Tài chính quan trọng như thế nào?

Chúng ta thấy tài chính ở mọi nơi, từ những tài sản đầu tư trong danh mục lương hưu đến những khoản đầu tư của chúng ta vào nhà ở và giáo dục.

Hơn hết, tham vọng lớn nhất của cuốn sách này là làm cho tài chính trở nên tốt đẹp hơn bằng cách tìm lại những giá trị nhân văn gắn với những khái niệm cốt lõi của tài chính. Việc bôi đen giới tài chính chỉ tổ phản tác dụng, còn các khuôn khổ luật lệ cũng chỉ có triển vọng hạn chế trong việc ngăn cho tài chính khỏi trở thành một ngành chuyên bòn rút giá trị thay vì kiến tạo giá trị.

Chúng ta sẽ đều có thể tìm lại con đường đi về phía một nghề nghiệp cao quý hơn nếu chúng ta trao một sức sống mới cho những khái niệm trong tài chính, thông qua những câu chuyện vốn sẽ soi sáng lên cuộc đời và sự nghiệp của ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Cuộc tranh luận rộng khắp về tài chính đối lập với nền kinh tế thực (Wall Street vs. Main Street) đã phản chiếu một cái nhìn phổ biến rằng tài chính là một lĩnh vực lấy đi nhiều giá trị từ nền kinh tế hơn là tạo ra giá trị. Cùng lúc đó, người ta càng ngày càng nhận ra rằng tài chính chiếm một vị trí trung tâm như thế nào trong nền kinh tế và cuộc sống của mỗi người.

Chúng ta thấy tài chính ở mọi nơi, từ những tài sản đầu tư trong danh mục lương hưu đến những khoản đầu tư của chúng ta vào nhà ở và giáo dục. Sự kết hợp của nghi ngờ sâu sắc và trí tò mò lại còn rối rắm thêm bởi mức độ phức tạp bao quanh môn tài chính - hàng đống chữ viết tắt có thể làm tê liệt tâm trí, hay những công thức lẫn bảng tính đều có thể đóng vai trò là hàng rào ngăn cản sự thấu hiểu thế giới của ngành tài chính.

Với những người làm trong ngành tài chính, điều này tạo ra một số vấn đề. Họ cần phải giải thích và biện minh cho những gì mình làm một cách rõ ràng hơn để có thể để giành lại được sự tín nhiệm. Họ cần phải làm sao cho những gì mình làm thật sự là kiến tạo ra giá trị.

Cá nhân hơn, làm việc trong một ngành nghề có mức tín nhiệm thấp như vậy sẽ có thể gây ảnh hưởng xấu lên chính bản thân họ. Khi mà sự kỳ vọng đã ở mức thấp như vậy rồi, một kẻ hành nghề tài chính chẳng có gì nhiều mong mỏi khao khát, và điều đó tạo ra một vòng xoáy tiêu cực của kỳ vọng thấp và hành vi xấu.

Chúng ta phải làm sao để dọn đường cho các ý tưởng của ngành tài chính đến với mọi người, để họ tiếp cận các ý tưởng đó một cách tích cực? Làm sao chúng ta có thể khôi phục lại những giá trị cao đẹp của tài chính, sao cho nghề tài chính cũng theo đó mà tốt đẹp hơn?

Cuốn sách này có một quan điểm khác lạ rằng: nếu tài chính được xem xét dưới góc độ của các ngành khoa học nhân văn, điều đó sẽ giúp chúng ta phục hồi các giá trị nhân văn cho tài chính. Những vấn đề được tài chính giải quyết, cũng như vẻ đẹp trong cách tài chính tiếp cận vấn đề, sẽ được chúng ta thấu hiểu một cách hiệu quả nhất bằng cách gắn yếu tố tài chính vào những câu chuyện trong cuộc sống của chính mình.

Vượt lên khỏi các khuôn khổ pháp lý hay cả sự bất bình, để làm cho tài chính trở nên tốt đẹp hơn thì những người trong ngành cần phải quay về với những ý tưởng và lý tưởng cốt lõi của tài chính.

Điều này sẽ giúp họ đảm bảo rằng mình đang tạo ra giá trị chứ không phải bòn rút giá trị. Bằng việc kết nối những ý tưởng trọng tâm này đến văn học, lịch sử và triết học, chúng ta trao cho họ một sự cộng hưởng sâu đậm hơn và khiến mỗi người có sức chống chịu tốt hơn trước những cám dỗ.

Mihir A. Desai/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-chinh-quan-trong-nhu-the-nao-post1459283.html