Sức lan tỏa từ Chủ đề công tác năm

Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp thực hiện Chủ đề công tác năm về 'Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính' trong Đảng bộ tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chủ đề công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo và thực chất, đi vào chiều sâu, có phần việc, mô hình cụ thể; tạo hiệu ứng lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, quyện hòa ý Đảng lòng dân; làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giải quyết những khâu yếu, 'điểm nghẽn' nhằm tạo bứt phá, đổi mới.

Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" Sở Xây dựng. Ảnh: Trường Giang

Luồng gió mới

Chủ đề công tác năm 2022 của Tỉnh ủy về "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính" như thổi một luồng gió mới đến các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, đòi hỏi phải hành động quyết liệt, thay đổi đồng bộ, toàn diện. Ngay sau khi Chủ đề được thống nhất ban hành, tất cả các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và sở, ban, ngành, đoàn thể đã lựa chọn một số nội dung trong chủ đề của tỉnh để cụ thể hóa và tập trung thực hiện tại địa phương, đơn vị phù hợp với thực tiễn. Tại Đảng bộ huyện Kim Sơn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lựa chọn Chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết, kỷ cương; chỉnh trang hạ tầng đô thị và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới" và chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc lựa chọn, đăng ký nội dung công việc cụ thể để thực hiện. Có 73 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy đã lựa chọn, thống nhất, đăng ký 162 nội dung công việc, trong đó 58 đơn vị đăng ký từ 2 việc trở lên, 13 đơn vị đăng ký từ 3 việc trở lên. Đến nay, hầu hết các nội dung, phần việc đã hoàn thành. Đồng chí Vũ Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Kim Trung khi nói về kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm phấn khởi cho biết: Toàn huyện nói chung, toàn xã Kim Trung nói riêng đã triển khai Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, Huyện ủy bằng những việc làm cụ thể nhất và đạt được hiệu quả rõ nét; hành chính công có sự chuyển động nhanh theo hướng tích cực; người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, có sự đổi mới về tác phong, lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị được tập trung giải quyết.

Nền tảng quan trọng để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy tuy ngắn gọn nhưng xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, có 3 nội dung gắn bó hữu cơ, mật thiết, tương trợ cho nhau: Kỷ cương, trách nhiệm và cải cách hành chính. Về kỷ cương, ngày 26/5/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND về Quy chế văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên; thể hiện tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Qua việc triển khai thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nâng cao nhận thức và hành động trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính được củng cố và tăng cường; đã hạn chế tối đa việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi trong xử lý, giải quyết công việc. Niềm tin, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước được nâng lên.

Về trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên quan tâm, chú trọng phổ biến, quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành và thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; có ý thức xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Đồng thời, quan tâm đổi mới phương thức làm việc, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của từng cá nhân trong thực thi công vụ; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của từng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Nhiều cơ quan, đơn vị cũng quan tâm đổi mới phương thức làm việc, chú trọng nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng cá nhân trong thực thi công vụ; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do vậy, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ; tinh thần trách nhiệm trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được nêu cao theo đúng tinh thần Chủ đề công tác năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trong cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình theo đúng hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, không phù hợp, rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, cản trở tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã tích cực rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp, liên thông giải quyết với nhiều cấp, ngành nhằm giảm tối đa thời gian và tài chính của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 37 quyết định công bố, sửa đổi, bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; 23 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, trong đó đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt cắt giảm 2.450 giờ giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.933 thủ tục (cấp tỉnh 1.541 thủ tục; cấp huyện 275 thủ tục; cấp xã 117 thủ tục). Hiện nay, 100% TTHC được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp và trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định. Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) của tỉnh năm 2021 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, đạt 87,89%, tăng 1,64 bậc so với năm 2020; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 89,36%, cao hơn chỉ số trung bình chung của cả nước, tăng 7 bậc và xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, Ninh Bình xếp thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số.

Chủ đề công tác năm 2022 của Tỉnh ủy đã gắn chặt với các khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là: Xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. "Xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện chuyển đổi số" được xác định là khâu đột phá đầu tiên, quan trọng nhất; đồng thời với đó là các nghị quyết, chương trình trọng tâm phù hợp để hiện thực hóa khâu đột phá, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vào cuộc sống.

Minh Tâm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/suc-lan-toa-tu-chu-de-cong-tac-nam/d2023011114532608.htm