Tác động toàn cầu của xung đột Israel - Hamas

Giới chuyên gia nhận định xung đột Israel - Hamas trước mắt chưa tác động đáng kể đến toàn cầu nhưng hậu quả tương lai sẽ khó lường nếu xung đột kéo dài và lan rộng.

Đã hơn ba ngày kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza (Palestine) bùng phát, giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp diễn khi thương vong không ngừng tăng. Một vấn đề khiến giới quan sát chú ý lúc này là liệu tác động toàn cầu từ cuộc xung đột sẽ lớn đến mức nào.

Kinh tế toàn cầu đứng trước lo ngại xung đột kéo dài

Thị trường dầu mỏ đã chứng kiến những phản ứng tức thời ngay khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, với việc giá dầu toàn cầu tăng 4% trong phiên giao dịch ngày 9-10 và giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 10-10. Giới phân tích nhận định: Dù cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà sản xuất dầu lớn nhưng giao tranh lại nổ ra ở Trung Đông - một khu vực xuất khẩu dầu quan trọng của thế giới nên đã gây ra tâm lý lo ngại trên thị trường.

Ngày 9-10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi “nhanh chóng giảm leo thang” trước sự mất mát to lớn về nhân mạng trong các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. WB cho biết cơ quan này từ lâu đã làm việc hỗ trợ những người khó khăn ở Bờ Tây và Gaza, đồng thời cam kết sẽ xây dựng một tương lai ổn định và bền vững hơn ở khu vực.

Đài CNN dẫn lời ông Homayoun Falakshahi, nhà phân tích cấp cao tại Công ty dữ liệu Kpler (Bỉ), cho rằng tính đến hiện tại, tác động của cuộc xung đột lên cung và cầu của dầu “gần như bằng 0” nhưng yếu tố đẩy giá dầu lên cao là những lo ngại về “các rủi ro địa chính trị”. Đồng quan điểm, ông Vandana Hari, người sáng lập Công ty phân tích về thị trường dầu mỏ Vanda Insights (Singapore), cho rằng việc tăng giá chỉ là tạm thời nếu cuộc xung đột không kéo dài và lan rộng.

Điều mà các chuyên gia lo sợ là việc Mỹ - đồng minh thân thiết của Israel và Iran - nước tuyên bố ủng hộ nhóm Hamas cùng một số bên khác ở vùng Vịnh giàu dầu mỏ sẽ bị kéo vào xung đột. “Việc này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi trên thị trường dầu mỏ. Lúc đó chúng ta sẽ không thấy giá dầu tăng đột biến 2%, mà là 20%” - ông Falakshahi nhận định.

Theo đài Fox Business, kịch bản trên cộng với tình hình suy thoái kinh tế hiện tại và tác động của xung đột Nga - Ukraine có thể tạo ra những rủi ro mới đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, đẩy lạm phát tăng cao và gây áp lực cho các ngân hàng trung ương.

“Hiện tại có mối lo ngại phổ biến trên thị trường tài chính về khả năng xung đột sẽ kéo dài, dẫn đến áp lực tăng giá liên tục đối với dầu thô. Kịch bản này được dự đoán sẽ góp phần khiến tỉ lệ lạm phát tăng cao liên tục. Do đó, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất cao - một biện pháp có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế” - ông Jayden Ong, chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty dữ liệu APAC (Singapore), cho biết.

Ngoài ra, cuộc xung đột được cho là sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn chỉ vừa hồi phục sau đại dịch COVID-19, khi Israel là nước xuất khẩu hàng chục tỉ USD các sản phẩm như công nghệ, vi mạch, thiết bị y tế... mỗi năm. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Israel, tính đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả nhà máy sản xuất thiết bị y tế ở Israel đều tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh những lo ngại trên, nhìn chung giới quan sát cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của xung đột Israel - Hamas lên kinh tế toàn cầu, tuy nhiên các thị trường cần theo dõi sát sao để lường trước những diễn biến khác thường từ cuộc xung đột.

Một khu phố bị thiệt hại nặng nề do các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza sáng 10-10. Ảnh: AFP

Tăng nguy cơ chia rẽ địa chính trị

Bạo lực giữa Israel và nhóm Hamas cũng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ giữa thế giới Hồi giáo Ả Rập và Do Thái giáo của Israel - vốn là một trong những xung đột lâu đời và phức tạp nhất trên thế giới.

Những năm gần đây, quan hệ giữa các nước Ả Rập với Israel đã có những chuyển biến tích cực khi hàng loạt nước Ả Rập tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tháng 8-2020, Bahrain (tháng 9-2020), Sudan (tháng 10-2020) và Morocco (tháng 12-2020). Ngoài ra, Mỹ cũng đang môi giới một thỏa thuận bình thường hóa cho Israel và Saudi Arabia.

