Tác giả Trung Nghĩa: 'Việc đọc sách cũng giống như yêu'

Tác giả, nhà báo Trung Nghĩa có những chia sẻ xoay quanh tác phẩm Đọc sách cũng như yêu được ra mắt trong khuôn khổ chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024.

Đọc sách cũng giống như nuôi dưỡng tình yêu

Nhà văn Trung Nghĩa dành tình yêu lớn với sách, báo và dành nhiều thời gian nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến văn hóa đọc trong thời đại số. Tác giả, nhà báo Trung Nghĩa là Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh 2023-2024.

Tác phẩm dày 224 trang, được in trang nhã 2 màu, ra đời nhằm góp phần tôn vinh những bạn đọc, người sáng tác, xuất bản có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc cộng đồng; giới thiệu những cuốn sách hay, giá trị đã được xuất bản trong và ngoài nước.

Tác giả Trung Nghĩa cho biết: "Những quyển sách hay, giá trị cần được tôn vinh và quảng bá rộng rãi bằng nhiều hình thức. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong đời sống, ích lợi của sách đối với mỗi cá nhân. Sẽ thật đáng tiếc nếu những quyển sách hay, giá trị không được giới thiệu, không được biết đến rộng rãi.

Ngược lại nếu có những kênh giới thiệu nêu những thông tin, thông diệp từ sách, có thể giúp cho mọi người biết cuốn sách đó có cần thiết cho mình hay không để chọn mua, chọn đọc, chọn nghiền ngẫm và ứng dụng. Việc quảng bá sách hay, giá trị góp phần quan trọng khuyến khích mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hình thành thói quen đọc sách".

Lý giải về tên gọi Đọc sách cũng như yêu, tác giả Trung Nghĩa cho biết: "Cũng giống như tình yêu, việc đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc cũng cần tình cảm chân thật từ mỗi cá nhân. Tình yêu đó được vun đắp, chăm sóc, hạnh phúc vững bền qua năm tháng thời gian".

Dựa trên niềm say mê đọc sách, tác giả đã nỗ lực phản ánh, chiêm nghiệm, đưa ra bình luận, góc nhìn của mình về nội dung và thông điệp chứa từ nhiều quyển sách xuất bản trong nước, với sự tham khảo nguồn thông tin chính thống, chính thức từ các nhà xuất bản, đơn vị làm sách.

Tác phẩm Đọc sách cũng như yêu cho thấy tác giả đọc khá đa dạng về thể loại, chủ đề sách, đam mê từ sách lịch sử, văn hóa, văn chương, mỹ thuật đến sách/thơ dành cho thiếu nhi, sách kỹ năng sống và các chủ đề thời đại như AI, thời chuyển đổi số, việc làm tương lai, tư duy tích cực…

Tác phẩm của Đại sứ Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được ra mắt vào cuối tuần này, nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024.

Tình yêu lớn với kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt

Tác giả Trung Nghĩa đặc biệt quan tâm đến các sách về ngôn ngữ, tiếng Việt thông qua việc giới thiệu và bình luận các tác phẩm đã xuất bản như Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 -1659 (LM Đỗ Quang Chính), Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (Lê Minh Quốc), Những con chữ ngoài trang sách (Trần Đình Ba), Tiếng Việt ân tình (Lê Trọng Nghĩa chủ biên)…

Trung Nghĩa bày tỏ rằng anh có tình yêu lớn với kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt bởi chính anh là người được thừa hưởng cái hay, cái đẹp và sự phong phú vô cùng của tiếng Việt mà cha ông để lại trong những hoạt động và công việc thường ngày từ giao tiếp đến viết sách, viết báo.

"Sau khi đọc và viết về bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi rất tâm đắc khi ông Quốc nói với tôi rằng: 'Về chữ nghĩa, đã yêu lấy nó ắt sẽ gặp người yêu chữ nghĩa và cùng bàn về chữ nghĩa'. Vậy nên câu chuyện chữ nghĩa và kho tàng tiếng Việt là phần thú vị trong sách Đọc sách cũng như yêu mà tôi hy vọng sẽ được người đọc đồng cảm".

