Suối thực, suối mơ và rượu Văn Cao

Chúng tôi cho rằng, thưởng thức rượu Văn Cao là 1 hoạt động văn hóa. Chúng ta có thể nhân rộng cách uống rượu này thông qua việc phổ biến rượu nấu từ gạo VN.

Với cánh đàn ông, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết không thể thiếu bia rượu được. Quan sát xu hướng sử dụng bia rượu của người Việt Nam, tôi cho rằng, rượu nấu, hay còn gọi là rượu “nút lá chuối” xứng đáng có một vị trí trang trọng trong bàn tiệc.

Giai thoại về…“Rượu Văn Cao”

Năm 1983, tôi về làm việc tại Tạp chí Cộng sản và sinh sống ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền. Sau giờ làm việc và sau ngày nghỉ, tôi thường lang thang quanh đó. Nhà của Nhạc sĩ Văn cao ở 108 Yết Kiêu, cách chỗ tôi ở khoảng hơn 100 mét. Nhiều hôm, tôi thấy một cụ ông có nét quen thuộc, thong thả chống ba toong, chậm rãi đi trên vỉa hè, hỏi ra mới biết đấy là Nhạc sĩ Văn Cao – Tác giả Quốc ca.

Thủ tục hạ thổ rươ u Văn Cao

Tôi làm quen với anh Văn Thao – con cả của Nhạc sĩ Văn Cao. Anh Văn Thao làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc và thích… uống rượu. Anh chỉ thích một loại rượu do người Việt Nam nấu, trong vắt, có nồng độ từ 52 – 54 độ, còn thoang hương nếp. Một lần, tôi đưa người bạn Nga là PGS-TS Sokolov đến thưởng thức loại rượu này. Sau khi uống một ngụm, ông bạn người Nga biết tiếng Việt này nói: “Đây không phải là rượu, mà là nước lửa”.

Sinh thời, Nhạc sĩ Văn Cao là người thích nhâm nhi loại rượu này. Tôi hỏi: “Loại rượu này ở đâu ra?”. Anh Văn Thảo kể: “Một hôm, có người đàn ông luống tuổi bấm chuông, cha tôi ra mở cửa thì người đó nói: “Xin kính chào Nhạc sĩ Văn Cao, tôi là người hâm mộ tài năng của ông, lại biết ông cũng thích rượu, tôi lại là người nấu rượu có tiếng. Tôi xin biếu ông một ít để uống thử? Nếu ông thích, tôi xin cung cấp…”. Từ đó, cha tôi có loại rượu ngon để uống.

Không biết từ lúc nào, tôi cũng thích loại rượu này. Sau khi cha tôi mất, tôi “làm chủ” nguồn rượu này và thường mời bạn bè thưởng thức”. Tôi cũng mê loại rượu này, khi có kha khá trong nhà, tôi mời bạn bè thưởng thức, họ hỏi: “Rượu gì đây?”. Tôi trả lời: “Đây là Rượu Văn Cao!”. Chúng ta biết rằng, tên của một số người nổi tiếng được dùng để gọi một số loại rượu quý như rượu Napoleon, rượu Putin…

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tại “Ngôi nhà bên suối”

“Suối mơ”, suối thực và chuyện uống rượu cũng rất công phu

“Suối Mơ” là một bài hát nổi tiếng của Nhạc sĩ Văn Cao. Tôi đã nhiều lần đê mê trong giai điệu trong trẻo, ngọt ngào, thánh thiện của ca khúc này. Có lần, anh Văn Thao nửa thực, nửa đùa khoe: “Ông cụ nhà mình chỉ có “Suối Mơ”, còn mình đã có suối thực…”. Suối thực mà anh Văn Thao đề cập đến là con suối chảy qua trang trại của anh ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cứ mỗi lần lên đây là trong tôi vang lên những giai điệu của “Suối Mơ”. Đúng là anh Văn Thao đã ở mức độ nào đó biến tác phẩm âm nhạc “Suối Mơ” của cha mình thành suối thực giữa đời. Giới văn nghệ sĩ thường lên đây ngắm cảnh, uống rượu, đánh cờ, sáng tác…

