Sức vươn ở xã Tân Thành

Tân Thành từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao… Nhưng những hình ảnh đó giờ không còn, bởi miền quê này đã và đang đổi thay từng ngày.

Nhà văn hóa xóm Đồng Bốn (xã Tân Thành) được xây dựng mới khang trang, đảm bảo về diện tích và chỗ ngồi cho người dân hội họp.

Trước đây, người dân trên địa bàn xã Tân Thành gặp nhiều trở ngại khi đi lại, vận chuyển hàng hóa bởi phần lớn đường giao thông chưa được cứng hóa, nhiều "ổ gà, ổ voi" và lầy lội vào mùa mưa. Trước những khó khăn trên, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đầu tư cho hạ tầng nông thôn.

Ông Nguyễn Hữu Duy, Trưởng xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành, chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ năm 2020 đến nay, xóm đã xây mới, nâng cấp được trên 8km đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa với tổng diện tích khuôn viên trên 800m2. Để thực hiện những công trình trên, bà con đã hiến gần 8.000m2 đất và đóng góp hàng trăm triệu đồng. Từ khi có đường mới, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng hơn nhiều; con em trong xóm đi học cũng cũng an toàn và thuận lợi. Nhà văn hóa được xây mới khang trang, rộng rãi giúp phong trào văn hóa, thể thao ngày càng phát triển.

Tính từ năm 2020 đến nay, toàn xã Tân Thành đã xây mới, nâng cấp được trên 40km đường giao thông; xây dựng mới 10/10 nhà văn hóa xóm. Đến nay, 100% tuyến đường liên xã, trục xã và 70% tuyến đường liên xóm, trục xóm đã được cứng hóa; 100% nhà văn hóa đảm bảo diện tích, chỗ ngồi và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư.

Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã Tân Thành đã được đầu tư mở rộng và đổ bê tông.

Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã cũng quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích người dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Phát huy lợi thế là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn của huyện (trên 1.500ha), xã đã vận động người dân đưa các giống keo cao sản vào trồng mới, trồng thay thế. Đồng thời khuyến khích người dân kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Trên địa bàn hiện có gần 500 hộ, cơ sở chăn nuôi, trong đó phần lớn là chăn nuôi gà thả đồi.

Cùng với định hướng những mô hình kinh tế phù hợp, xã cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, xã Tân Thành có 432 hộ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với dự nợ trên 85,4 tỷ đồng; 643 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ trên 34 tỷ đồng. Hằng năm, xã phối hợp tổ chức được 1 đến 2 phiên giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Từ những giải pháp phù hợp, thu nhập của người dân được nâng lên và hiện đạt 46 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2019. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,57%, giảm 2,27% so với năm 2022; hộ cận nghèo chiếm 4,21% gảm 2,34%.

Đời sống vật chất nâng cao giúp người dân có điều kiện xây, sửa nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị trong gia đình; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng địa phương giàu đẹp.

Có thể nói, những kết quả mà xã Tân Thành đạt được hôm nay là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động vươn lên của người dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trong những năm tới, xã tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Song hành với đó, xã cũng tăng cường tập huấn khoa học - kỹ thuật về thâm canh cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất; phát triển kinh doanh, dịch vụ, chế biến lâm sản để tạo việc làm tại chỗ cho người dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/suc-vuon-o-xa-tan-thanh-8d70c2e/