Tả Ló San mãi xanh ở cuối trời Tây Bắc

PTĐT - Bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nằm chót vót trên đỉnh núi, giống như một 'ốc đảo' nằm trên cạn ở cuối trời Tây Bắc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sen Thượng giúp người dân khai hoang làm lúa nước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sen Thượng giúp người dân khai hoang làm lúa nước.

PTĐT - Bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nằm chót vót trên đỉnh núi, giống như một “ốc đảo” nằm trên cạn ở cuối trời Tây Bắc. Trước đây, người dân Hà Nhì ở Tả Ló San sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Nhưng giờ đây, ở Tả Ló San, những ngôi nhà tranh, vách đất đã không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Cuộc sống người dân nơi đây đã khấm khá như bức tranh u ám đã thay màu tươi mới.

Đường lên bản toàn dốc dựng ngược, băng qua những cánh rừng già um tùm. Phải là người có kinh nghiệm mới cầm lái được xe máy để lên đây. Tả Ló San cách trung tâm xã Sen Thượng hơn 40 cây số, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lên tới nơi. Bản thành lập từ quá trình vận động những hộ dân Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) xung phong lên lập nghiệp, giữ đất biên cương. Năm 2009, khi mới thành lập, Tả Ló San chỉ có 13 hộ dân. Suốt nhiều năm trời, Tả Ló San vẫn giữ vị trí “độc tôn” về khó khăn, cách trở. Trong vòng 10 năm, bản chỉ phát triển thêm được 3 hộ, tức là chừng ấy thời gian, cả bản chỉ có 3 đám cưới!!!
Thời chưa cắm mốc phân định biên giới như bây giờ thì việc xâm lấn đất đai của người dân phía bên kia biên giới thường xuyên xảy ra. Khi ấy, xã Sen Thượng cũng chưa được thành lập. Tả Ló San, theo tiếng Hà Nhì là vùng đất hình quả trám nhô lên, cao và xa nhất ở cực Tây Tổ quốc, cách trung tâm xã Sín Thầu hơn 60 cây số đường rừng. Gọi là bản, nhưng thời điểm ấy, vùng đất này chỉ có một số hộ dân người Hà Nhì sinh sống. Nhớ lại thời khi mới tới đây sinh sống, ông Pờ Xuân Chừ, một trong những người đầu tiên lên Tả Ló San chậm rãi kể: “Khi gia đình tôi lên đây, không ai nghĩ rằng mười mấy hộ dân có thể tồn tại được. Khí hậu khắc nghiệt, mùa đông lạnh thấu xương, ruộng nương không có, người dân phải gây dựng từ đầu, chúng tôi bắt đầu mày mò tự khai hoang trồng lúa, dựng nhà để ở. Được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là những người lính Đồn Biên phòng Sen Thượng lên đây cùng đồng cam cộng khổ, hướng dẫn người dân chăn nuôi, sản xuất. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình hết lòng vì dân của BĐBP, đến giờ, dân bản đã ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển, các gia đình đã có của ăn, của để”.

Đường vào bản Tả Ló San.

Đường vào bản Tả Ló San.

Anh Lỳ Phù Cà, Bí thư Chi bộ bản Tả Ló San kể: “Gia đình tôi được cán bộ BĐBP giúp đỡ nhiều lắm, từ dựng nhà, khai hoang làm lúa nước. Đồn Biên phòng Sen Thượng còn cấp cho gia đình 1 con bò giống để “làm vốn”. Hiện nay, nhà tôi đã có hơn 30 con bò, gần 50 con dê, đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy”. Những ngày gian khó mới chỉ cách chừng 2 đến 3 năm thôi, người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in từng người lính quân hàm xanh lên bản cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Anh Chảo Xinh Chừ nhìn ra thửa ruộng ngay trước cửa nhà, nhớ lại ngày mới lên lập nghiệp ở Tả Ló San, hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, anh Chừ bảo: “Người dân ở bản Tả Ló San này mang ơn BĐBP nhiều lắm, không có BĐBP thì làm gì có những thửa ruộng phì nhiêu, màu mỡ thế này. Khi mới lập bản, xung quanh chỉ là rừng già, những bãi đất hoang hẹp dốc. Bộ đội đã lên dựng tổ công tác, ăn ở với dân, giúp dân khai hoang làm ruộng, đồng cam cộng khổ với dân. Ở đây, BĐBP với dân là người một nhà, tình cảm, gắn bó lắm, có công việc gì của bản là BĐBP lên giúp, đồn có việc là dân bản lại cử người xuống, cùng nhau tuần tra biên giới một cách tự giác, trách nhiệm chứ không cần nhắc nhở”.Hiện nay, bản Tả Ló San có 25 hộ và 88 nhân khẩu, cuộc sống của người dân đã và đang đổi thay từng ngày. Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sen Thượng, người đã gắn bó với bản Tả Ló San gần 5 năm tâm sự: Hồi mới đến đơn vị nhận công tác, để lên bản Tả Ló San, mấy anh em đều phải đi bộ hơn 40 cây số từ trung tâm xã, nhiều lúc chúng tôi tự hỏi: “Bao giờ thì ở đây mới có đường, người dân nơi đây mới hết khổ? Thế mà bây giờ, cả bản đã đổi thay, nhà nào cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi, vật dụng trong nhà. Tuy chưa có điện lưới quốc gia, nhưng 25 hộ dân nơi đây được Trạm viễn thông Quân đội Viettel cho dùng tạm điện từ trạm phát sóng, bà con cũng có thể tiếp cận được với thông tin bên ngoài”.Khi mặt trời lặn sau dãy núi cũng là lúc người dân đi làm nương về, bản Tả Ló San tràn đầy sức sống trong ánh điện lung linh giữa đại ngàn biên giới. Tiếng cười đùa của trẻ con, tiếng gọi nhau thấp thoáng của những chàng trai, cô gái người Hà Nhì sau mỗi khúc quanh của con dốc đứng khiến ai cũng phải say lòng bởi nếp sống yên ả, thanh bình. Và tôi tin rằng, quân dân nơi phên dậu sẽ tiếp tục viết thêm những kỳ tích để Tả Ló San mãi xanh nơi địa đầu cực Tây Tổ quốc...

Kim Nhượng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/202005/ta-lo-san-mai-xanh-o-cuoi-troi-tay-bac-170647