Tài chính Xanh: Trách nhiệm và cơ hội của ngân hàng

Các biến cố khí hậu nghiêm trọng còn là nỗi lo hàng đầu trong 2 năm, và thậm chí 10 năm tới...

Theo báo cáo “Global Risks Report 2024” của Tổ chức World Economic Forum (WEF), biến đổi khí hậu là một trong hai vấn đề nghiêm trọng nhất mà nhân loại đương đầu, bên cạnh rủi ro xung đột, căng thẳng về địa chính trị. Các biến cố khí hậu nghiêm trọng còn là nỗi lo hàng đầu trong 2 năm, và thậm chí 10 năm tới.

Vì vậy, vai trò của các định chế tài chính như ngân hàng rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn, tạo cầu nối. Thế nhưng, bên cạnh những trách nhiệm thì đó cũng là những cơ hội phát triển bền vững cho những ngân hàng biết nắm bắt tốt.

TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG TRONG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

COP28 ở Dubai đã có một quyết định mang tính lịch sử khi thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo. Tuy vậy vấn đề đầu tiên và muôn thuở là nguồn lực từ đâu để các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển hay kém phát triển thực hiện được các mục tiêu khí hậu của mình.

Tổ chức Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA) ước tính các nước Đông Nam Á cần khoảng 210 tỷ usd mỗi năm cho đến năm 2050 để đạt được các mục tiêu khí hậu đã đặt ra ở COP26. Chỉ riêng các khoảng tài chính hỗ trợ (concessional financing) cũng cần khoảng 9 tỷ usd mỗi năm cho đến giai đoạn 2031-2035 để huy động được các nguồn lực tài chính tư nhân cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero).

Là một nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, các ngân hàng tích cực tham gia một phần là vì trách nhiệm với xã hội thông qua trụ cột Môi trường (E) của khung đánh giá ESG, một phần là vì lợi ích của chính mình.

Các nguồn tài chính cho phát triển xanh gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn từ khu vực tư cho nên các cơ chế blended (blended financing) trong đó nổi bật nhất là các quỹ xúc tác (catalytic funds) giữ vai trò rất quan trọng. Các quỹ này đến từ các nguồn lực công, các quỹ thiện nguyện (foundations) để sẵn sàng gánh chịu những tổn thất ban đầu của dự án trong trường hợp thất bại. Các ngân hàng thường có nguồn quỹ để thực hiện vai trò mạnh thường quân (donors) và nếu là ngân hàng có nguồn vốn từ nhà nước (SOE) thì việc thực hiện có phần thuận lợi hơn.

PGS.TS Võ Đình Trí, Giảng viên IPAG Business School (Paris) và Đại học Kinh tế Tp.HCM (UEH).

Việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án, ưu tiên hơn cho các dự án gắn với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh cũng là cách mà các ngân hàng thực hiện trách nhiệm hay cam kết của mình. Có một số ngân hàng với đặc thù của mình về địa bàn, tệp khách hàng thì việc ưu tiên nguồn vốn vừa kết hợp với trách nhiệm với kinh doanh được sử dụng như một dạng đòn bẩy.

Một ví dụ nổi bật là Agribank ở Việt nam, với đặc thù là một ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính cho nông nghiệp, nông thôn. Trong suốt hành trình 36 năm lớn mạnh cùng đất nước, phát triển bền vững tại Agribank không phải hành động theo xu thế mà là sự tích lũy và phát triển cho chiến lược dài hạn. Ý thức được từ rất sớm về tầm quan trọng của tính bền vững trong hoạt động đầu tư cho nền kinh tế, ngân hàng này đã tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội ngay từ những ngày đầu thành lập.

Xác định việc cung ứng vốn và dịch vụ tài chính hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm.

Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên...

Tiếp nối những điểm sáng trên các trụ cột về ESG đã thực hiện được trong nhiều năm qua, năm 2023, Agribank tuyên bố cam kết chính thức triển khai ESG theo chuẩn quốc tế. Đến nay, Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG gồm các nhân sự cấp cao và đội ngũ chuyên môn nhằm nghiên cứu triển khai thực hành quản lí ESG đồng bộ, hiệu quả trong mọi mặt hoạt động.

NHỮNG CƠ HỘI ĐẾN TỪ THÁCH THỨC

Song song với việc thực hiện trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn tài chính xanh thì ngân hàng cũng xem đây là vì lợi ích của chính mình. Bởi vì trong trường hợp bên nhận vốn vay có những rủi ro (exposure) liên quan đến biến đổi khí hậu thì việc giám sát đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay là một phần việc quan trọng của ngân hàng. Những tổn thất về cơ sở hạ tầng, những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, thu hồi vốn vay cũng như là nhu cầu vốn để mở rộng phát triển.

Những thách thức còn ở những khách hàng lớn truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi xanh. Việc chuyển đổi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả tài chính và nếu trong trường hợp bên đi vay không có lợi nhuận và không tìm được nguồn vốn khác thì ngân hàng cũng đành phải nương theo để tránh ghi nhận kết quả xấu trên bảng cân đối tài sản của mình.

Nhưng cơ hội sẽ luôn có và đi cùng với quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Khi nhận thức của khách hàng về vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng tăng thì ngân hàng nào sớm định vị cho mình là người dẫn đầu sẽ chiếm được thị phần quan trọng. Các sản phẩm tài chính được cung cấp bởi ngân hàng được thiết kế gắn với vấn đề biến đổi khí hậu là một hướng đi tiên phong, chẳng hạn như các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư. Lấy ví dụ nhưng một sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, và nguồn vốn huy động được chỉ dành riêng cho các dự án xanh, hay một chủ đề cụ thể nào đó.

Một khảo sát của McKinsey với người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng ở Hoa Kỳ cho thấy có đến 40% người được khảo sát chấp nhận mức lãi tiết kiệm hàng năm (APY) thấp hơn 20% ở tài khoản tiết kiệm xanh so với tài khoản tiết kiệm thông thường. Ví dụ tiết kiệm thông thường là 7%/năm thì tiết kiệm xanh có thể được chấp nhận ở 5,6%.

DÁM HÀNH ĐỘNG, DÁM TIÊN PHONG

Những hành động để ứng phó với rủi ro lớn biến đổi khí hậu cần có ở phạm vi toàn cầu, khu vực, quốc gia, và địa phương. Các hành động cần nhanh và hiệu quả bởi vì theo ước tính của ngân hàng ADB, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho GDP của các nước Đông Nam Á lên đến 11% vào cuối thế kỷ này, trong khi Swiss Re còn bi quan hơn với thiệt hại lên đến 37%.

Một số ngân hàng thương mại trên thế giới đã chủ động, tích cực tham gia vào tài chính xanh, không chỉ trong việc cung cấp nguồn vốn mà còn cùng với khách hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro, ứng phó với các rủi ro biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận trong việc đồng hành với khách hàng cũng thay đổi từ cầu sang cung, nghĩa là hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án tạo ra sản phẩm, giải pháp công nghệ thay vì tập trung vào nhu cầu của thị trường.

Mong rằng nhiều ngân hàng ở Việt nam cũng thấy được rõ hơn vai trò, trách nhiệm lớn lao của mình, cũng như những thách thức và cơ hội trong một giai đoạn được cho là “turning point” của thế giới. Tích cực hơn trong việc phát triển các quỹ xúc tác, các chương trình cung cấp vốn hay các sản phẩm dịch vụ có gắn liền với phát triển xanh.

PGS. TS. Võ Đình Trí *

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tai-chinh-xanh-trach-nhiem-va-co-hoi-cua-ngan-hang.htm