Tác gia và tác giả

* Trong một buổi cà phê bàn về chuyện sáng tác, mấy người bạn tỏ ý không đồng nhất cách hiểu về hai từ tác gia và tác giả. Rất mong quý báo nói rõ thêm (Trương Hồng Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Theo Từ điển tiếng Việt trực tuyến tại địa chỉ tratu.soha.vn (cơ quan chủ quản: Công ty CP Truyền thông Việt Nam) thì Tác gia (danh từ) là tác giả lớn, có tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội. Ví dụ: Các tác gia kinh điển. Trong khi đó, Tác giả (danh từ) là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nào đó. Ví dụ: Tác giả của Truyện Kiều là Nguyễn Du.

Nguyễn Du là tác giả của Truyền Kiều. Ảnh:ST

Từ điển tiếng Việt informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict của Hồ Ngọc Đức giảng, tác gia là Người làm ra tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật nói chung. Ví dụ: Lược truyện các tác gia Việt Nam. Tác giả là người đã làm ra, sáng tác ra một công trình nghệ thuật. Tác giả Truyện Kiều là Nguyễn Du.

Tuy nhiên Tự điển Hán Nôm (có thể tra trực tuyến tại hvdic.thivien.net) lại giảng với một nét nghĩa có khác. Theo đó, tác giả [作者] là “Người có thành tựu lớn lao về một nghệ nghiệp”; “Người sáng tác (thi ca, văn chương hoặc nghệ thuật phẩm)”. Đặc biệt, từ điển này giảng tác giả [作者] cũng gọi là tác gia [作家].

Tác gia hay tác giả đều là từ Hán Việt. Tác giả, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích là “Người làm ra bài văn, pho sách, hoặc công nghiệp gì”. Ở đây, chữ Tác [作] có nghĩa là làm ra, tạo ra. Tác gia, theo Tự điển Từ nguyên của cụ Bửu Kế, chữ Gia [家] ngoài nghĩa là “nhà”, còn có nghĩa khác là “chỉ người chuyên môn về một ngành nào đó”. Ví dụ: Sử gia, luật gia, khoa học gia...

Như vậy, muốn nói về người sáng tác thì phải gọi là Giả. Ví dụ Học giả, Hiền giả (theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh). Còn khi muốn nói đến một người chuyên môn về một ngành nào đó thì gọi là Giả (theo Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế). Tác giả là danh từ gọi chung cho người sáng tác, không phân biệt sáng tác nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Trong khi đó, Tác gia là danh từ chỉ người sáng tác chuyên nghiệp.

“Tác giả” đã quá quen thuộc, vì có sẵn trong các từ điển của Việt Nam, còn từ “Tác gia” thì hơi lạ lẫm. Từ điển Hán Việt của các tác giả Đào Duy Anh, Thiều Chửu và Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế chỉ có từ “tác giả” chứ không có “tác gia”.

“Tác gia” xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển có lẽ là vào năm 1982, khi NXB Văn hóa cho ra đời cuốn “Từ điển tác gia văn học và sân khấu nước ngoài” (Hữu Ngọc chủ biên; Hoàng Nam, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Đức Đàn biên soạn). Có một điều lạ lùng là, tên sách ghi “tác gia” nhưng ở phần giới thiệu của Thư viện - Trường Đại học Khánh Hòa về từ điển này lại ghi “khoảng 2.000 tác giả (ĐNCT nhấn mạnh) văn học và sân khấu tiêu biểu trong dĩ vãng và hiện tại thuộc khoảng 100 nước và dân tộc trên thế giới”!

Trong sách “Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả” (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000), tác giả Phan Ngọc phân biệt Gia và Giả như sau:

- Gia chỉ người làm công việc chuyên môn và sống bằng nghề đó như nông gia, luật gia, phi hành gia, thương gia.

- Giả chỉ người làm một công việc trong một thời hạn nào đó. Sứ giả chẳng hạn. Đi sứ không phải là một nghề, chỉ làm sứ giả trong chuyến đi đó mà thôi. Học cũng không phải là một nghề, không ai sống bằng chuyện học cả nên chỉ có học giả chứ không có học gia.

ĐNCT

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/tac-gia-va-tac-gia-3969719/