Sức mạnh của sự phối hợp hiệp đồng tác chiến

Thời gian qua, mối quan hệ trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an và Biên phòng tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với lực lượng Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn.

Dấu ấn qua những chuyên án phối hợp

Một trong những điểm nhấn quan trọng, quyết định sự thành công của chuyên án đấu tranh, triệt phá đường dây mua bán trẻ em dưới 16 tuổi là công tác phối hợp giữa Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ Tư lệnh BĐBP, BĐBP tỉnh Cao Bằng và Công an các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ - nói về thành công của chuyên án, một cán bộ Phòng PCMT&TP, BĐBP tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Kể lại quá trình phối hợp, đấu tranh chuyên án, những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ vẫn không giấu được nỗi xót xa trước cảnh ngộ của cô bé N.T.K.O (trú tại tỉnh Cần Thơ), khi bị chính bà ngoại và mẹ đẻ ép gả cho người đàn ông xa lạ. O may mắn được cơ quan chức năng nước sở tại trao trả về Việt Nam nhưng em đã phải trải qua một cú sốc tinh thần rất lớn.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả.

Trước đó, ngày 26/10, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do Đại Đội quản lý biên giới Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc trao trả. Trong quá trình làm việc với cháu O, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh nhận thấy cháu có dấu hiệu của việc bị mua bán. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, trợ giúp pháp lý, các cán bộ Biên phòng đã điều tra, xác minh vụ việc.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã báo cáo Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP xác lập chuyên án; phối hợp với các lực lượng đấu tranh triệt phá đường dây MBN dưới 16 tuổi từ một số tỉnh miền Tây Nam Bộ qua biên giới tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã xác định được hai đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là Nguyễn Thị Lài (SN 1997, trú tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), chị họ và Trần Thị Lợi (SN 1957, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), là bà ngoại của O; đồng thời triệu tập đến trụ sở làm việc.

Qua đấu tranh khai thác, Lài đã khai nhận: Tháng 5/2023, Lài giới thiệu cho Mập kết nối với O. Tháng 8/2023, hai đối tượng người Trung Quốc là Gồm và Mập nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được Lài đưa xuống nhà O để thỏa thuận kết hôn. Ban đầu O không đồng ý nhưng do bà ngoại của O là Trần Thị Lợi và mẹ đẻ là Lê Thị Mỹ Hạnh tác động tâm lý, buộc O phải đồng ý. Lần này, Mập đã trả cho Lài 13,9 nhân dân tệ (tương đương 450 triệu đồng). Có số tiền trên, Lài đưa cho bà Lợi và Hạnh 100 triệu đồng và số vàng trị giá khoảng 60 triệu đồng…

Sau khi Mập và Gồm xuất cảnh về nước, Lài đưa O ra Hà Nội sau đó lên Cao Bằng để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Khi biết O bị lực lượng chức năng bắt, Mập và Gồm tiếp tục nhập cảnh Việt Nam với mục đích tìm kiếm phụ nữ khác làm vợ và tạm trú tại nhà Lài tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Lực lượng đánh án đã thu thập được tài liệu chứng minh nhân thân hai đối tượng người Trung Quốc; xác định Triệu Thành Long còn gọi là Mập (SN 1994, trú tại thị trấn Cao Hồ, huyện Thanh Điền, TP Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc); Thư Tăng Ủy, còn gọi là Gồm (SN 1993, trú tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Ngày 29/10, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đã ra lệnh giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Lài và Trần Thị Lợi; ngày 30/10, khởi tố vụ án hình sự “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Ngay sau đó, ban chuyên án đã đề xuất Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP tỉnh Kiên Giang phối hợp đấu tranh, đồng thời cử ngay đội đánh án phối hợp với Phòng PCMT&TP/BĐBP tỉnh Kiên Giang, Công an TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tiến hành khám nhà đối tượng Lài, thu giữ 1 lắc; 1 dây chuyền và 1 vòng tay vàng; 1 tờ giấy kết hôn trái pháp luật giữa O và Long. Đồng thời, triệu tập làm việc, di lý Long, Thư Tăng Ủy và Hạnh về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng để điều tra. Ngày 3/11, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đã ra lệnh giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Long và Hạnh…

