Sức mạnh toàn dân trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Với khẩu hiệu 'Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng', nhân dân trong cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam sau đó từng bước mở rộng chiến tranh.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng, dùng súng. Ai có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.

Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống còn muôn vàn khó khăn, toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, xây dựng tiềm lực mọi mặt. Lực lượng tham gia kháng chiến gồm: Quân đội, dân quân du kích, công an, nhân dân trực tiếp chiến đấu bảo vệ xóm làng, đường phố; thanh niên xung phong, dân công, các đội trừ gian, diệt ác, các đội công tác, binh vận, các tổ chức, mọi người tùy theo lứa tuổi, sức lực mà đóng góp vào kháng chiến, đi học cũng là kháng chiến, sản xuất cũng là kháng chiến...

Để động viên được lực lượng toàn dân đánh giặc, toàn dân kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp các lực lượng vào Mặt trận dân tộc thống nhất, hợp thành khối đoàn kết dân tộc vững chắc; một lực lượng chính trị hùng hậu của Đảng; tạo nên sức mạnh toàn diện góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

Các đơn vị bộ đội trèo đèo, lội suối, vượt sông tiến vào Tây Bắc, năm 1952. (Nguồn: TTXVN)

Bộ đội ta trèo đèo, lội suối vượt sông Đà vào bao vây Mộc Châu, năm 1952. (Nguồn: TTXVN)

Các đơn vị nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi vào Chiến dịch Tây Bắc (Chiến dịch Lê Hồng Phong), năm 1952. (Nguồn: TTXVN)

Các đơn vị bộ đội gấp rút chuẩn bị vũ khí, khí tài để đảm bảo Chiến dịch thắng lợi. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. (Nguồn: TTXVN)

Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất. (Nguồn: TTXVN)

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN)

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. (Nguồn: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Nguồn: TTXVN)

Minh Nhật

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-manh-toan-dan-trong-chien-thang-dien-bien-phu-266450.html