Tài chính 24h: Vì sao lãi suất của Việt Nam cao hơn khu vực?

Thống đốc cho rằng, một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định,..

Thống đốc Lê Minh Hưng: Lãi suất vẫn ở mức tương đối hợp lý

Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng ,... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD.

“Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nói. ( Xem tiếp)

Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 4/2017 đạt 5,76%

Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

"Về tín dụng trung-dài hạn, hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53-55% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 13-15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ thi trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng”, Thống đốc cho biết. (Xem tiếp)

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho BIDV phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu

Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận phương án phát hành trái phiếu năm 2017 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID).

Theo đó, BIDV được phép phát hành trái phiếu tối đa 20.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Lãi suất trái phiếu do Ngân hàng BIDV quyết định phù hợp với lãi suất thị trường và quy định hiện hành về lãi suất của NHNN trong từng thời kỳ, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho BIDV.

Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối tượng mua trái phiếu do BIDV phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng. (Xem tiếp)

Giá vàng SJC giao dịch lình xình bất chấp vàng thế giới tăng mạnh

Khảo sát lúc 8h50 sáng nay (17/5), giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ở mức 36,45-36,65 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua.

Chênh lệch giá mua - bán vẫn ở mức mức 200 nghìn đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tại công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được niêm yết ở mức 36,53 - 36,58 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 10 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-vi-sao-lai-suat-cua-viet-nam-cao-hon-khu-vuc-2775729.html