bộc lộ những hạn chế lớn. Quy mô doanh nghiệp nhà nước nói chung còn nhỏ, còn chiếm giữ một số ngành và lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Không ít tỉnh, thành phố, bộ, ngành địa phương chưa kiên quyết thực hiện đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việc sắp xếp cải cách các nông, lâm trường còn chậm và lúng túng. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn lạc hậu.

Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập từ cơ chế chọn nhân sự, điều hành doanh nghiệp đến chế độ tài chính, giá cả, tiền lương, tính công khai, minh bạch...

Quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước tồn tại có tính tất yếu trong mọi nền kinh tế thị trường hiện đại, kể cả ở Việt Nam

Tính tất yếu này được quy định bởi lý do là có không ít lĩnh vực kinh tế mà khu vực tư nhân không thể hoạt động hoặc là hoạt động không có hiệu quả như: Kinh tế quốc phòng, cơ sở hạ tầng, những ngành kinh tế mới mở... Do vậy, doanh nghiệp nhà nước phải đảm trách, tồn tại, phát triển và không thể thiếu. Tuy nhiên, số lượng, tỷ trọng, những lĩnh vực cụ thể vào doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lại phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của mỗi nước. Ở các nước phát triển, tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước nói chung là nhỏ và có xu hướng giảm dần. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, trong một số lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân cũng rơi vào tình trạng phá sản, không thể hoạt động được, Nhà nước buộc phải quốc hữu hóa. Nhưng khi kinh tế trở lại phát triển bình thường, thì họ lại tư nhân hóa những doanh nghiệp này. Doanh nghiệp nhà nước tồn tại tất yếu trong mọi nền kinh tế thị trường và có những chức năng hết sức quan trọng, dù như tỷ lệ của nó không lớn, và nếu nó hoàn thành tốt chức năng của mình thì tỷ trọng của nó càng nhỏ càng tốt.

Các doanh nghiệp nhà nước phải nắm giữ những ngành kinh tế có tính định hướng và đảm bảo cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững

Những ngành kinh tế nào được xếp vào diện này? Đó chính là những ngành mà khu vực kinh tế tư nhân không thể đảm nhiệm được. Không nên nghĩ rằng, những ngành kinh tế quan trọng thì Nhà nước phải nắm. Thực tế cho thấy, không phải như vậy. Từ thực tế thế giới và Việt Nam, ta thấy doanh nghiệp nhà nước nên nắm giữ những ngành và lĩnh vực sau đây:

- Những ngành và lĩnh vực mới xây dựng: Nhà nước có thể phải xây dựng các nhà máy xi măng, sắt thép, sản xuất xe đạp, xe máy, dệt may... nhưng khi xây dựng và vận hành được các nhà máy này rồi, thì lại phải bán lại cho tư nhân, rút vốn ra xây những nhà máy khác. Làm theo cách này thì nhà nước có năng lực mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả.

- Những ngành kinh doanh không có hiệu quả mà khu vực tư nhân không thể làm như: Vận chuyển mối bán cho vùng sâu vùng xa, các nhà máy điện nguyên tử, những cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, hải cảng quốc tế, các đường cao tốc...

- Những ngành công nghiệp quốc phòng quan trọng.

- Những ngành khai thác tài nguyên quan trọng.

- Những ngành mũi nhọn của tiến bộ kỹ thuật...

Ngay trong những ngành và lĩnh vực trên đây doanh nghiệp nhà nước cũng không nên làm tất cả mà chỉ nên nắm những gì quan trọng nhất.

Doanh nghiệp nhà nước phải là “chỗ dựa”, phải hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển

Doanh nghiệp nhà nước đã không làm chức năng kinh doanh kiếm lợi, nhưng lại phải là “chỗ dựa” và phải hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển. Lý do là có nhiều việc khu vực kinh tế tư nhân không thể làm được, phải có các doanh nghiệp nhà nước hoạt động để làm chỗ dựa và hỗ trợ. Những ngành và lĩnh vực khu vực tư nhân không làm được, các doanh nghiệp nhà nước phải nắm giữ và trở thành chỗ dựa cho khu vực tư nhân.

Hoàn thiện chức năng của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước

Nhà nước có những chức năng chủ yếu sau đây đối với doanh nghiệp nhà nước: Nhà nước định ra các chiến lược và quy hoạch phát triển, các chính sách kinh tế trên các lĩnh vực… ; Nhà nước phải thực hiện chức năng người sở hữu đối với doanh nghiệp; Nhà nước phải thực hiện chức năng quản lý hành chính đối với doanh nghiệp nhà nước. Ba chức năng này đã quyết định cơ sở quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Các giải pháp chủ yếu để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Một là, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty theo hướng: Rút vốn ra khỏi những ngành và lĩnh vực không thuộc chức năng mà Nhà nước cần nắm giữ; Chuyển các tập đoàn kinh tế về hình thức tổng công ty chỉ kinh doanh đúng ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ.

Hai là, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có khả năng quản lý, phát triển các doanh nghiệp này một cách có hiệu quả. Nếu không tìm kiếm được những nhà đầu tư và giao cho họ quản lý doanh nghiệp nhà nước, mà quản lý doanh nghiệp nhà nước lại qua cổ phần hóa, rơi vào tay những người quản lý kém cỏi thì việc cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa.

Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp này. Sau khi doanh nghiệp được đổi mới kinh doanh có hiệu quả, phải đưa lên sàn chứng khoán, vì khi lên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp nhà nước này phải công khai các thông tin về hoạt động. Đồng thời, áp dụng chế độ quản lý doanh nghiệp hiện đại theo hướng: Chế độ pháp nhân doanh nghiệp, chế độ trách nhiệm hữu hạn, chế độ quản lý khoa học, công khai minh bạch.

Ba là, phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp tư nhân đủ sức thay thế doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Ưu đãi các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực cần khuyến khích với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, lãi suất khuyến khích, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

Vinh danh các nhà doanh nghiệp tài năng có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Bốn là, sửa đổi các luật kinh tế phù hợp với những nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Võ Đại Lược - Tiến sĩ Khoa học, Ủy viên Hội đồng tư vấn Kinh tế,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-van-de-va-giai-phap-56329.html