Tài chính tuần qua: Hàng loạt sếp ngân hàng bị khởi tố trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê

Cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố đối với hàng loạt bị can nguyên là cán bộ ngân hàng và giám đốc doanh nghiệp liên quan đến vụ án Trầm Bê và Phạm Công Danh.

Ảnh minh họa.

Khởi tố nhiều cán bộ ngân hàng trong vụ án Trầm Bê và Phạm Công Danh

Liên quan vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), nguồn tin Thanh Niên ngày 10.8 cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố đối với hàng loạt bị can nguyên là cán bộ ngân hàng và giám đốc doanh nghiệp.

Cụ thể, ngoài bị can Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank; Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khởi tố bị can đối các cựu nhân viên TPBank gồm Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường, Đỗ Việt Bun; Nguyễn Việt Hà - Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt; Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhân viên Quỹ Lộc Việt; Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định; Nguyễn Vũ Bảo và Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên cán bộ và nguyên trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định. (Xem tiếp)

Ông Trầm Bê đã vào “tầm ngắm” từ lâu

Theo tìm hiểu của PV, thực ra ông Trầm Bê đã vào “tầm ngắm” của Cơ quan điều tra từ năm 2015. Vào tháng 11/2015, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký một bản kết luận điều tra.

Theo đó, liên quan tới việc rút tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thông qua Sacombank, VNCB bị thiệt hại 1.940 tỷ đồng. Kết luận cũng cho rằng hành vi này có liên quan tới trách nhiệm của ông Trầm Bê.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã quyết định tách ra vụ án hình sự để tiếp tục điều tra trên cơ sở của Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự. (Xem tiếp)

Tình hình nợ xấu ngân hàng ra sao trong 6 tháng đầu năm 2017?

Thống kê 12 ngân hàng đã công bố BCTC bán niên (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank) cho thấy, tổng nợ xấu ở mức hơn 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm.

Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, VIB, Techcombank và NCB.

Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 5,8%, lên gần 31,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,5% nợ xấu. 9/12 ngân hàng có tỷ lệ nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietcombank, BIDV, Eximbank, MB, SHB, VPBank, VIB, Techcombank và NCB. (Xem tiếp)

Chốt ngày xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng Oceanbank

Ngày 7/8, Tòa án Hà Nội cho biết, đã lên lịch xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Theo đó, phiên tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án bắt đầu từ 28/8. Dự kiến phiên tòa sơ thẩm lần này kéo dài trong 20 ngày.

Trước đó, VKS Tối cao đã truy tố Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Oceanbank cùng 51 bị can 4 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. (Xem tiếp)

“Sóng ngầm” nhân sự cấp cao tại ba ngân hàng

Mới đây, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - mã EIB) đã công bố thông tin miễn nhiệm cùng lúc 8 Phó tổng giám đốc gây xôn xao thị trường.

Từ con số 15 thành viên trong Ban Tổng giám đốc giảm xuống còn 7 thành viên, trong đó có một Phó tổng giám đốc mới bổ nhiệm là ông Võ Quang Hiển, người được cất nhắc từ vị trí Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn của ngân hàng này.

05 thành viên nguyên là Phó tổng giám đốc được điều chuyển sang vị trí mới là Giám đốc cấp cao; 04 thành viên bị miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc, gồm: Nguyễn Quốc Hương, Lê Hải Lâm, Bùi Đỗ Bích Vân, Nguyễn Quang Triết được chấp thuận cho nghỉ việc theo nguyện vọng. (Xem tiếp)

Tổng cục Cảnh sát: Không có việc đã bắt ông Trần Bắc Hà

Trưa ngày 9/8, trao đổi qua điện thoại với báo chí, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã bác thông tin đã bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về thông tin bắt giữ trên, vị này khẳng định "Làm gì có, không có. Đây là tin đồn thôi”.

Trong khi đó, trả lời trên Zing.vn vào sáng ngày 9/8, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết ông vẫn bình thường. Ông Trần Bắc Hà chia sẻ ngắn gọn và cho biết không muốn nói nhiều chuyện hơn vào lúc này. (Xem tiếp)

Đại án Phạm Công Danh: 4.700 tỷ đồng vay từ BIDV đã đi đâu?

Theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra, do cần tiền để chứng minh năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt và cần tiền để Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ vay cũ, Phạm Công Danh đã thành lập 12 công ty đứng tên vay vốn BIDV theo phương án kinh doanh khống là bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).

Phạm Công Danh đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo BIDV và việc BIDV được NHNN giao làm đầu mối triển khai gói "4 nhà" (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng) để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải phóng VLXD.

