Suy giảm tầng ozone và biến đổi khí hậu

Tầng ozone vốn được xem là tấm áo giáp che chắn các tia bức xạ có hại từ mặt trời và bảo vệ sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, con người đã sử dụng và thải ra khí quyển một lượng lớn gốc Clo làm suy giảm tầng ozone. Hậu quả là tầng ozone bị bào mỏng, khiến xuất hiện lỗ thủng ở tầng ozone tại Nam cực vào năm 1985 và có nguy cơ lan rộng. Bên cạnh đó, việc suy giảm tấm áo giáp này sẽ làm thay đổi nhiệt độ một số khu vực trên trái đất, làm cho hệ sinh thái các khu vực đó bị thay đổi, đồng thời trở thành một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tác hại của suy giảm tầng ozone

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường Khoa học ứng dụng và cơ khí thuộc Đại học Columbia (Mỹ), lỗ thủng tầng ozone khiến Nam cực lạnh thêm, làm gió Nam đổi chiều theo hướng từ Tây sang Đông, khiến vành đai khô hạn ở vùng cận nhiệt đới tiến xuống phía Nam làm lượng mưa tăng lên. Khí hậu toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những sự thay đổi của tầng đối lưu. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sự suy giảm gần đây trong tỷ lệ tăng nồng độ khí mê-tan của khí quyển có thể một phần do tăng bức xạ UV-B trong tầng khí quyển thấp.

HCFC vẫn được dùng trong các hệ thống điều hòa, làm lạnh. Ảnh: KIM NGÂN

Một số tia cực tím UV-B có thể tác động lên thực vật trên cạn làm giảm hoạt động quang hợp, chậm phát triển và dễ mắc bệnh, thậm chí có thể làm thay đổi cả hệ sinh thái thực vật. Các tia cực tím cũng làm giảm chất lượng không khí và dẫn đến tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, tầng ozone bị thủng chính là do các chất khí CFC và HCFC, chủ yếu được dùng trong công nghệ làm lạnh gây ra, các hóa chất này là nhân tạo, không tự có trong tự nhiên. Rõ ràng, chính con người là thủ phạm bào mòn tầng ozone. Việc sớm ngừng sản xuất và sử dụng các hóa chất CFC (chlorofluorocacbon) và HCFC (hydrochlorofluorocarbon) là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu tầng ozone. Đồng thời, cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường Đại học Columbia (Mỹ), các chất CFC, HCFC cũng là các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần gây nên sự ấm lên toàn cầu, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu.

Loại bỏ các chất gây hại tầng ozone

Nhân kỷ niệm 25 năm Nghị định thư Montreal về các chất suy giảm tầng ozone (1987-2012) và Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16-9-2012) với chủ đề “Bảo vệ bầu khí quyển cho các thế hệ mai sau”, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ kỷ niệm tại TPHCM, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ tầng ozone trong cộng đồng. Cũng trong lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, Ngân hàng Thế giới đã xây dựng Dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam” gồm 2 giai đoạn. Theo đó, Việt Nam hiện có 12 doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt đã nhận được hỗ trợ 80% - 90% chi phí chuyển đổi công nghệ với tổng mức hỗ trợ hơn 9,7 triệu USD để thực hiện việc loại trừ các chất HCFC trong giai đoạn 1 của dự án (2012-2016).

Ông Hiếu cũng cho biết, theo Nghị định thư Montreal, năm 2013, Việt Nam chỉ được tiêu thụ HCFC ở mức cơ sở (221,2 tấn). Từ tháng 10-2015 đến hết năm 2019 phải giảm 10% mức cơ sở, từ 2020 phải giảm 35% cơ sở và 2030 loại trừ hoàn toàn. Đối với lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, chúng ta được phép sử dụng HCFC đến năm 2040.

Trong những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó đang ngày một có xu hướng diễn biến tiêu cực và được UNEP (Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc) xếp vào dạng vấn đề an ninh “phi truyền thống” và xem như là một vấn đề mang tính toàn cầu, không của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, trong đó nỗ lực tiến đến loại bỏ hoàn toàn các chất gây hại cho tầng ozone cần phải được nhiều quốc gia thực hiện đồng bộ, nhất là các nước phát triển.

HIẾU THƯỢNG

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua tại Montreal (Canada) vào tháng 9-1987, áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên. Nghị định thư Montreal với sự tham gia của 191 quốc gia nhằm loại trừ các chất có khả năng làm suy giảm tầng ozone như nhóm CFC (clorofluorocarbon dùng trong lĩnh vực làm lạnh, xốp, dung môi, son khí, dập cháy và khử trùng). Đến năm 1990, chất CFC dần được thay thế bằng HCFC (hydrochlorofluorocarbon, chất làm suy giảm tầng ozone thấp hơn CFC nhưng khả năng làm nóng toàn cầu cao gấp 2.000 lần khí CO2).

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được đánh giá là một định ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự tham gia của tất cả các quốc gia, kiểm soát gần 100 chất làm suy giảm tầng ozone thuộc các nhóm chất CFC, HCFC, halon… Tháng 1-1994 Việt Nam chính thức tham gia Nghị định thư Montreal, và tính từ tháng 1-1994 và đến tháng 1-2010 chúng ta đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC và 3,8 tấn halon (là lượng tiêu thụ hàng năm ở nước ta) gây thủng tầng ozone.

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/moitruongdothi/2012/9/300312/