Suy giảm lòng tin!

Chỉ ít ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria (do Nga và Mỹ bảo trợ) đổ vỡ, căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này đã liên tục gia tăng đến mức báo động mới, khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại về khả năng thời kỳ Chiến tranh Lạnh sẽ quay trở lại.

Hệ thống tên lửa Iskander-M đã được Nga điều động đến Kaliningrad.

Ngày 9-10, một ngày sau khi các thông tin tình báo của Mỹ và Estonia cho thấy Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới tỉnh Kaliningrad - vùng lãnh thổ thuộc Nga nằm giữa Ba Lan và Litva, Mátxcơva đã chính thức xác nhận điều này. Trong một tuyên bố trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov khẳng định, tổ hợp tên lửa chiến thuật sẽ được duy trì trong tương lai như một phần của các hoạt động huấn luyện quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Động thái này phù hợp với dự đoán của không ít nhà bình luận quốc tế đưa ra vào giữa năm 2014, thời điểm Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) quyết định gia tăng đáng kể hoạt động quân sự tại Đông Âu như điều động thêm 6 lữ đoàn và trung tâm chỉ huy ở 6 nước Đông Âu tại Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Romania. Lý do là, bất kỳ sự thay đổi về tương quan lực lượng nào gần biên giới Nga và NATO sẽ dẫn đến những biến chuyển lớn về chiến lược quân sự của các bên liên quan.

Xét về yếu tố địa chính trị, Kaliningrad vốn được coi là tiền đồn phía Tây của Nga, trấn giữ huyết mạch trọng yếu của eo biển Baltic. Đây là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk. Hạm đội này có khả năng khống chế hoàn toàn khu vực eo biển Baltic với lực lượng chủ chốt là Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123. Lực lượng không quân Nga ở khu vực này có các căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye. Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của phương Tây. Chính vì vậy, lâu nay, vùng đất này vẫn được coi là "con bài" quan trọng giúp xứ sở Bạch dương phá thế bao vây của NATO.

Theo nhiều nhà phân tích, việc điều động tổ hợp tên lửa Iskander-M tới Kaliningrad sẽ giúp Nga tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và thay đổi tương quan lực lượng. Hiện nay, Iskander-M là loại tên lửa đạn đạo - chiến thuật hiện đại nhất của Nga với tầm bắn 500km, có độ chính xác cao và quỹ đạo chuyển động linh hoạt, đồng thời có khả năng "tàng hình" trước hệ thống định vị vô tuyến của đối phương. Iskander-M không chỉ tiêu diệt các mục tiêu như máy bay tầm xa, các trung tâm chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc mà còn có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Có thể thấy rằng, việc hai cựu đối thủ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh gia tăng hoạt động quân sự cho thấy lòng tin của hai bên tiếp tục xuống dốc. Không phải vô căn cứ khi thời gian gần đây, dư luận quốc tế liên tục nhắc đến nguy cơ thế giới quay trở lại thời kỳ đối đầu giữa hai phe như sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Thậm chí, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier còn cảnh báo, sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga sẽ dẫn tới một tình thế còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh. Ông cho rằng "thế giới trước đây chia làm hai phe nhưng cả Mátxcơva lẫn Washington đều biết và tôn trọng ranh giới của mình. Tuy nhiên, trong một thế giới với nhiều xung đột khu vực và ảnh hưởng của các cường quốc suy giảm thì tình hình không thể lường trước".

Đã có dự đoán cho rằng, nếu mâu thuẫn Nga - Mỹ không nhanh chóng được giải tỏa, khả năng Nga rút khỏi thỏa thuận với Mỹ về việc cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) và Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu (CFE) có thể xảy ra. Nếu điều này trở thành hiện thực, thế giới sẽ đứng trước nhiều nguy cơ khó đoán định vì đây vốn được coi là "hòn đá tảng" trong nỗ lực duy trì ổn định an ninh toàn cầu giữa Nga và Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/851216/suy-giam-long-tin