Đồng thời lợi dụng thỏa thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV với nội dung: "BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách ngân hàng của người bán, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này" để đề nghị BIDV xem xét cấp hạn mức cho vay 12 công ty do VNCB giới thiệu. Đây cũng là 12 công ty do Doanh thành lập. (Xem tiếp)

Những nét chấm phá bức tranh ngành ngân hàng nửa đầu năm 2017

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) còn tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,54%. Còn theo báo cáo mới nhất của Thống đốc NHNN, đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng đến 9,06%, mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Còn theo khảo sát của BizLIVE, có tới 8/12 ngân hàng (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MB, SHB, VPBank và VIB) có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 10% trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 3 ngân hàng có tăng trưởng tín dụng dưới 10% bao gồm Sacombank (9,9%), NCB (8,77%) và Eximbank (3,29%). Techcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm khảo sát có tăng trưởng tín dụng âm trong kỳ (-7,52%). (Xem tiếp)

Lập “hàng rào” chống rủi ro, khủng hoảng ngân hàng

Nâng cao giám sát, phát hiện rủi ro, phòng chống khủng hoảng là những lưu ý của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 08/2017/TT-NHNN vừa ban hành quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nhiều vụ việc vi phạm ngành ngân hàng xảy ra thời gian qua cho thấy muốn hạn chế tối đa những sai phạm, cách tốt nhất là tăng cường giám sát và phòng chống phát hiện những rủi ro có thể xảy ra. Đó cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước quyết định xây dựng "hàng rào" cảnh báo và phòng chống an toàn.

Mới đây, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng từng cho biết, thời gian qua thông qua công tác thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra. (Xem tiếp)

Nghị quyết 42 có hiệu lực: Ai sẽ là chủ nhân của 230.000 tỷ đồng nợ xấu?

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc Hội, cho biết tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập (M&A) 2017, sau hơn 3,5 năm thực hiện xử lý nợ xâúcủa các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua Công ty Quản lý Tài sản quốc gia (VAMC) đã mua được hơn 280.000 tỷ đồng nợ xấu, với hơn 42.000 món nợ của gần 50 TCTD.

Thực tế, kết quả xử lý nợ xấu đến nay được 50.000 tỷ đồng, chiếm 15% nợ xấu đã mua vì có quá nhiều rào cản về xử lý tài sản đảm bảo. Thực chất nợ xấu vẫn nằm ở ngân hàng.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) vừa được Quốc Hội thông qua, bắt đầu thực thi từ ngày 15/8/2017 (hiệu lực trong 5 năm), có nội dung cơ bản là xử lý tài sản đảm bảo giữa người vay và người cho vay, trong đó người cho vay có quyền xử lý tài sản đảm bảo nếu bên vay không hợp tác xử lý nợ xấu... (Xem tiếp)

Lộ diện những đại gia nghìn tỷ ở ngân hàng VPBank

Ngày 17/8 tới, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBanksẽ chính thức chào sàn HoSE. Với giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị vốn hóa của VPBank sẽ đạt khoảng gần 52 nghìn tỷ đồng.

Theo Bản cáo bạch, hiện VPBank không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn. Cổ đông tổ chức trong nước nắm tổng cộng 23,48% vốn còn cổ đông cá nhân giữ 48,87%. Cổ đông ngoại của ngân hàng không có nhà đầu tư cá nhân mà có 78 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng 22,34% vốn ngân hàng.

Về cổ đông nội bộ, VPBank không có nhiều lãnh đạo nắm cổ phần công ty, tuy nhiên, những người nắm giữ thì lại sở hữu số cổ phần khá lớn. (Xem tiếp)

Vì sao tỷ giá USD/VND chưa… bùng?

Đến thời điểm này, tròn một tháng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu và duy trì ở mức rất thấp. Song song, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định.

Dù chỉ là một yếu tố liên quan, nhưng diễn biến lãi suất VND giảm xuống rất thấp trong một tháng qua trên thị trường liên ngân hàng gợi nhớ lại một trong những nguyên do khiến tỷ giá USD/VND bùng lên đột biến 2,5% chỉ trong chưa đầy hai tuần tháng 11/2016.

Nửa cuối tháng 11/2016, tỷ giá USD/VND tạo một “cú sốc” sau quãng ổn định trước đó. Có nguyên do từ việc tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, do nhu cầu ngoại tệ tăng cao vào thời điểm cuối năm, nhưng cũng do một số nguyên nhân nội tại. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-hang-loat-sep-ngan-hang-bi-khoi-to-trong-vu-an-pham-cong-danh-tram-be-3072384.html