Tài chính: Người khổng lồ xuất hiện

Ngành tài chính lớn mạnh và tăng trưởng từ lâu được xem là chỉ báo thành công của Anh và Mỹ.

Nếu hệ thống tài chính của Anh vẫn phát triển hậu Brexit, theo như kế hoạch, nó sẽ không chỉ dừng lại ở mức 10 lần GDP, mà sẽ là 15 đến 20 lần GDP sau 25 năm.

Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Anh, 3/8/2017

Ngành tài chính lớn mạnh và tăng trưởng từ lâu được xem là chỉ báo thành công của Anh và Mỹ, góp công huy động tư bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xuất khẩu tại một thời điểm mà sản xuất và nông nghiệp đã suy giảm theo hướng nhập khẩu ròng.

Trong những năm 1990, mở rộng ngành tài chính tương xứng trở thành tham vọng của các quốc gia muốn đi theo con đường phát triển của những quốc gia công nghiệp sớm này, và giảm thiểu lệ thuộc vào nhập khẩu tư bản và dịch vụ từ các “trung tâm tài chính” của thế giới đặt tại Anh và Mỹ.

Đằng sau sự mở rộng này là niềm tin rằng đất nước được hưởng lợi từ ngành tài chính ngày càng lớn mạnh, xét trên đóng góp ngày càng tăng cho GDP và xuất khẩu, khi mà tổng tài sản ngành tài chính (tiền vay, vốn chủ sở hữu, trái phiếu và phái sinh) trở nên lớn hơn nhiều lần so với GDP.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Tuy nhiên, thái độ tán thưởng đối với ngành tài chính của các nhà lãnh đạo chính trị và chuyên gia ngân hàng không được các nhà kinh tế học đồng loạt hưởng ứng. Nó đối lập với trải nghiệm phổ biến của nhà đầu tư kinh doanh và hộ gia đình; với những người này thì việc kiểm soát dòng tiền của các thể chế tài chính dường như chỉ để đảm bảo chính họ được thịnh vượng thay vì hỗ trợ cho khách hàng.

Và đối với những người không có khoản của cải khổng lồ và nhiều người có “tài sản cần được quản lý”, khái niệm tài chính mang lại giá trị cộng thêm dường như là tiếng chuông sáo rỗng ngân lên trong bóng đêm kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu từ năm 2008.

Thực trạng này khiến các chính phủ trên thế giới phải nhảy vào cứu vớt các ngân hàng lớn khi mà “giá trị ròng” của họ hóa ra chỉ là ảo; những trường hợp cứu giúp này vẫn còn để lại gánh nặng chi phí cho xã hội dù đã qua 10 năm, thể hiện qua khoản ngân sách công bị bóp nghẹt, nợ của hộ gia đình, và lợi tức thực âm đối với người gửi tiết kiệm.

Nhưng trong phần lớn lịch sử nhân loại gần đây, đối nghịch với sự hào hứng hiện xem tăng trưởng trong ngành tài chính là chỉ báo của thịnh vượng, ngân hàng và thị trường tài chính từ lâu vẫn bị xem là chi phí trong hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận của họ phản ảnh giá trị cộng thêm chỉ trong khía cạnh cải thiện sự phân bổ nguồn lực của quốc gia, và tài trợ chéo một hệ thống chi trả đáng tin cậy. Những lần khủng hoảng tài chính lặp lại đã phơi bày việc họ thường xuyên ném nguồn lực vào những hướng phi sản xuất (về căn bản là vào những mảng khác trong lĩnh vực tài chính), và do đó làm gián đoạn dòng chảy của tiền và hàng hóa trong nền kinh tế thực.

Các hoạt động tài chính phát triển mạnh nhất từ 1980-2008 là quản lý tài sản (giúp cho một nhóm người đã có thu nhập đủ để tiết kiệm kiếm thêm tiền nhờ đầu tư vào các tài sản tài chính có tính thanh khoản) và cho vay đến hộ gia đình, thay vì đến doanh nghiệp.

Mariana Mazzucato/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-chinh-nguoi-khong-lo-xuat-hien-post1461976.html