Sức vươn kinh tế biển

Trong không khí rộn ràng của 'mùa khởi đầu' đang hiện rõ trong mỗi ngôi nhà, góc phố, làng quê, với người dân ven biển tỉnh Thanh, họ kỳ vọng một năm mới tốt lành, có thể yên tâm bám biển, vươn khơi, làm giàu từ biển...

Bến du thuyền Anh Phát (thị xã Nghi Sơn).

Những ngày cuối năm, không khí tại cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) nhộn nhịp hơn. Không chỉ có tàu thuyền trong tỉnh mà còn của tỉnh bạn cũng cập bến để cung cấp hải sản cho thương lái và các cơ sở chế biến. Ông Nguyễn Bá Trung (TP Sầm Sơn) chủ tàu TH90085-TS đã cho tàu cập cảng Lạch Hới với niềm vui “nhân đôi”. Bởi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tàu đã cập bến an toàn với khoang tàu no cá. Ông Trung cho biết: Những năm gần đây, được hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hướng dẫn, chấp hành quy định khai thác, những chuyến đi biển của người dân an toàn hơn vì luôn được “đồng hành” từ xa. Khai thác đúng ngư trường đã giúp các tàu thu hoạch trung bình khoảng 1.500 - 2.000 kg thủy sản/chuyến ra khơi.

Sự nhộn nhịp, năng động không chỉ nhìn thấy ở cảng cá Lạch Hới mà tại các cảng Lạch Bạng, Hòa Lộc đều tấp nập với những chuyến tàu ra vào cảng và niềm vui được mùa của ngư dân. Cảng cá không chỉ là nơi tàu thuyền cập bến lấy nhiên liệu, lương thực, thực phẩm mà còn là chợ đầu mối hải sản và là nơi mưu sinh của hàng nghìn lao động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá. Ông Lê Văn Hân, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Lạch Hới, cho biết: Thời gian gần đây, khi tỉnh Thanh Hóa thực hiện Luật Thủy sản và các quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tinh thần tự giác trong ngư dân được nâng cao. Các tàu thuyền luôn chú trọng ghi nhật ký hành trình khai thác để đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, các sản phẩm chế biến có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch, đặc biệt là vào thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Vì vậy, ngày càng nhiều cơ sở, doanh nghiệp lớn thu mua, sử dụng nguồn hải sản của tàu thuyền trong tỉnh. Ngoài ra, 3 cảng chỉ định của tỉnh được đầu tư, nâng cấp đã “mời gọi” được tàu công suất lớn cập bến thường xuyên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động hậu cần nghề cá”.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh năm 2023 đạt 140.500 tấn, bằng 101% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022; bảo đảm nguồn nguyên liệu cho 80 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ chế biến, sản xuất, kinh doanh thủy sản phát triển ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cung ứng cho thị trường.

Với 102km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, Thanh Hóa đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội vùng biển. Đồng thời, cụ thể hóa các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố ven biển từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; mạng lưới giao thông kết nối liên vùng từng bước hoàn thiện. Không chỉ định hình rõ nét về kinh tế mà còn tạo thêm sức hút cho vùng, hình thành được các cụm công nghiệp, khu công nghiệp hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tạo nên bức tranh kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa đa dạng sắc màu, năng động, hiện đại có sự đóng góp to lớn của ngành “công nghiệp không khói” mà trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng biển. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã chỉ rõ du lịch biển là một trong ba loại hình du lịch chính. Tập trung ở các địa phương ven biển, trọng tâm là đô thị du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Trường (Hoằng Hóa), khu du lịch Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) và khu du lịch ven biển Quảng Xương. Phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển đảo tại khu du lịch đảo Hòn Nẹ và Hòn Mê; du lịch khám phá đáy biển và các loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khác như nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo... Do đó, ngoài chú trọng xây dựng thương hiệu cho du lịch biển Thanh Hóa, với những đặc trưng riêng có và hấp dẫn, tỉnh ta còn hướng đến khai thác và phát triển du lịch biển một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, nguồn nước, không khí, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dọc chiều dài bờ biển xứ Thanh, không khí mùa xuân đã tràn đầy. Sức xuân của đất trời và những “trợ lực” kịp thời, tích cực của tỉnh đã và đang là động lực để kinh tế biển tiếp tục vươn mình, từng bước trở thành “cực đối trọng” chính đối với không gian kinh tế biển Vịnh Bắc bộ và vùng biển quần đảo Hoàng Sa, để vừa hội nhập kinh tế vừa bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo quê hương.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/suc-vuon-kinh-te-bien/206394.htm