Cuốn sách cũng là sự sẻ chia đến mọi độc giả yêu sách, thích đọc sách trong thời đại số ngày hôm nay theo tinh thần dung nạp kiến thức rộng mở, đa phương tiện.

Tác giả Trung Nghĩa viết trong sách: "Có ý kiến cho rằng mạng xã hội và internet phát triển đã khiến thói quen đọc của con người giảm sút. Nhưng theo góc nhìn cá nhân của mình, tôi nghĩ rằng mạng xã hội và internet phát triển khiến thói quen đọc của người Việt thay đổi thì đúng hơn.

Thay đổi đó là gì? Là chiều hướng mọi người có thể "đọc" thông tin và tiếp nhận tri-kiến thức một cách phong phú và đa dạng bên cạnh sách giấy. Sự phát triển của công nghệ nghe nhìn hiện đại ngày nay giúp chúng ta có thể tiếp nhận thông tin, tri thức qua nhiều kênh khác nhau bên cạnh việc đọc sách truyền thống.

Người đọc sách hôm nay có thể hiểu là họ "đọc" sách nói, sách điện tử, họ đọc thông tin phù hợp từ Internet và các nền tảng mạng xã hội khác nhau qua máy tính, điện thoại di động.

Tôi nghĩ trong thời đại chuyển đổi số, thói quen đọc của người Việt đang và sẽ tăng lên rất nhiều nếu như ta không nghĩ bó hẹp theo hướng đọc truyền thống qua sách in".

Văn hóa đọc và tình yêu đọc sách

Vốn là nhà báo có quá trình nhiều năm đưa tin về ngành xuất bản, các tác phẩm sách trên báo chí và mạng xã hội, đồng thời là cây bút giới thiệu, bình luận sách thường xuyên trên báo.

Trung Nghĩa dành phần 2 của sách để phản ánh khá đa dạng và sâu rộng về hoạt động xuất bản, văn hóa đọc và tình yêu đọc sách trong công chúng nhiều thành phần.

Tác giả ghi nhận về sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên ngày càng được tổ chức rộng mở và thực chất; ghi nhận Lễ hội sách Tết và cổ vũ văn hóa tặng sách làm "lì xì" ý nghĩa ngày Tết.

Các mô hình khuyến đọc, nâng cao tri thức thiết thực trong xã hội như Dự án đọc sách cùng Xích Lô do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sáng lập; Dự án Thư viện Ước mơ do diễn giả Nguyễn Phi Vân sáng lập với mục tiêu xây dựng 1.000 thư viện cho các trường học ở những nơi xa xôi nhất trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam; Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh – chốn thân thương của người yêu sách và cũng là nơi diễn ra chương trình Du hành cùng sách góp phần giúp trẻ em yêu đọc sách; Hội sách xuyên Việt tích cực mang sách đến các địa phương và dành ưu đãi lớn cho người đọc sách…

Thế mạnh của tác giả là gắn bó trực tiếp với nhiều hoạt động, sự kiện về sách kết hợp kỹ năng quan sát, ghi nhận sẵn có, anh đã phản ánh tích cực sự phát triển của cộng đồng đọc sách, văn hóa đọc trong xã hội một cách đa dạng, đa chiều, nhiều dữ diệu, nhân vật và câu chuyện thực tế sinh động.

Tác giả Trung Nghĩa tâm đắc với lời gửi gắm: "Sách là người bạn tốt với mọi người".

Tác giả Trung Nghĩa chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này không gì hơn là để sẻ chia với mọi người tình yêu sách báo, giữ gìn thói quen đọc sách trong thời đại mạng xã hội ngày nay. Chúng ta sẽ không cô đơn và không bao giờ cô đơn với thói quen đọc sách, từ sách in truyền thống đến sách nói, sách điện tử...

Sách chính là người tình tuyệt vời không chỉ khiến bạn say lòng từ ánh mắt đầu tiên mà sẽ theo bạn đến hết tháng năm cuộc đời. Những cộng đồng đọc sách đa phương tiện có thể lan tỏa tình yêu thương, niềm hi vọng cho hiện tại và tương lai".

Phạm Thị Thu Thảo

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tac-gia-trung-nghia-viec-doc-sach-cung-giong-nhu-yeu-a659232.html