Tác động kinh tế của 'thẻ vàng' IUU: (Kỳ 4) Nhìn từ trường hợp của Thái Lan và Sir Lanka

Thái Lan bị cảnh báo thẻ vàng năm 2015 nhưng đã được EU gỡ cảnh báo sau gần 4 năm nỗ lực cải thiện tình hình, trong khi Sri Lanka bị phạt thẻ đỏ.

Việc bị “thẻ vàng” đã gây tác động xấu đến ngành thủy sản cả về doanh thu và danh tiếng.

Việc bị “thẻ vàng” đã gây tác động xấu đến ngành thủy sản cả về doanh thu và danh tiếng.

Cho đến tháng 10/2019, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng và thẻ đỏ cho 26 quốc gia. Thái Lan và Sri Lanka là hai nước có nền kinh tế phát triển ngang tầm Việt Nam. Thái Lan bị cảnh báo thẻ vàng năm 2015 nhưng đã được EU gỡ cảnh báo sau gần 4 năm nỗ lực cải thiện tình hình, trong khi Sri Lanka bị phạt thẻ đỏ do nước này không nỗ lực chống khai thác IUU như EU đã cảnh báo bằng thẻ vàng.

Trường hợp thẻ vàng của Thái Lan

EU đã đưa ra cảnh cáo thẻ vàng đối với Thái Lan vào tháng 4/2015 vì không chống lại hoạt động khai thác IUU, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Thái Lan. Kể từ đó, Thái Lan đã giải quyết các vấn đề được EU chỉ ra bằng cách ban hành luật mới và các quy định thực thi. Dựa vào các nỗ lực hành động của Thái Lan, ngày 8/1/2019, EU đã đưa nước này ra khỏi nhóm các quốc gia bị cảnh báo.

Việc bị “thẻ vàng” đã gây tác động xấu đến ngành thủy sản cả về doanh thu và danh tiếng. Xuất khẩu thủy sản Thái Lan sang EU liên tục giảm, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp và chế biến sang thị trường này. Sau 4 năm kể từ khi bị thẻ vàng, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đóng hộp và chế biến của Thái Lan giảm 5%, từ 3,753 triệu USD xuống còn 3,574 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sang EU giảm 35% từ 346 triệu USD năm 2015 xuống 221 triệu USD vào năm 2018.

Tháng 1/2019, EU tuyên bố chính thức dỡ bỏ thẻ vàng cho Thái Lan để ghi nhận những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc giải quyết vấn nạn khai thác thủy sản IUU kể từ năm 2015. Quyết định dỡ bỏ thẻ vàng IUU được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng Thái Lan với Ủy ban châu Âu hợp tác tích cực để cải cách toàn diện và cơ cấu hệ thống chính sách và luật pháp trong nghề cá của họ nhằm hạn chế đánh bắt bất hợp pháp.

Các biện pháp được thực hiện bao gồm: Rà soát toàn diện khung pháp lý nghề cá phù hợp với Luật Biển Quốc tế, bao gồm các chương trình xử phạt mang tính răn đe; Cải cách toàn diện việc quản lý chính sách đội tàu, với hệ thống đăng ký và kiểm soát tàu cá hợp lý; Tăng cường các công cụ Giám sát, Kiểm soát và Giám sát, bao gồm việc theo dõi đầy đủ với Hệ thống VMS của đội tàu công nghiệp và một hệ thống kiểm tra mạnh mẽ tại cảng; Thực hiện đầy đủ ỏa thuận về các biện pháp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về các tàu mang cờ nước ngoài cập cảng Thái Lan để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến; Hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng và tất cả các phương thức vận tải, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; Cải thiện thủ tục hành chính cũng như đào tạo và hỗ trợ chính trị, dẫn đến việc thực thi pháp luật đúng đắn; Tăng cường đáng kể nguồn lực tài chính và nhân lực cho cuộc chiến chống khai thác IUU.

Trường hợp thẻ đỏ của Sri Lanka

Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Sri Lanka, năm 2017 ngành này chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Cá nổi lớn đánh bắt xa bờ là sản phẩm xuất khẩu chính của Sri Lanka, và EU là đối tác xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Sri Lanka, chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu của Sri Lanka (tất cả các sản phẩm).

Tháng 11/2012, Sri Lanka đã bị Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng vì không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế với tư cách là Quốc gia treo cờ cần thực hiện các hành động nhằm ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU. Quyết định của Ủy ban nêu rõ việc thiếu các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe đối với đội tàu đánh bắt ngoài khơi (> 3000 tàu), thiếu tuân thủ các quy tắc nghề cá quốc tế và khu vực và những thiếu sót trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, chẳng hạn như VMS, hệ thống báo cáo khai thác, kiểm tra và cấp phép.

Sri Lanka được xác định là quốc gia không hợp tác trong cuộc chiến chống khai thác IUU (bị phạt thẻ đỏ) vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, để tránh làm gián đoạn các hợp đồng thương mại đang thực hiện, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm hải sản do các tàu Sri Lanka đánh bắt vào EU đã trì hoãn đến giữa tháng 1/2015, 3 tháng sau khi ban hành thẻ đỏ.

Hội đồng Bộ trưởng EU đã thêm Sri Lanka vào danh sách các nước thứ ba không hợp tác vào tháng 1/2015. Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka đã nỗ lực để gỡ bỏ lệnh cấm và nước này đã được dỡ bỏ thẻ vào tháng 6/2016.

Theo một số phân tích (ví dụ: Mundy, 2019; Sandaruwan et al, 2018; và những người khác), lệnh cấm thương mại thủy sản của EU ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Sri Lanka. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 36% và sản lượng dư thừa này đã được chuyển hướng sang thị trường nội địa. Kết quả là nhập khẩu giảm 16%. Sự sụt giảm tăng trưởng lớn nhất mà Sri Lanka phải trải qua là trong giai đoạn 2015 - 2016, sau khi bị Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ đỏ IUU. Do hậu quả của lệnh cấm, tất cả các nước EU đã ngừng hoàn toàn các giao dịch cá với các nước bị cấm.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tac-dong-kinh-te-cua-the-vang-iuu-ky-4-nhin-tu-truong-hop-cua-thai-lan-va-sir-lanka-621906.html