Tà Xùa không chỉ có mây

Cùng với gió, mây, Tà Xùa còn cuốn hút bởi những cây táo mèo cô đơn, vườn chè San Tuyết cổ thụ, những bản làng đặc trưng của người Mông…

Mây được ví như “thương hiệu độc quyền” của xã vùng cao Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La). Tuy nhiên, cùng với gió, mây, Tà Xùa còn cuốn hút bởi những cây táo mèo cô đơn, vườn chè San Tuyết cổ thụ, những bản làng đặc trưng của người Mông, cùng vô số món ăn ngon nếu đã nếm thử một lần là nhớ mãi.

Hấp dẫn “Thiên đường mây”

Anh Phương – người dân bản địa Tà Xùa, cũng là hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách lên vùng cao Tây Bắc tiết lộ cho chúng tôi, thời điểm lý tưởng nhất để săn mây ở Tà Xùa là từ tháng 10 năm năm trước đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, xác suất cao để săn được mây phải lựa những hôm trời có gió mùa về hay những ngày mưa nhẹ vào đêm hôm trước, sáng sớm hôm sau trời hửng nắng mây sẽ kéo về phủ kín thung lũng.

Đặc biệt, mây mùa đông lâu tan lại rất đẹp. Những áng mây trắng muốt bồng bềnh, lững lờ trôi trên các ngọn đồi, tràn xuống quanh đường đèo, ngọn núi, lúc gần, lúc xa, huyền ảo, sống động.

Mây được ví như “thương hiệu độc quyền” của xã vùng cao Tà Xùa

Theo kinh nghiệm của “dân phượt”, các địa điểm săn mây đẹp là tại xã Tà Xùa, hay xã Xím Vàng, xã Háng Đồng, đặc biệt con đường mòn uốn lượn trên đỉnh Tà Xùa (mà mọi người quen gọi là sống lưng Khủng Long). Sống lưng Khủng Long nằm ở độ cao 1.600 mét, nơi đây chênh vênh giữa trời, có đoạn đường chỉ còn một con đường rất nhỏ, hai bên là vực sâu hun hút. Sống lưng Khủng Long là địa điểm cho những du khách thích cảm giác mạo hiểm.

Sống lưng Khủng Long là địa điểm cho những du khách thích cảm giác mạo hiểm

Thế nhưng nếu đến được Tà Xùa khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch, thì cảnh vật còn tuyệt vời hơn nữa, vì ngoài mây trắng còn có những rừng đào đỏ rực tràn theo trườn dốc vách đá dài hơn chục km từ thị trấn Bắc Yên tới trung tâm xã Tà Xùa.

Ngoài mây trắng, Tà Xùa còn có những rừng đào đỏ rực tràn theo trườn dốc vách đá

Vì vậy, nhiều năm gần đây, lượng du khách đổ về Tà Xùa dịp này rất đông. Điều đáng nói, Tết của người H’Mông rơi vào khoảng cuối tháng 1 (đầu tháng Chạp âm lịch), kéo dài trong 15 ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Vậy nên, du khách đến vào dịp Tết còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của người H'Mông.

Cùng với gió, mây, Tà Xùa còn cuốn hút du khách bởi những cây táo mèo cô đơn, vườn chè San Tuyết cổ thụ, những bản làng đặc trưng của người Mông, cùng vô số món ăn ngon nếu đã nếm thử một lần là nhớ mãi.

Cây táo mèo cô đơn cũng là điểm check in của số đông bạn trẻ

Cây táo mèo cô đơn nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở đỉnh Gió tại ngã ba Xím Vàng - Háng Đồng, cách trung tâm Tà Xùa hơn 1 km. Đứng từ vị trí của cây, bạn có thể thấy sông Suối Sập. Vào những ngày thời tiết đẹp, nước sông trong và xanh. Cây táo mèo cô đơn được các phượt thủ ví như "linh hồn sống" trong vùng đất hoang sơ của Tà Xùa, là biểu tượng của sự bền bỉ và kiên cường giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

Tà Xùa là nơi lý tưởng để cắm trại. Nếu chọn được địa điểm hợp lý bạn sẽ có cơ hội ngắm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn lãng mạn từ đỉnh núi.

