Tác động của căn cứ mới NATO tới an ninh Biển Đen

Căn cứ mới của NATO được xây dựng ở Romania có thể giúp khối quân sự mở rộng quyền kiểm soát trên Biển Đen và các khu vực lân cận.

Theo tờ Euronews, Romania đã bắt đầu công cuộc mở rộng một căn cứ không quân của nước này trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ở châu Âu. Chuyên gia cho rằng căn cứ này sẽ tác động lớn đến an ninh khu vực khi nằm ở vị trí đắc địa, giúp quân NATO dễ dàng nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Nga.

Quy mô căn cứ NATO

Cụ thể, Romania đã khởi động dự án 2,7 tỉ USD nhằm mở rộng căn cứ Mihail Kogalniceanu số 57 của không quân nước này, nằm gần TP cảng Constanta bên bờ Biển Đen, cách biên giới Ukraine khoảng 130 km.

Căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu sau khi mở rộng sẽ có kích thước tương đương “một thị trấn nhỏ” với diện tích khoảng 30 km2. Căn cứ mới sẽ bao gồm một đường băng mới, nhà chứa máy bay, kho nhiên liệu, kho đạn dược, chỗ ở cho nhân viên, trường học, nhà trẻ, cửa hàng và thậm chí cả bệnh viện riêng. Ước tính căn cứ mới này có thể tiếp nhận tới 10.000 binh sĩ NATO.

Xe tăng Leclerc của Pháp tham gia cuộc tập trận của NATO ở Romania vào cuối năm 2022. Ảnh: AFP

“Căn cứ mới sẽ có nhà chứa máy bay bảo trì, kho nhiên liệu, đạn dược, thiết bị, vật liệu kỹ thuật hàng không, thiết bị mô phỏng, nhà ăn, chỗ ở và mọi thứ cần thiết để hỗ trợ hoạt động quân sự”- ông Nicolae Crețu, chỉ huy căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, cho biết.

Hiện có 5.000 quân nhân NATO, chủ yếu là người Mỹ, đóng quân tại căn cứ này. Theo tờ Newsweek, dự án đã bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, bao gồm lối vào và lưới điện. Trong thời gian tới, một số đường băng mới dự kiến sẽ được xây dựng để hỗ trợ hoạt động của nhiều loại máy bay quân sự.

Theo Euronews, trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động như hiện nay, cũng như giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine đang leo thang từng ngày, việc phát triển căn cứ mới này sẽ củng cố sườn phía đông của NATO.

Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng về căn cứ mới này. Tuy nhiên, tờ IntelliNews dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Andrei Klimov cảnh báo rằng căn cứ mới có thể trở thành “một mối đe dọa đối với Bucharest”. Ông này nhấn mạnh căn cứ mới càng lớn và “càng gần biên giới Nga thì càng có nhiều khả năng trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên cho các cuộc tấn công đáp trả (của Moscow)”.

Tác động gì tới an ninh khu vực?

Romania từ lâu đã là trung tâm quan trọng cho các hoạt động của NATO ở khu vực Biển Đen. Hàng ngàn lính Mỹ đã tới nước này để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và an ninh kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ hồi năm 2022. Máy bay chiến đấu và giám sát của Mỹ thường xuyên hoạt động ở đó như một phần của hoạt động kiểm soát an ninh của NATO tại khu vực.

Ông Dorin Popescu, một nhà phân tích chính trị và quân sự Romania, nhận định rằng căn cứ Mihail Kogalniceanu sẽ trở thành cơ sở quân sự quan trọng nhất của NATO tại khu vực, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine diễn biến khó lường và sẽ không sớm kết thúc. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Mỹ nói rằng căn cứ mới “giúp hỗ trợ hoạt động của phi đội tiêm kích Mỹ và NATO trong bối cảnh hiện tại và trong tương lai gần”, tờ Kyiv Post đưa tin. Ngoài ra, sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges cũng nhận định việc mở rộng căn cứ quân sự ở Romania là rất quan trọng để NATO triển khai chiến lược ở Biển Đen.

Sự mở rộng của NATO ở phía đông và phía nam châu Âu sẽ không chỉ gây ra mối đe dọa về mặt chiến lược quân sự mà còn là mối nguy hiện hữu đối với Nga với tư cách là nhà nước có chủ quyền, theo ông Leonid Reshetnikov.

Theo hãng tin Sputnik, nằm gần TP cảng Constanta bên bờ Biển Đen, căn cứ mới của NATO chỉ cách biên giới Ukraine 130 km và cách TP cảng Odessa (Ukraine) khoảng 300 km. Điều này có nghĩa là liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ tiến gần hơn đến Nga, do bán đảo Crimea (Nga sáp nhập hồi năm 2014) có chung đường biên giới trên biển với Romania.

“NATO đã và đang theo đuổi chính sách mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực gây ra mối đe dọa cho Nga. Ngoài các căn cứ ở Kosovo mà Mỹ đã xây dựng trong 10 năm qua, chưa bao giờ có cơ sở nào quy mô như vậy ở khu vực Balkan. Họ (NATO) đang di chuyển đến gần biên giới Nga” - ông Leonid Reshetnikov, trung tướng về hưu từng phục vụ trong Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), nói. Ông nhấn mạnh NATO xây dựng căn cứ này để mở rộng quyền kiểm soát của khối quân sự trên Biển Đen và các khu vực lân cận.

“Căn cứ này chắc chắn đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga và các hoạt động của hạm đội Biển Đen. Đây là một nỗ lực rất nghiêm túc của Mỹ và NATO nhằm kiểm soát khu vực này” - ông Reshetnikov nhận định liên quan căn cứ mới của NATO.

Cựu sĩ quan tình báo Nga chỉ rõ rằng khi căn cứ này hoàn thành, NATO sẽ có thể duy trì quyền kiểm soát cả trên không và trên bộ dọc theo khu vực Biển Đen, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Romania. Ông cảnh báo rằng Crimea, biển Azov, khu vực Krasnodar và Abkhazia của Nga đều sẽ nằm trong phạm vi tấn công từ căn cứ mới của NATO.

Tuy nhiên, Nga có thể đối phó với mối đe dọa từ căn cứ mới của NATO bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực phía tây nam Nga và quan trọng nhất là hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo ông Reshetnikov. “Đó sẽ là một phản ứng mạnh mẽ nếu chúng ta đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ mới, loại bỏ các mối đe dọa từ Kiev và đạt được các mục tiêu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố từ hai năm trước” - ông Reshetnikov nói, nhắc lại mục tiêu “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine” mà ông Putin đề ra.•

Ông Trump nói Mỹ sẽ không rút khỏi NATO nếu được đối xử “công bằng”

Ngày 19-3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nếu ông tái đắc cử tổng thống Mỹ, Washington 100% vẫn sẽ là thành viên của NATO nếu liên minh này đóng góp và đối xử công bằng với Mỹ, tờ Politico đưa tin.

“NATO phải đối xử công bằng với Mỹ, bởi vì nếu không có Mỹ thì NATO thậm chí không tồn tại” - ông Trump nói, đồng thời cảnh báo các quốc gia châu Âu không “lợi dụng” sự hỗ trợ của Mỹ.

Theo trang HuffPost, ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO, cho rằng tổ chức quân sự này chỉ muốn lợi dụng tiền của Mỹ, trong khi các thành viên khác như Đức, Pháp... lại không chi tiêu đủ cho quốc phòng.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tac-dong-cua-can-cu-moi-nato-toi-an-ninh-bien-den-post781388.html