Sức vươn của Hoằng Giang

'Tùng tùng đánh trống quân sang/ Chợ Già trước mặt, quán Nam bên đàng/ Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng/ Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương'... Tôi chợt nhớ lại những câu ca dao ấy khi đang đi trên bờ đê sông Mã tiến về vùng đất Hoằng Giang (Hoằng Hóa) - nơi có núi Chiêng nổi tiếng trong vùng.

Xã Hoằng Giang đang đổi thay từng ngày.

Thực ra, để đi về xã Hoằng Giang có nhiều cung đường mới rộng rãi và dễ đi hơn, song tôi vẫn thích men theo đường đê sông Mã để tận hưởng chút gió mát lành và thu vào tầm mắt những cảnh đẹp của sông quê, của màu xanh trù phú, vườn tược xum xuê để cảm nhận rõ sự trong lành, bình yên và thư thái của một xã NTM nâng cao.

Nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hoằng Hóa, Hoằng Giang được biết đến là vùng đất cổ. Xã trước đây vốn có 2 làng: Trinh Sơn (hay còn gọi là làng Chiêng) và Hợp Đồng. Hai làng nằm dọc tả ngạn sông Mã, bên này có bến đò Chiêng, bên kia là bến đò Giàng (thuộc phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa ngày nay). Trên địa bàn xã Hoằng Giang hiện nay có 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là đền thờ Tướng quân Cao Lỗ và đền thờ Cao Bá Điển.

Nằm ở vị trí cách xa trung tâm huyện, nhưng đổi lại vùng đất này được bồi đắp bởi phù sa sông Mã nên đất đai màu mỡ, ruộng đồng bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhắc đến Hoằng Giang, người ta sẽ nhớ đến một trong những “vựa” rau của huyện Hoằng Hóa. Trong tổng số 360 ha diện tích tự nhiên, địa phương này có tới 150 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 50 ha chuyên canh rau màu.

Một trong những dấu ấn trong phát triển ở địa phương này trong những năm gần đây đó là đã xây dựng thành công xã NTM nâng cao năm 2022. Từ một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển, song cán bộ, Nhân dân Hoằng Giang đã chung sức, đồng lòng, khơi dậy nội lực, xây dựng thành công một phong trào ý nghĩa. Địa phương đã hỗ trợ cho các thôn chỉnh trang lại nhà văn hóa thôn với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà văn hóa; hỗ trợ 30% kinh phí để đầu tư cải tạo đường giao thông... Đến nay, toàn xã đã thảm nhựa được 5,5 km đường giao thông, xây dựng được 6,8 km đường rãnh thoát nước khu dân cư; làm mới được 1 km đường giao thông nội đồng; các trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; 2/4 thôn trong xã đã được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nhờ chương trình XDNTM nâng cao, cuộc sống ở nơi đây thay đổi rõ rệt về mọi mặt. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Trinh Thọ, chia sẻ: “NTM nâng cao làm cho môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn rất nhiều, không còn rác thải tồn đọng, giao thông được mở rộng, trường học khang trang, tạo điều kiện cho con cháu học hành. Đời sống văn minh, tư duy người dân cũng thay đổi nhiều, xóm làng đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển”.

Theo lãnh đạo xã Hoằng Giang chia sẻ, người dân nơi đây vốn năng động, chịu thương, chịu khó, không chỉ làm nông nghiệp mà còn phát triển đa dạng nhiều ngành nghề. Hàng trăm người trong độ tuổi lao động tham gia làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định. Những người lớn tuổi hơn thì quanh năm bám đồng ruộng, luân phiên sản xuất rau màu. Thậm chí, nhiều người ban ngày đi làm công nhân, tối đến vẫn tranh thủ thời gian chong đèn tát nước, bắt sâu để có thêm nguồn thu từ sào rau của gia đình. Sự tích cực, năng động đó giúp nhiều gia đình có kinh tế ổn định, đời sống khấm khá. Thu nhập bình quân đầu người ở Hoằng Giang năm 2022 đạt 65,57 triệu đồng/năm.

Một Hoằng Giang đổi thay nhờ biết tận dụng các nguồn lực và phát huy nội lực để vượt khó vươn lên. Và chỉ khi về Hoằng Giang, ngắm phong cảnh và trò truyện với những người dân nơi đây, mới hiểu vì sao giữa cơn lốc của đô thị hóa vẫn còn những vùng quê yên bình với những con người mộc mạc, thân tình đến thế. Như cách mà Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang Cao Văn Bắc chia sẻ: Để hoàn thành được chương trình XDNTM nâng cao ở Hoằng Giang, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền còn có sự chung sức, chung lòng của không chỉ người dân đang sinh sống tại địa phương, mà còn có sự ủng hộ của những người con xa quê luôn hướng về quê hương, mong muốn quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Bắc cho biết thêm dù đã được công nhận xã NTM nâng cao, song lộ trình phía trước còn nhiều việc phải làm, như xây dựng thêm một số tuyến đường giao thông nội đồng; quy hoạch lại khu nghĩa trang; đầu tư cho khu sản xuất công nghệ cao để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhằm phát triển bền vững...

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/suc-vuon-cua-hoang-giang/198457.htm