Sức sống mới của văn học dã sử

Văn học dã sử, một thể loại đã từng được coi là nặng nề và chỉ dành cho người đam mê lịch sử sâu sắc, nay đang được tái sinh mạnh mẽ qua cây viết trẻ.

Bước vào cuộc phiêu lưu lịch sử

Mới đây, tác giả Hoàng Yến đã chia sẻ về hành trình sáng tác của mình trong 6 năm qua, nhân dịp ra mắt tác phẩm Trăng tan đáy nước. Các tác phẩm trước đó như Thượng dương, Săn Mộ, Dưới cánh đại bàng cũng đã để lại dấu ấn, với số lượng phát hành trung bình hơn 3.000 bản.

Tác giả Hoàng Yến và nhà văn Đức Anh chia sẻ về văn học dã sử trong chương trình "Sứ giả của dã sử - ra mắt sách Trăng tan đáy nước"

Bắt đầu với nghiệp viết, Hoàng Yến luôn dành tình yêu sâu sắc với lịch sử nước nhà. Lúc đầu, nữ nhà văn sinh năm 1993 chỉ dự định viết tiểu thuyết có bối cảnh lịch sử ghép với các yếu tố giả tưởng. Nhưng quá trình đọc tài liệu khiến cô ngày càng yêu thích lịch sử và có tham vọng gửi gắm tình yêu của mình vào các tác phẩm thuộc thể loại dã sử, đưa người đọc vào những cuộc phiêu lưu lịch sử hấp dẫn.

"Trăng tan đáy nước" là tập truyện ngắn về những mối tình nổi tiếng, xuyên suốt 2000 năm lịch sử

Như tập truyện ngắn Trăng tan đáy nước, Hoàng Yến viết về những mối tình nổi tiếng, xuyên suốt 2000 năm lịch sử. Những mối tình đó đều gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc huyền sử quan trọng, bắt đầu từ Trọng Thủy - Mị Châu và kết lại bằng mối nhân duyên giữa Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thời Nguyễn. Chỉ sau 8 ngày phát hành, tác phẩm đã bán được hơn 1.000 bản chỉ trên một gian hàng thương mại điện tử.

Thành công Hoàng Yến với Trăng tan đáy nước hay những tác phẩm trước đó đặt trong bối cảnh văn học dã sử ngày càng thu hút độc giả. Từng câu chuyện trong tác phẩm thuộc thể loại này đều được tác giả thêu dệt nên từ những sự kiện lịch sử có thật. Thông qua câu chữ, văn học dã sử mở rộng trí tưởng tượng của người đọc về quá khứ, đồng thời suy ngẫm về những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.

Mang đến làn gió mới

Tác giả Hoàng Yến cho rằng tương lai của dã sử ngày càng tươi sáng khi người đọc bắt đầu cởi mở hơn với thể loại này và các cây viết cũng ngày càng chú ý chăm chút cho đề tài. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi đó, từ kinh nghiệm của mình, Hoàng Yến chỉ ra khó khăn của việc viết tiểu thuyết dã sử đối với các tác giả trẻ.

Một trong những khó khăn lớn nhất là việc nghiên cứu sâu sắc về thời kỳ lịch sử mà họ muốn tái hiện trong tiểu thuyết. Đồng thời, tác giả cũng phải bảo đảm rằng tiểu thuyết của họ phản ánh đúng và chính xác các sự kiện, tình huống lịch sử, tránh được hiểu nhầm hoặc biến tấu quá mức.

Ngoài những tiểu thuyết lịch sử ra đời từ các cây bút lão làng như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Hà Văn Thùy, Nguyễn Mộng Giác, những năm gần đây, nhiều cây viết trẻ mang đến làn gió mới cho thể loại này. Họ không chỉ tái hiện quá khứ một cách trung thực mà còn sáng tạo ra những câu chuyện mới, đan xen giữa sự thật và hư cấu, giữa lịch sử và hiện đại, để tạo nên những tác phẩm văn học dã sử cuốn hút.

Thống kê cho thấy, khoảng 2 năm qua, số lượng tác phẩm văn học về đề tài lịch sử của người viết trẻ ngày càng tăng, trong đó có tiểu thuyết dã sử Ngự tiền quan án - Đại án Quảng Nam của Lương Hoài Trọng Tính, Tước gấm giấu đay của nhiều tác giả, Tây Sơn phụng thần ký của Thành Châu... Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã có 3 tác phẩm được cấp phép xuất bản gồm Trăng tan đáy nước của Hoàng Yến, Như Sơ của Việt Chi, Lúc biết xuyên không thì đã muộn của Mật Tiễn...

Số lượng tác phẩm văn học về đề tài lịch sử của người viết trẻ ngày càng tăng

Nhiều ý kiến cho đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự đổi mới không ngừng của văn học Việt Nam, cũng như tâm thế sẵn sàng của thế hệ trẻ trong việc đối thoại với lịch sử để tạo ra những giá trị mới. Hơn nữa, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa, văn học dã sử có cơ hội tiếp cận độc giả rộng rãi hơn. Với kỹ thuật truyền thông qua nội dung ngắn trên các mạng xã hội, tác giả tạo được cộng đồng của riêng mình, sau đó tìm được độc giả tiềm năng mua sách của họ.

Sâu xa hơn, theo tác giả Hoàng Yến, sức hút của văn học dã sử càng mạnh mẽ, bởi lẽ, văn học dã sử còn khơi nguồn cảm hứng để khám phá và hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc. "Nếu chính sử là những gì đã được ghi nhận và công nhận thì dã sử có bàn tay của sáng tạo văn học. Đó là cánh cửa để chúng ta đi vào lịch sử, thêm động lực tìm hiểu và yêu văn hóa nước nhà".

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/suc-song-moi-cua-van-hoc-da-su-i363301/