Có lần, tôi nói với anh Văn Thao: “Hay chúng ta sang Bát Tràng, đặt họ làm cho làm dụng cụ đựng rượu có tên cụ Văn Cao rồi chúng ta… kinh doanh”. Anh Văn Thao cho biết, loại rượu này được sản xuất hạn chế, không thể trở thành hàng hóa được. Chúng tôi quyết định chỉ phổ biến loại rượu này trong một số nhóm bạn bè và “đầu tư” cho chuyện uống rượu khá công phu. Chúng tôi (Nguyễn Văn Dững, Hồ Bất Khuất) lên Hương Canh đặt làm chum, mang về, đào đất chôn ngay cạnh suối, đổ rượu xuống và hàng năm sau mới mang lên uống. Ai được uống rượu này thì không bao giờ quên. Mỗi lần uống loại rượu đó, chúng tôi lại nghiêng mình nhớ tới Nhạc sĩ Văn Cao – Người xứng tầm là Danh nhân Văn hóa. Vừa qua, nước ta được UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương là Danh nhân Văn hóa thế giới, tôi lại càng suy nghĩ nhiều về tài năng, đức độ của Nhạc sĩ Văn Cao. Tôi nghĩ, nước ta phải làm một điều gì đó cho con người tài hoa này trong năm 2023 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Uống rượu Văn Cao là hoạt động văn hóa

Sinh thời, Nhà giáo Văn Như Cương cũng hay lên trang trại của anh Văn Cao nghỉ ngơi, uống rượu và luận bàn thế sự. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi Nhà giáo Văn Như Cương thuộc hầu hết các bài hát của Văn Cao, kể cả những bài hát ít người biết như “Không quân Việt Nam”, “Chiến sĩ Hải quân”… Có lần cao hứng, anh Văn Thao và Nhà giáo Văn Như Cương hát các sáng tác của Nhạc sĩ Văn Cao trong cả giờ đồng hồ. Thông qua các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, chúng ta thấy ông là người vô cùng lạc quan, yêu đời và có tài tiên đoán. Mà cách tiên đoán của ông cũng độc đáo: Ông tiên đoán bằng những tác phẩm âm nhạc. Kỳ lạ nhất là ông viết bài Tiến về Hà Nội năm 1949. Tác phẩm được trình lên một vị lãnh đạo cao cấp. Vị này cho rằng, Văn Cao lạc quan tếu, suýt cho án kỷ luật. Ấy thế nhưng chỉ 5 năm sau - năm 1954 - sự kiện đó diễn ra với không khí, hình ảnh trùng hợp hoàn toàn với bài hát.

Thưởng thức rượu Văn Cao trên suối thực

Tác phẩm “Tiến quân ca” của Nhạc sỹ Văn Cao được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca. Gần 80 năm nay, hầu hết người Việt Namđã quen với giai điệu trầm hùng, trang trọng, thiêng liêng mỗi khi chúng ta chào cờ. Vào năm 1995, trước khi mất, Nhạc sĩ Văn Cao đã dặn vợ con là sau này hiến Quốc ca cho Nhà nước, cho nhân dân. Vợ con ông đã thực hiện di nguyện này, đã nhất trí chính thức hiến tặng Quốc ca cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam vào năm 2016.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của tác giả Quốc ca, chúng tôi thường tụ tập ở ngôi nhà bên suối để tưởng nhớ ông. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đào rượu hạ thổ lên và chia nhau mang về đón xuân.

Loại rượu này cao độ nhưng hầu như chúng tôi không bao giờ say và không bao giờ cảm thấy đau đầu khi uống loại rượu này. Chị Lan Vinh, vợ của anh Văn Thao cho biết, chị chưa bao giờ “được phục vụ” chồng sau các cuộc rượu.

“Ngôi nhà bên suối”, trang trại Văn Thao

Một câu nói mọi người tâm đắc và thường được xướng lên cuối cuộc Rượu Văn Cao: “Chúng ta dừng lại không uống nữa để chứng tỏ chúng ta là những người biết uống rượu”.

Chúng tôi cho rằng, thưởng thức Rượu Văn Cao là một hoạt động văn hóa. Chúng ta có thể nhân rộng cách uống rượu này thông qua việc chăm chút và phổ biến loại rượu nấu từ gạo, từ nếp của Việt Nam. Rượu của Việt Nam sản xuất đâu có thua kém gì rượu ngoại?! Cần nghiên cứu và sản xuất loại rượu có chất lượng tương đồng Rượu Văn Cao.

Hồ Bất Khuất

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suoi-thuc-suoi-mo-va-ruou-van-cao-239529.html