Sức khỏe nhà thầu xây dựng vẫn như 'ngọn đèn trước gió'

Bức tranh tài chính đang le lói nhiều tia sáng hơn, tuy nhiên, việc doanh thu không có nhiều đột phá, chất lượng lợi nhuận thấp kỷ lục khiến phần lớn nhà thầu xây dựng vẫn đối diện với hàng loạt thách thức trong quá trình phục hồi.

Quý II/2023, Hòa Bình (HoSE: HBC) là doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế ấn tượng bậc nhất ngành xây dựng, đạt 585 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế, HBC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 68 tỷ đồng, và phải nhờ tới việc bán tài sản, công ty mới có lãi.

Sức ép vẫn bủa vây

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với Hòa Bình khi trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 vừa công bố, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 711 tỷ đồng. Con số chênh “một trời một vực” so với báo cáo tự lập doanh nghiệp báo lãi 103,2 tỷ đồng cách đây chưa đầy 1 tháng.

Khoản mục thay đổi lớn nhất của Hòa Bình trong báo cáo soát xét so với báo cáo tự lập là lợi nhuận khác giảm 99% còn 6 tỷ đồng. Giải trình với cơ quan quản lý, công ty cho hay khoản mục này thay đổi do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản của công ty mẹ.

Ngoài ra, doanh thu tài chính của Hòa Bình cũng giảm 76% sau soát xét, còn 23,4 tỷ đồng do điều chỉnh khoản doanh thu từ việc chuyển nhượng công ty con. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 17% so với báo cáo tự lập do phải tăng dự phòng cho khoản phải thu khó đòi.

Các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang đối diện rất nhiều sức ép trong quá trình hồi phục.

Không chỉ riêng Hòa Bình, xét trên toàn cục, dù tình hình kinh doanh đã bớt u ám, nhưng thực tế chỉ ra doanh thu của các doanh nghiệp ngành xây dựng không có nhiều yếu tố đột phá. Ngay cả với nhóm nhà thầu ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng cũng có những “vết gợn”.

Điển hình như Ricons, một trong số các doanh nghiệp nằm trong Liên danh Vietur, vừa trúng gói thầu 5.10 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành, dù báo lãi trước thuế hơn 52 tỷ đồng trong quý II, nhưng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính thay vì lĩnh vực kinh doanh chính.

Cụ thể, nhà thầu lớn thứ 3 thị trường nằm trong “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương ghi nhận doanh thu tài chính đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia. Tuy nhiên, doanh thu thuần giảm 24%.

Các nhà thầu khác cùng trong Liên danh Vietur cũng không mấy khả quan hơn. Như Vinaconex, lũy kế nửa đầu năm đạt 6.532 tỷ đồng doanh thu thuần, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 139 tỷ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ. Hay, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.

Xoay xở để “vượt bão”

Kết quả thăm dò đối với 14 doanh nghiệp xây dựng tiêu biểu, đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên 2023, cũng cho thấy có 9/14 doanh nghiệp suy giảm về doanh thu, 8/14 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận trước thuế, 1 doanh nghiệp báo lỗ trước thuế (lỗ sau thuế là 3 doanh nghiệp).

Có thể thấy, khó khăn vẫn đang bủa vây ngành xây dựng, buộc các doanh nghiệp phải liên tục “xoay trục” để thích ứng, chuẩn bị cho giai đoạn mới. Một trong những điểm tựa lớn nhất của các doanh nghiệp hiện tại là các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm.

Tổng Giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm khẳng định để hoàn thành mục tiêu năm 2023, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, công ty sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao từ “đại bàng” FDI với vai trò tổng thầu. Dù vừa thất bại trong cuộc chạy đua tới gói thầu sân bay Long Thành, song CTD sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ…

Trong khi đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình, cho hay trong bối cảnh thị trường bị “co hẹp”, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên mở hướng ra nước ngoài, dù đây là hướng đi nhiều thách thức và đòi hỏi sự dài hơi.

Một tín hiệu tích cực cho chiến lược này là mới đây, Hòa Bình thông báo phối hợp với PrimeTech Constructions triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư. Dự án có tổng giá trị khoảng 42.425 tỷ đồng. Trong đó, HBC sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng khoảng 21.219 tỷ đồng.

Ở trong nước, Hòa Bình dự kiến tập trung nguồn lực vào các dự án công nghiệp, điển hình như Want Want (Đài Loan), dự án của BWID, nhà máy thép Hòa Phát ở Dung Quất. Cùng với đó là mảng thi công hạ tầng và đặc biệt là xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu 10.000 căn.

Đang có nhiều kế hoạch để ứng phó, song ông Lê Viết Hải thừa nhận ngành xây dựng Việt Nam đang yếu hơn trước, dẫn đến áp lực cạnh tranh và phát triển ngày càng tăng.

Rõ ràng, trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức vẫn đang chờ đợi các nhà thầu, buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp hay thậm chí tham gia sâu rộng hơn vào các dự án đầu tư công…

Giới quan sát cũng nhận định, các nhà thầu xây dựng rất khó trở lại trong ngắn hạn, ít nhất là giữa năm 2024, bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi từ 3-5 năm, bất chấp Chính phủ đang có nhiều giải pháp tháo gỡ.

Với những diễn biến từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, khẳng định bên cạnh những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chuẩn bị cho quá trình phục hồi.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/suc-khoe-nha-thau-xay-dung-van-nhu-apos-ngon-den-truoc-gio-apos-1095031.html