Trong bối cảnh đó, ngày 7-10, ngay sau khi nhóm Hamas phát động cuộc tấn công vào Israel, người phát ngôn của nhóm này - ông Ghazi Hamad đã nói với kênh Al Jazeera rằng mục đích của cuộc tấn công là gửi một thông điệp tới các nước Ả Rập đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel. “Tôi nghĩ điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi yêu cầu tất cả các nước Ả Rập ngưng liên lạc và cắt đứt quan hệ với Israel, bởi vì đây không phải là một quốc gia tin vào việc chung sống hòa bình hay một láng giềng tốt đẹp” - ông Hamad nhấn mạnh.

Và dường như thông điệp của nhóm Hamas đã có tác dụng khi ngay sau đó, Saudi Arabia đã ra tuyên bố kêu gọi bảo vệ người Palestine - động thái mà các chuyên gia phương Tây cho rằng đã đưa nỗ lực hàn gắn quan hệ Israel - Saudi Arabia “ra khỏi bàn đàm phán”. “Vương quốc Saudi Arabia đã cảnh báo nhiều lần về sự nguy hiểm của xung đột bùng nổ do chiếm đóng, tước đoạt các quyền hợp pháp của người Palestine cũng như việc lặp lại các hành động khiêu khích có hệ thống chống lại sự tôn nghiêm của họ” - tuyên bố ngày 7-10 của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.

Bên cạnh tác động với khu vực Trung Đông, khủng hoảng Israel - Hamas cũng làm bộc lộ sự phân cực của thế giới hiện nay. Trong khi Mỹ và phương Tây lên án mạnh mẽ nhóm Hamas và cam kết sát cánh cùng Israel thì Iran đã lên tiếng bảo vệ nhóm này, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo ủng hộ Palestine. Trung Quốc giữ thái độ trung lập khi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và chấm dứt hành động thù địch. Tuy nhiên, đề xuất của Bắc Kinh về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập lại khiến Washington không đồng tình.

Một vấn đề từ cuộc xung đột này cũng đang khiến các nước châu Âu lo ngại chính là nguy cơ khủng hoảng người di cư sau các cuộc giao tranh. Ngày 7-10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU): “Có thể sẽ có một làn sóng di cư khác từ Trung Đông tấn công châu Âu. Tất nhiên, an ninh và bảo vệ biên giới Ba Lan cũng như biên giới của EU càng trở nên quan trọng hơn”.•

Thương vong xung đột Israel - Hamas vượt quá 1.500 người, nhiều công dân nước ngoài

Tính đến trưa 10-10 (giờ địa phương), xung đột Israel - Hamas đã làm hơn 1.500 người chết ở cả hai bên và vẫn tiếp tục leo thang nguy hiểm.

Bộ Y tế Israel cho biết đã có hơn 900 người dân nước này thiệt mạng, 2.500 người bị thương. Về phía Palestine, Bộ Y tế nước này cho biết giao tranh đã làm 687 người thiệt mạng và 3.726 người bị thương, tờ The Guardian đưa tin.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, xuyên đêm 9-10 và rạng sáng 10-10, Israel đã tấn công hơn 200 mục tiêu của nhóm Hamas ở Dải Gaza và sẽ bao vây để Hamas “không có nơi nào ẩn náu”.

Trong khi đó, một thành viên cấp cao của nhóm Hamas cho biết nhóm này sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến lâu dài với Israel và sẽ sử dụng hàng chục con tin Israel để đổi lấy những người Palestine bị giam giữ ở Israel và ở nước ngoài.

Ngày 10-10, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và kêu gọi Liên hợp quốc hành động ngay lập tức chống lại cái mà ông gọi là “sự xâm lược của Israel” đối với người dân Palestine, theo hãng thông tấn WAFA.

Về công dân nước ngoài, đến ngày 10-10, công dân nước ngoài và người nước ngoài có quốc tịch Israel từ hơn 20 quốc gia đã thiệt mạng hoặc vẫn mất tích sau các cuộc giao tranh. Trong đó, công dân Thái Lan chiếm số lượng nhiều nhất với 18 người chết, 11 người mất tích; Mỹ cũng xác nhận 11 công dân thiệt mạng, 11 người mất tích; Nepal có 10 người chết, 1 người mất tích; Argentina có 7 người chết, 15 người mất tích...

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tac-dong-toan-cau-cua-xung-dot-israel-hamas-post755816.html