Ẩm thực độc đáo

Theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho dân gian, vì thế Tết ở Tà Xùa không thể thiếu gà trống. Bên cạnh đó là bánh dày, người H’Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất.

Còn vào ngày thường, vùng đất xen trong mây cũng có nhiều món ăn độc đáo, đó là: Nậm pịa, thịt trâu gác bếp, cháo mắc nhung, thịt muối chua, cơm lam, pa pỉnh tộp, nộm da trâu, ốc đá suối Bàng và chè Tà Xùa.

Nơi đây còn là địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ cắm trại

Trong đó, cháo mắc nhung là món ai đến đây nhất định cũng phải thử ăn một lần. Cháo được nấu từ quả mắc nhung, một loại quả nhỏ, có màu xanh, cùng họ với cà chua nhưng vị vừa đắng, cay, ngọt. Cháo mắc nhung ngon phải được chế biến từ gạo tấm, khi nấu cho xương sườn băm nhỏ vào, đến khi chín tới mới cho quả mắc nhung. Cuối cùng thêm gia vị như ớt, gừng, xả băm nhỏ rồi khuấy đều.

Nếu cháo mắc nhung thơm lừng, lạ miệng thì pa pỉnh tộp lại khiến thực khách tò mò. Nguyên liệu làm nên món ăn này là những loại cá khác nhau. Người ta thường bắt cá tươi rồi làm sạch vẩy, tỉa hết những vết nhỏ trên thân cá và mổ dọc sống lưng để dễ dàng gập úp lại hơn. Sau đó đem nhồi các gia vị vào, điển hình nhất là gừng, ớt, xả, rau húng, hành... cùng với mắc khén và mầm măng. Đợi đến lúc cá ngấm gia vị thì gập lại nướng trên lửa than hồng.

Cảm giác tuyệt vời để khi vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ngắm nhìn hoàng hôn dần buông

Cà phê không phải là đặc sản nơi đây nhưng những quán cà phê lại có sức hấp dẫn tuyệt vời để du khách vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ngắm nhìn hoàng hôn dần buông hay chỉ đơn giản là ngồi nghỉ ngơi thư giãn. Mị Ơi, Hiên Coffee, Thào Coffee, H'mong Coffee, Bản Coffee là các quán cà phê có tầm nhìn đẹp, dễ dàng săn mây, là điểm chụp ảnh sống ảo lý tưởng.

Với sự độc đáo của món ăn, sự tuyệt đẹp của những áng mây và sự hấp dẫn của văn hóa bản địa, Tà Xùa ngày càng thu hút đông du khách. Lãnh đạo xã Tà Xùa cho biết, một trong những mục tiêu trọng tâm của xã là phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững, phấn đấu giai đoạn 2020-2025, Tà Xùa đón được trên 100.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 90 tỷ đồng.

Giai đoạn 2020-2025, Tà Xùa phấn đấu đón trên 100.000 lượt khách du lịch

Ngoài thế mạnh về cây chè, du lịch cũng là một trong những sức hút ở nơi đây. Vì vậy, nhiều gia đình ở Tà Xùa đã đầu tư tới gần tỷ đồng để xây dựng khu nhà nghỉ cộng đồng; đồng thời đi học tập kinh nghiệm từ những homestay có tiếng của huyện Mộc Châu, tìm hiểu về nhu cầu của khách du lịch khi đến với vùng cao Tây Bắc. Hiện nay, thu nhập từ nhà nghỉ cộng đồng của nhiều gia đình thu về từ 10 -15 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/ người/tháng.

Đến Tà Xùa, có thể đi bằng nhiều phương tiện như xe khách, xe máy. Trước đây, đường đến Tà Xùa rất khó khăn, cách trở, nhưng từ khi con đường nối 2 huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La) được khai thông, các cung phượt "săn mây" Tà Xùa đã dễ dáng hơn rất nhiều.

Thanh Tâm - Tuyết Vân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ta-xua-khong-chi-co-may-302255.html