Tác hại của bóng cười – chất kích thích mới khiến giới trẻ "phát cuồng"

Hết nạn shisha, đến tem lưỡi và giờ đây là thú vui nhí nhảnh “bóng cười”, nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng khi lần đầu nghe tới cái tên lạ đang được nhiều bạn trẻ thủ đô ưa chuộng này.

“Bóng cười” là gì?

Theo các chuyên gia điều trị nghiện chất - Đại học Y Hà Nội thì funkyball hay còn gọi là “ bóng cười ” là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). Ở một số nước châu Âu, đây là chất kích thích được bán hợp pháp tại các bar, hộp đêm.

Bóng cười thường được dùng để mở đầu cuộc vui.

Người chơi dùng miệng ngậm vào đầu bóng, hít ngược khí trong bóng vào phổi, rồi thổi ngược lại cho quả bóng to lên. Làm bốn, năm lần như vậy cho đến khi bóng xẹp, hoặc cảm thấy “đủ” phê, sẽ nổ những tràng cười vô thức - cười ảo. Nó thường được dùng cho mở đầu cuộc chơi để tạo “không khí”.

Nguồn gốc và sự tiêu thụ “bóng cười”

Theo thông tin do báo An Ninh Thủ Đô cung cấp thì “bóng cười” du nhập vào Việt Nam bằng con đường du lịch của Tây balô. Tại các bar, karaoke, cà phê... bóng cười rất được giới trẻ ưa chuộng bởi tính giải trí, thư giãn, gây cười, cảm giác “phê”, nghe nhạc phiêu hơn, và đặc biệt không bị cấm (??) với giá bán khoảng 50.000 vnd/quả.

Các bạn trẻ rất ưa chuộng "bóng cười".

Chỉ sau một thời gian ngắn có mặt ở nước ta, sự tiêu thụ bóng cười trở thành trào lưu hót khiến nhiều đại lý kinh doanh nội địa “mọc lên”. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “dịch vụ bán bóng cười” là có thể tìm thấy rất nhiều trang rao vặt chào bán loại hàng này.

Được biết mỗi kilogram khí cười có thể bơm được 60-70 quả bóng có giá bán là 1 triệu đồng. Như vậy với siêu lợi nhuận lại không bị cấm như vậy, các chủ quán ra sức quảng cáo và truyền bá thú vui mới này cho các “khách hàng”.

Tại Hà Nội, nhiều quán bar trong khu phố cổ, trên các tuyến phố như: Mã Mây, Hàng Thùng, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân… đều có thể thoải mái cung cấp bóng cười cho khách hàng khi được yêu cầu.

PV Tri thức trực tuyến đã thâm nhập và nhận thấy các bạn trẻ coi bóng cười là thú vui vô hại. Còn người bán thì lí luận rằng không bị cấm thì cũng không làm sao. Chị L.G. (28 tuổi) - chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội nói: .

Tác hại của “bóng cười” ngang với “đập đá”

Tri thức trực tuyến đăng phần giải thích GS.TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội về “bóng cười” cho hay loại khí trong bóng cười là N2O, thường được sử dụng trong y tế với mục đích gây mê không mất tri giác.

GS.TS Trần Hồng Côn, ĐH Quốc Gia Hà Nội khẳng định bóng cười rất hại cho sức khỏe.

Ở nồng độ thấp, N2O kích hoạt trung tâm gây cười trong não. Khí này khi hít vào cơ thể sẽ tan vào máu, tác động đến thần kinh, gây cười.

“Ở nước ngoài, người ta vẫn sử dụng loại khí gây cười này, tuy nhiên nó được kiểm soát về nồng độ và tỷ lệ rất nghiêm ngặt. Ở Việt Nam, loại khí gây cười chưa được kiểm soát chặt chẽ", ông Côn nói.

Cũng theo PGS.TS Hồng Côn, những người có bệnh tim mạch, hô hấp, nhạy cảm về thần kinh không nên sử dụng bóng cười, bởi dễ bị sốc và ảnh hưởng hoạt động của tim. Ngoài ra, khí N2O có thể bị pha lẫn NO, NO2 rất có hại cho cơ thể.

Ông Côn cho biết chưa có thống kê trường hợp nào ở Việt Nam phải nhập viện vì bóng cười nhưng trên thế giới một số bệnh nhân bị sốc tim do sử dụng loại bóng này.

Bác sĩ Trần Chí Thành - khoa Ung bướu, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa - khuyến cáo sử dụng N2O quá nhiều gây giãn mạch máu, có hại cho tim mạch và hệ thần kinh.

"Thực tế, việc sử dụng N2O lâu dài nguy hiểm không kém đập đá , nhưng hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể về chất này nên chưa kết luận chính xác được", bác sĩ Thành cho biết.

MINH MINH (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tac-hai-cua-bong-cuoi-chat-kich-thich-moi-khien-gioi-tre-phat-cuong-a166342.html