Kết quả điều tra xác định, Lài vừa là người chủ mưu tổ chức, vừa là người thực hiện, Long là người bỏ tiền mua O với danh nghĩa lấy về làm vợ, Lợi và Hạnh là người đồng phạm với vai trò giúp sức, tác động tư tưởng và hưởng lợi một phần. BĐBP tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trùng Khánh tiến hành các hoạt động tố tụng theo thẩm quyền. Ngày 5/11, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh hoàn chỉnh điều tra ban đầu, bàn giao hồ sơ, đối tượng, tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng thụ lý.

Đây là chuyên án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đổi tượng ở cả địa bàn nội địa và ngoại biên; hoạt động tinh vi che giấu hành vi phạm tội; việc điều chuyển, di chuyển đổi tượng phải thực hiện qua nhiều công đoạn (cả đường bộ và đường hàng không), khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm cao của Ban chuyên án, sự chủ động vào cuộc ngay từ đầu của các cơ quan tư pháp; sự phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an các tỉnh đã phá án thành công; bắt giữ triệt để các đối tượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, trang bị; khởi tố điều tra ban đầu, bàn giao cho cơ quan chức năng đúng quy định pháp luật, đạt được mục đích, yêu cầu chuyên án đề ra.

Đây chỉ là một trong những chuyên án điển hình về sự phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội. Trước đó, vào ngày 20/7, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Cục PCMT &TP chủ trì xác lập chuyên án; phối hợp với BĐBP và Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí trên địa bàn các tỉnh biên giới; bắt giữ 6 đối tượng; tang vật thu giữ: 14 khẩu súng (11 khẩu súng ngắn, 3 khẩu súng dài), 310 viên đạn các loại, 1 túi nilon có chứa các hạt tinh thể màu trắng (nghi là ma túy), cùng nhiều linh phụ kiện, công cụ, phương tiện dùng để chế tạo súng. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận, từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2023 đã sản xuất và tiêu thụ gần 50 khẩu súng các loại. Chuyên án thành công đã thu giữ một số lượng lớn vũ khí, đã ngăn chặn không để lọt vào tay của các đối tượng phản động, khủng bố, tội phạm gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, lãnh đạo hai Bộ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của nhân dân, lực lượng Công an và Quân đội đã phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 3 của Chính phủ; tham mưu với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, xử lý kịp thời các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh.

Phối hợp bảo đảm an toàn tuyệt đối các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước…; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Lực lượng Công an, Quân đội các địa phương đã phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng khu vực phòng thủ; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Bên cạnh đó, đã phối hợp tham mưu Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, hai bên thường xuyên duy trì thực hiện nền nếp công tác gặp gỡ, trao đổi thông tin định kỳ, đột xuất về tình hình hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; tình hình hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, mua bán người, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ...

Chỉ tính riêng trong năm 2023, hai lực lượng BĐBP đã phối hợp bắt giữ 293 vụ/588 đối tượng (giảm 28 vụ, tăng 60 đối tượng), thu giữ 741,815kg ma túy các loại (tăng 351,945kg); 17 khẩu súng các loại, 42 viên đạn, 7 xe ôtô, 41 xe máy, 32 điện thoại di động và một số tang vật khác. Phá nhổ 1.632 cây thuốc phiện, 522 cây cần sa; phối hợp điều tra, làm rõ 228 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với 189 đối tượng; tạm giữ hàng hóa để điều tra, xác minh khoảng 60,08 tỷ đồng… Từ công tác phối hợp, Bộ Tư lệnh BĐBP; các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương đã góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trong nội địa và khu vực biên giới.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/suc-manh-cua-su-phoi-hop-hiep-dong-tac-chien-i717928/