Tạc vào núi sông hình ảnh bộ đội Điện Biên kéo pháo

Tượng đài Kéo Pháo được tạc bằng đá sừng sững ngay ven tuyến đường độc đạo từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La lên TP Điện Biên Phủ như 'tạc lên nền trời xanh', tạc vào sông núi Điện Biên hình ảnh những người lính 70 năm về trước. Đây là hình ảnh mô phỏng cảnh trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện (quê tỉnh Thanh Hóa) đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ đầu năm 1954.

Tượng đài nằm trên triền Bó Hôm, thuộc xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ - là trong 45 điểm thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Cụm tượng đài dài 24m, rộng 8m, cao 12,5m, nặng 1.200 tấn - phác họa 29 nhân vật trong tư thế kéo khẩu pháo 105 ly ngược dốc. Theo các tư liệu lịch sử, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy kéo pháo do đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy đã cho kéo thử mỗi loại một khẩu để rút kinh nghiệm trước. Phương án được đưa ra sau đó là ta quyết định dùng xe vận tải kéo pháo vào gần bản Nà Nhạn dừng lại cắt pháo ra khỏi xe, rồi dùng sức người kéo pháo vào những trận địa trên quãng đường dài từ 10 đến 15 km qua các đồi núi.

Đường kéo pháo thường được mở rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn qua đỉnh núi cao nhất là 1.150 m tương đương với độ nghiêng 40 đến 60 độ.

Tháng 1/1954, để tiếp cận các cứ điểm của địch, Tiểu đoàn 394 được lệnh để lại xe cơ giới, kéo pháo bằng sức người vào lòng chảo Mường Thanh. Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, để kéo được vào trận địa phải cần 80-100 người. Bảo đảm bí mật, việc kéo pháo tiến hành trong đêm. Vất vả lắm nhưng bộ đội cũng chỉ kéo được khẩu pháo dịch chuyển hơn 1km trong đêm. Sau gần 10 đêm, hàng chục khẩu pháo đã được kéo vào trận địa.

Ngày 1/2/1954, tức đêm 29 Tết Giáp Ngọ, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394 của anh Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến Dốc Chuối, đường hẹp, bên núi cao bên vực sâu, có đoạn dốc dựng đứng 60 độ. Trời mưa phùn, tối như bưng, pháo xuống dốc thận trọng nhưng dây tời hãm bị đứt, pháo bắt đầu lao. Lúc đó anh Tô Vĩnh Diện điều khiển càng pháo để định hướng rồi lao mình chèn để cứu pháo.

Vị trí Anh hùng Tô Vĩnh Diện hi sinh được xác định thuộc sườn núi bên kia của di tích kéo pháo này. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tượng đài Kéo Pháo được xây dựng ngay ven tuyến đường lớn độc đạo lên Điện Biên Phủ nên du khách gần xa dễ dàng quan sát. Trước tượng đài là dòng Nậm Rốm thơ mộng, nước chảy trong xanh quanh năm. Nơi đây cách TP Điện Biên phủ gần 20 km đường quanh co, song tính theo đường chim bay thì chỉ cách các cứ điểm quân Pháp đóng quân như Hầm Đờ Cát, Sân bay Mường Thanh, Đồi A1... khoảng 10 km.

Những ngày tháng 5 lịch sử, hoa ban đặc trưng Tây Bắc vẫn bung nở quanh cụm tượng đài ý nghĩa này.

Quan sát gần, khối tượng có nhiều mảng đường nét khỏe khoắn, thanh thoát, mô tả tán cây xum xuê, dây leo chằng chịt, thể hiện sự nguyên sơ của núi rừng che chở bộ đội.

Kéo pháo thành công vào trận địa trên những triền núi cao để đồng loạt hướng bắn vào các cứ điểm quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gây bất ngờ cho địch, trở thành chiến thuật độc đáo và sáng tạo trong lịch sử quân sự thế giới.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tac-vao-nui-song-hinh-anh-bo-doi-dien-bien-keo-phao-30970.htm