'Sức nóng' từ Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm

Qua 11 lần tổ chức, Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật-hàng giả đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức người dùng, từng bước đẩy lùi nạn hàng giả.

Trang bị kiến thức cho người tiêu dùng

Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về hàng hóa của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, tạo ra thị trường mở và rộng lớn cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.

Trước thực trạng này, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, từ cuối tháng 11/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ đó đến nay, Phòng Trưng bày được mở cửa định kỳ, thường xuyên, liên tục và giới thiệu các sản phẩm theo từng lĩnh vực, chuyên đề giúp người tiêu dùng, khách tham quan tìm hiểu về các sản phẩm vi phạm trên thị trường.

Bác Tạ Thị Phàn “mục sở thị” cây sâm Ngọc Linh

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, qua 11 lần mở cửa với các chuyên đề như: Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường, Nhận diện hóa mỹ phẩm vi phạm trên thị trường, Nhận diện sản phẩm sách và đồ chơi an toàn cho trẻ em, Dấu ấn Quản lý thị trường, Quản lý thị trường đi cùng nhịp sống và mới nhất là chủ đề Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan... Phòng Trưng bày thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm và đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô và người dân cả nước khi muốn tìm hiểu dấu hiệu nhận diện các sản phẩm hàng hóa vi phạm. Trong mỗi lần mở cửa, những người làm công tác tổ chức luôn cố gắng trưng bày sản phẩm có đối chứng thật - giả để giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện.

Ở tuổi đã cao, cần mua sâm về để duy trì sức khỏe, song bác Tạ Thị Phàn (ngõ Gốc Đề, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lên mạng gõ “sâm Ngọc Linh” hàng loạt thông tin từ củ tươi, củ khô, lá sâm đến cả rượu và sản phẩm chiết xuất từ sâm hiện ra với đa dạng nguồn cung cấp, chỗ nào cũng quảng cáo, giới thiệu là “sâm Ngọc Linh” chuẩn. Chính vì vậy, thị trường không khác nào ma trận, “đánh đố” người tiêu dùng. Năm 2023, khi Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh”, bác Phàn đã đi từ quận Hoàng Mai lên quận Hoàn Kiếm để “mục sở thị” cây sâm Ngọc Linh.

“Trước nay, người tiêu dùng chỉ biết cây sâm, củ sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum qua báo đài, truyền hình chứ có mấy người được nhìn thấy tận mắt. Qua Phòng Trưng bày, người tiêu dùng được tận tay sờ vào lá sâm, củ sâm; được trang bị kiến thức để nhận diện lá, củ sâm Ngọc Linh và cây sâm trồng tại các tỉnh, thành khác và biết thêm được các địa chỉ bán sâm Ngọc Linh uy tín” - bác Phàn chia sẻ.

Chị Hoàng Thu Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân rất ưa chuộng mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp của Nhật Bản, song trên thị trường nhan nhản các sản phẩm chống nắng, dưỡng da của các thương hiệu Nhật với các mức giá khác nhau, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nếu không có kiến thức, rất khó để phân biệt hàng giả. “Trên thị trường, nhiều sản phẩm giả được làm rất công phu, tỉ mỉ. Nếu không có sản phẩm thật để so sánh rất khó phân biệt. Phòng Trưng bày luôn có sản phẩm thật - giả để đối chứng, từ đó giúp người dùng có thêm thông tin, căn cứ khi chọn mua hàng hóa” - chị Thu Phương chia sẻ và cho biết, thông qua Phòng Trưng bày, chị và đồng nghiệp đã có thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích để phân biệt hàng thật, hàng giả đối với các sản phẩm thông dụng như: Bột giặt ô mô, muối mì tôm Hảo Hảo, bột ngọt Ajnomoto, các sản phẩm dầu gội, sữa tắm... đến quần áo, mỹ phẩm...

Cục Quản lý thị trường Bắc Giang tổ chức các điểm trưng bày giới thiệu hàng thật - hàng giả giúp người tiêu dùng có thêm thông tin, tránh mua phải các sản phẩm giả. Ảnh: DMS

Cục Quản lý thị trường Hà Giang tổ chức gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả giúp cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả. Ảnh: DMS

Không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, "sức nóng" của Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm đã lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Bắc Giang, Tây Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên... đã liên tiếp tổ chức các gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả giúp cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.. từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Khẳng định sự cam kết, đồng hành của Chính phủ trong cuộc chiến chống hàng giả

Bên cạnh việc cung cấp thông tin, cách nhận biết phân biệt hàng hóa, Phòng Trưng bày còn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường. Theo đánh giá, nhận định của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, doanh nghiệp là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm và là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất, vì vậy đấu tranh chống hàng giả phải bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp.

Phòng Trưng bày đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường

Bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan thực thi trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Và thông qua các sự kiện trưng bày, doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu các sản phẩm của mình, giúp cho người tiêu dùng cũng như cơ quan thực thi nhận biết hàng thật, hàng giả.

Bà Hirota Kaori - đại diện của Cơ quan Sáng chế Nhật bản (JPO) cũng chia sẻ, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp cùng các sản phẩm hàng hóa Nhật Bản, tôi tin rằng người tiêu dùng cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về các sản phẩm chính hãng của nước Nhật, từ đó chủ động các giải pháp phòng ngừa hàng giả. Bà Hirota Kaori kỳ vọng, các cơ quan hữu quan sẽ bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ không chỉ của doanh nghiệp Nhật mà của cả các doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của toàn nền kinh tế Việt Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng Đại diện, Giám đốc Quan hệ và Thị trường Chính phủ, Công ty TNHH 3M thông tin, Phòng Trưng bày không chỉ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp với vai trò chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mà còn khẳng định và cam kết sự đồng hành của Chỉnh phủ, của các lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, nhằm đẩy lùi vấn nạn sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, song song với tiếp tục tổ chức Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường cũng tăng cường phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng. Đồng thời, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-nong-tu-phong-trung-bay-nhan-dien-hang-that-hang-gia-hang-vi-pham-308950.html