Tác dụng chữa bệnh từ các bộ phận của cây đào

Bên cạnh tác dụng báo hiệu mùa xuân sang, trong nhiều thư tịch cổ Đông y, các bộ phận của cây đào đã trở thành những vị thuốc có tác dụng phòng và điều trị nhiều loại bệnh tật.

1. Đào nhân

Đào nhân là nhân bên trong của quả Đào. Theo Đông y, Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, có ít độc.

- Đào nhân trị bán thân bất toại: Dùng Đào nhân, bỏ vỏ và những hạt có hai đầu nhọn, ngâm trong rượu ngon 21 ngày, lấy ra phơi khô, nghiền nhỏ rồi làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 20 viên, dùng rượu để chiêu.

- Đào nhân trị chứng ho khí nghịch, ngực đầy, hen: Dùng đào nhân bỏ vỏ, đầu nhọn, cho thêm nước rồi nghiền nhỏ, cho thêm gạo tẻ nấu thành cháo ăn.

- Đào nhân trị băng huyết, đới hạ: Đào nhân sao tồn tính, nghiền thành bột, mỗi lần uống một thìa, chiêu bằng rượu, mỗi ngày uống 3 lần.

2. Đào hoa

Đào hoa là hoa của cây đào, có vị đắng tính bình, không có độc.

- Đào hoa trị khó đại tiện: Đào hoa tán mịn, uống một thìa với nước.

- Đào hoa trị đau thắt lưng: Dùng đào hoa, nước, men rượu, gạo, gây thành rượu, mỗi ngày uống 3 lần.

- Đào hoa trị trứng cá: Dùng đào hoa, chu sa cùng nghiền thành bột, mỗi lần uống 1 tiền, uống lúc bụng đói cùng nước, mỗi ngày uống 3 lần.

Hoa đào

3. Đào diệp

Đào diệp là lá cây đào, có vị đắng, tính bình, không có độc.

- Đào diệp trị đại tiện không thông: Lấy đào diệp giã lấy nước uống. Mùa đông có thể dùng vỏ cây đào để thay thế.

- Đào diệp trị mụn nhọt mọc trong mũi: Dùng lá đào còn non, giã nát bịt vào mũi. Nếu không có lá có thể dùng cành đào thay thế.

- Đào diệp trị nấm da: Dùng lá đào giã nát đắp vào chỗ bị nấm.

Đào diệp

4. Đào giao

Đào giao là nhựa của cây đào, lúc cây đào còn tươi tốt dùng dao cắt bỏ phần bỏ ngoài, lâu ngày sẽ có nhựa tiết ra, lấy về lấy nước tro từ củi cây dâu ngâm qua, phơi khô để dùng dần. Theo Đông y nhựa đào có vị đắng tính bình, không có độc.

- Đào giao trị đi tiểu ra sỏi: Dùng 1 viên nhựa cây đào lớn như quả táo, mùa hè dùng nước lạnh, mùa đông dùng nước sôi chiêu uống, mỗi ngày uống 3 lần, uống sẽ có sỏi bài xuất ra, hết sỏi thì dừng không uống nữa.

- Đào giao trị tiểu tiện ra máu: Dùng nhựa đào sao, mộc thông, thạch cao, thêm nước sắc uống sau khi ăn cơm.

- Đào giao trị chứng khát do hư nhiệt: Dùng viên nhựa đào to như viên hoàn ngậm trong miệng sẽ hết khát.

Đào giao

5. Đào bạch bì

Đào bạch bì là thân đào và phần vỏ trắng sau khi đã cạo bỏ lớp ngoài cùng. Có thể dùng cả phần vỏ ở thân và rễ, phân rễ dùng tốt hơn phần trên thân. Đào bạch bì có vị đắng, tính bình, không có độc.

- Đào bạch bì trị trĩ, đau: Dùng rễ cây đào sắc nước, ngâm rửa.

- Đào bạch bì trị vàng da, dùng một nắm rễ: Đào thái nhỏ sắc đặc, uống hết 1 lần lúc bụng đói.

- Đào bạch bì trị đau răng, má sung: Dùng vỏ trắng của cây Đào, liễu và hòe lượng bằng nhau, sắc với rượu, súc miệng lúc còn nóng, đến khi lạnh thì nhỏ ra.

- Đào bạch bì trị hen do phế nhiệt: Dùng vỏ trắng cây đào, nguyên hoa, thêm nước, sắc. Lấy khăn vải tẩm nước sắc chườm ẩm vùng ngực, tay chân.

- Đào bạch bì trị phụ nữ bế kinh: Có biểu hiện sắc mặt vàng vọt, môi miệng trắng xanh, trong bụng kết thành khối, vùng bụng trên nổi gân, đùi, chân phù thũng, dùng rễ cây đào, ngưu bàng tử, cỏ roi ngựa, ngưu tất, sắc nước, bỏ bã, rồi lại cô lại như mạch nha, mỗi lần uống 1 thìa, uống cùng rượu nóng.

Mời bạn xem tiếp video:

Những dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp | SKĐS

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-chua-benh-tu-cac-bo-phan-cua-cay-dao-169240304182034461.htm